PGS Nguyễn Kế Hào kiến nghị về SGK: GS Đào Trọng Thi lên tiếng

SGK Tiếng việt 1 - Công nghệ
SGK Tiếng việt 1 - Công nghệ
TPO - Liên quan đến việc PGS Nguyễn Kế Hào kiên nghị lên Thủ tướng, Phó thủ tướng về Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Công nghệ; Toán 1 – Công nghệ bị loại, GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Không có ưu tiên nào cả, không có ai đứng trên pháp luật là điều chắc chắn”.

Bộ GD&ĐT trả lời không thỏa đáng?

Ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong lần thẩm định này có 5 bộ SGK tương ứng 9 môn học sẽ là 45 bản thảo các môn học. Qua hơn 2 tháng thẩm định, đến thời điểm này, Hội đồng đã đánh giá không đạt 9 bản thảo gồm: Hoạt động trải nghiệm 3 bản; giáo dục thể chất 3 bản; Tự nhiên và Xã hội 1 bản; Toán 1 bản; Tiếng Việt 1 bản. Trong 9 bản thảo bị loại từ vòng 1, có 2 bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại.

Ngày 7/10, PGS Nguyễn Kế Hào và các đồng nghiệp tại Trung tâm công nghệ giáo dục đã gửi bản kiến nghị dài 3 trang lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Trước đó, PGS. Hào đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong đó, PGS. Hào cho rằng, thư trả lời của Bộ GD&ĐT có phần vô cảm, chưa giải đáp thoả đáng. Trong đó, ông nêu 4 vấn đề kiến nghị với Phó Thủ tướng. Cụ thể, sách Toán, Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại có thực tiễn 40 năm nhưng vẫn phù hợp với quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Bộ GD&ĐT đề nghị GS Đại chỉnh sửa bộ sách để thẩm định lại là khó khả thi vì chỉnh sửa cần nhiều thời gian và sẽ mất đi bản sắc của SGK công nghệ giáo dục; Quan điểm giáo dục trong SGK của GS Đại được thừa nhận trong công cuộc đổi mới là: lấy học sinh làm trung tâm hay mỗi ngày đến trường là một ngày vui… GS Hào cho rằng, các bộ sách đang thẩm định theo Thông tư 33 nhưng chưa thẩm định trên thực tiễn trong khi SGK của GS Đại được thẩm định nhiều lần và có lịch sử lâu dài.

Vì thế, PGS Nguyễn Kế Hào tiếp tục đề nghị Phó Thủ tướng nên xem xét bộ SGK của GS Đại vận dụng Thông tư 33 một cách không sơ cứng, chi tiết mà căn cứ vào mục tiêu giáo dục và chuẩn đầu ra. Ông cũng xin Phó Thủ tướng cho gặp trực tiếp để trình bày một số vấn đề quan trọng của bậc giáo dục tiểu học.

Không ai đứng trên Luật

Trong khi PGS Nguyễn Kế Hào lấy lịch sử 40 năm thực tiễn của bộ sách, được hàng trăm nghìn học sinh, giáo viên ở các địa phương đón nhận để kiến nghị thì Hội đồng thẩm định nêu lý do bộ sách bị loại là “không phù hợp”, “một số chỗ vượt tầm” chương trình hiện hành.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, việc đánh giá các bản thảo SGK dựa trên 4 tiêu chuẩn với 13 tiêu chí trong Thông tư 33/2017 của Bộ ban hành và đánh giá nội dung dựa vào Thông tư 32. Trong đó, các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định cụ thể như: nội dung, hình thức. Hội đồng thẩm định xây dựng 40 minh chứng cần đạt để lấy đó làm căn cứ đánh giá. Hội đồng làm việc trên tinh thần thực hiện đúng Luật. Những bộ sách không đáp ứng chương trình sẽ nghiêm khắc đánh giá và thực hiện công bằng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, khi thẩm định thì yếu tố thực nghiệm được đánh giá quan trọng. Ngoài ra, chương trình mới với chương trình hiện hành có sự khác biệt nhưng không đi ngược với nhau. Nếu đủ sự cởi mở thậm chí có thể lấy SGK các nước về điều chỉnh, sắp xếp lại cũng sẽ đạt được yêu cầu. Điều quan trọng là kiến thức lõi và mục tiêu giáo dục.

Còn GS.VS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội quy định tất cả SGK trước khi được sử dụng một cách rộng rãi trong các nhà trường phải được Hội đồng thẩm định thông qua. “Bởi vậy sẽ không có ưu tiên nào cả, không có ai đứng trên pháp luật là điều chắc chắn. Nếu nghĩ ưu tiên là mơ hồ, ngây thơ trong Nhà nước pháp quyền”, ông Thi nói.

Cũng theo ông Thi, không thể đem lịch sử bộ sách mấy chục năm ra để lấy đó làm căn cứ ưu tiên. Vì thẩm định SGK mới theo thực hiện theo các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, các tiêu chí, tiêu chuẩn được xây dựng thế nào, chặt chẽ không thì lại là chuyện khác.

Theo ông Phạm Tất Dong, Nguyên Phó trưởng Ban tuyên giáo T.Ư, nếu có ý kiến kiến nghị cần phải làm rõ năng lực, trách nhiệm của các hội đồng thẩm định quốc gia, xem họ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ hay không. Nếu có thì xử lý còn nếu không phải thẳng thắn với nhau.

"Còn kiến nghị lên Phó Thủ tướng hay Thủ tướng, tôi cho rằng, các nhà chức trách cũng sẽ hỏi lại ý kiến của Hội đồng thẩm định. Chúng ta đang và tiếp tục thực hiện nền giáo dục mở, nếu trường học một mình dạy học một cõi là không nên. Trong tương lai, tất cả các SGK, tài liệu giáo dục nên thực hiện mở, đưa lên mạng cho giáo viên, học sinh lựa chọn chứ không phải là chọn hoặc bộ này hoặc bộ kia. Khi đó, mới có sự công bằng giữa các tác giả, Nhà xuất bản còn như hiện nay vẫn sẽ khó khăn trong việc lựa chọn", ông Dong cho biết.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.