Nốt trầm mang tên điểm chuẩn

Số lượng những thí sinh lựa chọn những ngành nghề như Nông – Lâm - Mỏ ngày càng ít. Ảnh: Như Ý
Số lượng những thí sinh lựa chọn những ngành nghề như Nông – Lâm - Mỏ ngày càng ít. Ảnh: Như Ý
TP - Hơn 300 trường ĐH đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh bằng kết quả thi THPT quốc gia. Bên cạnh những điểm sáng thì vẫn còn những nốt trầm trong bức tranh tuyển sinh năm nay.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Giai đoạn đầu những năm 2000, khối các trường Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Mỏ địa chất nhận được sự quan tâm đông đảo thí sinh. Nhưng 5 năm trở lại đây, điểm chuẩn của khối trường này đều ở nhóm thấp. Để đủ chỉ tiêu, ngoài xét kết quả thi THPT quốc gia, các trường còn phải sử dụng kết quả xét học bạ để tuyển sinh.

Năm nay, điểm chuẩn của những trường này tiếp tục ở nhóm dưới. Trường ĐH Lâm nghiệp có 32 ngành thì có 1 ngành điểm chuẩn là 18 điểm, 5 ngành 15 điểm còn lại 26 ngành điểm chuẩn chỉ là 14, bằng đúng điểm sàn trường đưa ra trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Điểm chuẩn của Học viện Nông nghiệp có nhích hơn so với trường ĐH Lâm nghiệp nhưng cũng chỉ xoay quanh mốc 17,5 điểm - 20 điểm. Trong đó, số lượng ngành lấy điểm chuẩn 17,5 nhiều nhất. Trường ĐH Mỏ địa chất điểm chuẩn ngành cao nhất là 17,5 trong khi đó các ngành còn lại lấy chỉ 14-15 điểm.

Đâu là nguyên nhân khiến các trường này tụt dốc không phanh về tuyển sinh? Nếu nói nguyên nhân do những ngành này ra trường khó xin việc cũng không đúng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành chế biến gỗ, hiện nay nguồn nhân lực của ngành thiếu trầm trọng. Với quy mô khoảng 300.000 lao động trong ngành chế biến gỗ thì số lượng cán bộ có trình độ ĐH chuyên ngành Chế biến lâm sản chỉ chiếm 2-3%, công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, số còn lại là lao động phổ thông. Trong khi đó yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10% /tổng số lao động (tương đương 30.000 kỹ sư), như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho ngành phải còn thiếu đến hàng nghìn người/năm.

Lãnh đạo các trường đào tạo ngành lâm nghiệp nhận định không dễ thay đổi thực trạng này trong thời gian trước mắt khi công tác tư vấn ngành nghề của các trường vẫn quá chú trọng vào các ngành học hot của mình, cũng như công tác truyền thông còn hạn chế… "Việc thí sinh bị “hút” quá nhiều vào những ngành kinh tế, bất chấp hệ số chọi và điểm chuẩn cao chót vót là nguyên nhân chính", một chuyên gia cho biết.

Đồng quan điểm này, đại diện trường  ĐH Nông Lâm TPHCM cũng cho rằng, chính tâm lý cho rằng học ngành gỗ là phải lên rừng, phải vất vả và không sang nên dù có mức lương khá tốt sau khi ra trường, cũng như có một suất đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp nhưng nhiều thí sinh vẫn "né". "Nhiều năm liên tiếp, trường ĐH Nông Lâm TPHCM luôn lấy điểm chuẩn của các ngành thuộc khoa Lâm học thấp hơn các ngành khác nhưng cũng không đủ chỉ tiêu.

Từ lâu, việc tuyển sinh bổ sung đã trở thành công việc cực chẳng đã của nhóm trường nông lâm mỏ địa chất mỗi mùa tuyển sinh. Thậm chí đợt tuyển bổ sung còn là đợt tuyển chính của các trường này.

Tìm giải pháp vượt khó

Theo nhiều chuyên gia, nhận thức của phụ huynh và học sinh, nhất là các phụ huynh vùng nông thôn sống bằng nghề nông nghiệp, muốn con cái làm nghề khác là lý do chính. “Thường có khoảng 70% thí sinh vùng nông thôn, miền núi chọn học các ngành nông – lâm – ngư nhưng đối tượng này ngày càng giảm do suy nghĩ của thế hệ trẻ muốn thoát ly nông nghiệp vì hiểu chưa đúng đầu ra việc làm.

Cũng có một số gia đình khó khăn cho con đi lao động để kiếm tiền thay vì bỏ thời gian và chi phí học ĐH. Những năm gần đây, lượng thí sinh đến từ một số địa phương khó khăn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào trường giảm mạnh”, Phó hiệu trưởng một trường ĐH Lâm nghiệp nói.

Theo phân tích của một chuyên gia, các trường khối nông lâm mỏ đội ngũ giảng viên đều là những người có trình độ, cơ sở vật chất cũng rất tốt. Việc khó tuyển sinh ngoài những lý do đã nêu ở trên còn có nguyên nhân nữa đó là các trường chưa thực sự “thức thời”, vẫn “ôm” những ngành truyền thống.

Vị này lấy ví dụ như ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, dù tên là sư phạm kỹ thuật nhưng chỉ tiêu cho ngành này chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn lại trường đào tạo đa ngành kỹ thuật, lại kịp thời mở những mã ngành mới phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Robot, trí tuệ nhân tạo. Còn những trường khối Nông – Lâm – Mỏ, việc chuyển đổi đào tạo, thích ứng với nhu cầu thực tế chậm hơn rất nhiều, điều này đã khiến thí sinh “quay lưng” lại với các trường vì không đáp ứng được nhu cầu của họ.

Vì vậy, vị này đề xuất các trường cần tái cấu trúc ngành nghề, tập trung vào một số ngành mũi nhọn và có thương hiệu, không đào tạo dàn trải. Ngoài ra, nên thay đổi mô hình đào tạo theo hình thức 50% giảng đường và 50% gắn với doanh nghiệp để mang lại cơ hội thực tập, việc làm và quảng bá ngành nghề. Trong tuyển sinh, cần có học bổng hay khuyến khích kịp thời cho những thí sinh đạt điểm cao như miễn giảm học phí để thu hút người học.

MỚI - NÓNG