Không còn thi 2 trong 1: Các trường ĐH tuyển sinh thế nào?

Tân sinh viên nhập học tại trường ĐH Y Hà Nội năm 2018 Ảnh: Nghiêm Huê
Tân sinh viên nhập học tại trường ĐH Y Hà Nội năm 2018 Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH,CĐ) có thể lấy kết quả hay sử dụng phương thức khác để tuyển sinh là tùy các trường. Thực tế, trong Luật Giáo dục ĐH đã quy định rất rõ các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Chính vì vậy, năm 2019, một số trường ĐH sẽ có những hướng điều chỉnh trong phương án tuyển sinh của mình so với năm 2018.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi trường mỗi kiểu

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, năm 2019 nếu Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi không có thêm phần dùng để xét vào ĐH thì trường vẫn tạm thời sử dụng kết quả học bạ 3 năm THPT kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia của học sinh để xét tuyển. 

Ngoài ra, nếu ĐH quốc gia TPHCM cho phép sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực cho các trường ngoài ĐH Quốc gia thì ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM sẽ thí điểm sử dụng kết quả đánh giá đó để tuyển sinh.

Về lâu dài, nhà trường tuyển sinh theo nhóm ngành bằng kết quả ghi trong học bạ THPT, sau đó các em trúng tuyển sẽ trải qua giai đoạn học đại cương để chọn ngành cụ thể, khối kiến thức đại cương của trường sẽ tính linh hoạt, căn cứ trên yêu cầu chuẩn năng lực đầu vào của từng ngành cụ thể để chọn.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chưa tính tới chuyện thay đổi mà vẫn giữ nguyên các hình thức xét tuyển như năm trước để mang tính ổn định cho thí sinh và phụ huynh. Theo ông Dũng, với mục tiêu thi THPT Quốc gia năm 2019 là để xét tốt nghiệp, đề thi có phần dễ hơn thì cũng không ảnh hưởng đến tuyển sinh của trường bởi nguyên tắc tuyển sinh là “thuyền lên nước lên”, đề thi dễ, điểm thi cao thì điểm chuẩn cũng sẽ cao.

Ông Dũng cho biết thêm, ở một số nước phát triển, học lực của học sinh bậc phổ thông cũng chỉ là phần phụ. Riêng với Việt Nam, một số gia đình khá giả họ cho con đi du học ở nhiều trường nước ngoài với yêu cầu học lực bậc phổ thông khá thấp nhưng sau khi trở về các em vẫn làm được việc.

Do đó, đầu vào chỉ là 1 thang đo, quan trọng là quá trình đào tạo chặt chẽ. 
Nói thêm về quan điểm đào tạo ĐH, ông Dũng cho rằng, 2 năm đầu chỉ nên học các môn cơ bản, sau đó mới chọn ngành, bởi lẽ với học sinh 18 tuổi rất mơ hồ về nghề nghiệp, đó là chưa kể đến công tác hướng nghiệp của ta còn yếu. 

 TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, ông không thấy bất ngờ khi Bộ GD&ĐT khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia năm sau là để xét tốt nghiệp, bởi ngay từ đầu khi thực hiện kỳ thi 2 trong 1, mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT.

Theo ông Chính, kỳ tuyển sinh năm tới, ĐHQG TPHCM sẽ đồng thời tổ chức tiếp kỳ thi đánh giá năng lực học sinh  và tăng tỷ lệ xét tuyển từ kỳ thi này lên 10-15% so với hiện nay. Hiện tại, cũng đã có nhiều trường ĐH cho biết sẽ phối hợp, sử dụng kết quả của kỳ thi này. Về độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, ông Chính cho rằng, hiện tại Bộ GD&ĐT đang rất mở khi cho phép nhiều phương thức tuyển sinh, do đó, trường nào tin tưởng thì chúng ta dùng, còn không thì thi riêng…

Nên lập nhóm tuyển sinh để tránh áp lực, lãng phí

Đại diện một trường ĐH top giữa ở khu vực phía Bắc cho biết, hai năm vừa qua, trường này vừa xét tuyển thông qua học bạ của học sinh THPT và vừa xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, năm 2019, đề thi không còn phục vụ hai mục tiêu thì cũng không ảnh hưởng đến tuyển sinh của trường. Trường vẫn giữ hai phương thức xét tuyển như những năm qua. Vị này cũng nói thêm, với các trường top thấp, thi riêng luôn là phương án không ưu tiên. Vì nó bộc lộ “điểm yếu” của các trường. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Điền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường chưa có ý định gì mới. Năm tới, có thể sẽ vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm 2018, tức là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Theo ông Điền, nếu tổ chức thi riêng ngay từ năm 2019, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hoàn toàn có thể làm được.

Nhưng như thế, sẽ rất thiệt cho thí sinh và lãng phí cho xã hội. Vì tổ chức một kỳ thi nhưng kết quả chỉ phục vụ cho một trường ĐH. Chính vì vậy, ông Điền cho rằng các trường ĐH nên lập nhóm để tuyển sinh. Số lượng trong một nhóm đẹp nhất là khoảng 15 - 17 trường. Nhóm trường sẽ thiết kế phương án tuyển sinh chung. Như thế, sẽ không gây lãng phí và giảm áp lực cho thí sinh. 

Một chuyên gia khác cũng cho rằng, các trường ĐH đào tạo cùng ngành nên tổ chức thi chung. Ví dụ như nhóm trường kỹ thuật, nhóm trường y dược, nhóm trường kinh tế, nhóm trường khoa học tự nhiên, khoa học xã hội... 

Trước năm 2016, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Lúc đầu kỳ thi chỉ phục vụ các trường, khoa tuyển sinh. Nhưng sau đó, đã có một số trường ĐH khác ngoài ĐH quốc gia xin được sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh.

Thực tế, có nhiều trường ĐH hiện nay chưa đủ khả năng để có thể thực hiện phương án thi tuyển sinh riêng. Có một số  nguyên nhân, thứ nhất là do không đủ đội ngũ giáo viên các môn khoa học cơ bản để ra đề thi. Thứ hai, cơ sở vật chất để phục vụ kỳ thi. Nhưng một nguyên nhân quan trọng nhất đó là các trường ĐH đều “run” khi bảo mật đề thi. 

Ông Nguyễn Phong Điền, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng các trường ĐH nên lập nhóm để tuyển sinh. Số lượng trong một nhóm đẹp nhất là khoảng 15 - 17 trường. Nhóm trường sẽ thiết kế phương án tuyển sinh chung. Như thế, sẽ không gây lãng phí và giảm áp lực cho thí sinh. 

MỚI - NÓNG