Hiệu trưởng Marie Curie nói gì về đề xuất chia nhỏ nghỉ hè của Chủ tịch Chung?

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội
TPO - Để học sinh nghỉ 1 kỳ nghỉ hè dài như hiện nay là một sự bất hợp lý vì sẽ tạo lên sức ì lớn cho học sinh khi bước vào năm học mới.   

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.

Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội cho rằng ý kiến của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có nhiều ưu điểm.

Thầy Khang cho rằng, mấy chục năm trước, chúng ta có 3 tháng cho học sinh nghỉ hè. 3 tháng nghỉ hè lại dựa vào công việc của nhà trường chứ không dựa vào nhu cầu, đặc điểm của học sinh.

Theo thầy Khang, để học sinh nghỉ 1 kỳ nghỉ hè dài như hiện nay là một sự bất hợp lý vì sẽ tạo lên sức ì lớn cho học sinh khi bước vào năm học mới. Khi vào năm học mới việc khởi động lại khó khăn hơn.

 “Theo như đề xuất, năm học chia ra 4 kỳ, mỗi kì cỡ 2-2,5 tháng/ kỳ. Tháng 9 bắt đầu năm học thì đến tháng 11 chốt hạ học kì 1, sau đó bước vào kì 2 thì sau kì 2 có đợt nghỉ sẽ trùng với thời điểm nghỉ tết dương lịch. Theo đề xuất, nếu nghỉ Tết là 30 ngày thì trọn vẹn từ tết dương đến Tết nguyên đán”- thầy Khang nhấn mạnh.

Thầy Khang cho rằng, cách phân bổ thành 4 kỳ như vậy có nhiều ưu điểm. Thay vì chỉ 2 kỳ như hiện nay thì thành 4 kỳ. Theo Hiệu trưởng Khang, chương trình học có thể chia thành bốn module kiến thức ngắn gọn huận lợi hơn so với việc chia làm hai học kỳ như hiện nay với khối lượng kiến thức mỗi kỳ khá nhiều.

“Trên cơ sở đó cái nhược điểm của cái cũ và ưu điểm của cái mới tôi ủng hộ đề xuất này của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội”- thầy Khanh nhấn mạnh.

Cái khó nhất là thay đổi thói quen

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, đề xuất này nếu được áp dụng thì khó nhất không phải ở việc Bộ GD&ĐT không đề xuất được các hoạt động giáo dục, thi cử.

Thầy Khang cũng cho rằng, tất cả các vấn đề kĩ thuật giáo vụ đó đều có thể làm được. Cái khó nhất đi vào thực tiễn là phải thay đổi thói quen. Đặc biệt, là thói quen là từ lãnh đạo.

“Đổi mới thường đi đôi với các ý kiến ngược chiều. Phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm của nó. Nhưng đề xuất này có nhiều ưu điểm hơn. Nhưng thay đổi hay không là vấn đề khó”- thầy Khang nói.

Theo thầy Khang, đề xuất này không chỉ liên quan điến 24 triệu học sinh mà liên quan đến cả nước với hàng triệu gia đình. Chính vì thế, cần nghiên cứu kĩ để thay đổi chứ không thể cẩu thả. Đây là việc không hề đơn giản. Còn sau khi nghiên cứu, áp dụng được hay không, áp dụng vào lúc nào lại là câu chuyện tiếp theo.

Theo thầy Khang, khi nghiên cứu kĩ và thực hiện phải có sự nhất quán trên cả nước bởi có nhiều hoạt động giáo dục và đào tạo cần sự đồng bộ toàn quốc. Mặt khác, còn có sự liên quan đến kì thi thi THPT quốc gia chứ không thể có tỉnh nào đó một mình một ngựa được.

Thầy Khang cũng chia sẻ, đề xuất này khó có thể áp dụng được trong năm tới vì cần phải có nghiên cứu kĩ. Nếu có thể, trong 2-3 năm tới thay đổi được cùng với thay đổi ở chương trình phổ thông thì sẽ hợp lý.

*Theo bạn có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, chia nhỏ thành các kỳ nghỉ trong năm? Mọi chia sẻ, ý tưởng, góp ý... xin gửi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo hộp thư: online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG