Tranh luận xung quanh đề thi THPT quốc gia: Người ‘khen’, kẻ ‘chê’

Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia. Ảnh: Như Ý
Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia. Ảnh: Như Ý
TPO - Nhiều giáo viên, học sinh đánh giá đề thi Ngữ văn quá an toàn, trong khi không ít người cho rằng việc đưa tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" nhận được nhiều lời khen, chê.

Đề an toàn, đáp ứng được yêu cầu kì thi

Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương - Tổ trưởng tổ văn trường THPT Cao Bá Quát (Hà Nội) cho rằng, đề thi Ngữ văn kì thi THPT quốc gia 2019 vừa qua là một đề thi an toàn.

Về việc đưa tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường vào đề thi Văn THPT quốc gia 2019 có phù hợp? cô Hương cho rằng, đây là tác phẩm hay, là một tác phẩm giàu chất thơ, nó thể hiện cho cái tôi của tác giả rất yêu quê hương của mình. Tác giả gần như cả cuộc đời gắn bó với sông Hương, cả cuộc đời chỉ nghiên cứu về văn hóa Huế.

“Định hướng của người ra đề muốn các em sắp bước ra ngưỡng cửa của trường học, ra khỏi vòng tay thầy cô vào cuộc đời thì các em cũng cần phải có nền tảng tình yêu quê hương đất nước. Đây là cội nguồn của tất cả các tình cảm khác”- cô Hương lí giải.

Cũng theo cô Hương, qua tác phẩm này, có thể khơi gợi được tình cảm tốt đẹp của con người, từ yêu một dòng sông này để có thể yêu một dòng sông khác. Và nó không chỉ đơn thuần là dòng sông như ta hiểu mà còn là dòng chảy của cuộc đời.

“Đây là cách định hướng cho học sinh khá hay”- cô Hương nhấn mạnh.

Về Nghị luận xã hội, cô Hương cho rằng, đề cũng hướng đến một vấn đề mà cuộc sống có nhiều nguy cơ và cơ hội nên phẩm chất cần nhất của con người chính là bản lĩnh, ý chí. Điều này đặt ra cũng thiết thực với học sinh.

Ở văn bản đọc hiểu, vấn đề chưa bao giờ hết nóng là biển đảo quê hương: “Có người hỏi, liệu nội dung này có quá cũ không? Tôi cho rằng,  đề này là một đề an toàn, đi vào vòng chảy muôn thuở của văn chương, văn học là nhân học”- cô Hương nhấn mạnh.

Cũng theo cô Hương, đề có “bất ngờ ” ở chỗ, cách ra của đề về nghị luận văn học thì khác. Dễ nhận thấy, đề minh họa và đề thi của Bộ không liên quan với nhau.

“Đề minh họa ra theo kiểu liên hệ hai chi tiết cùng một tác phẩm để không khác mấy so với đề của các năm trước. Nên các giáo viên hướng dẫn học sinh học theo kiểu bài đó. Nhưng đề năm nay lại cho một đoạn văn nhỏ của tác phẩm. Chính điều này làm cho học sinh và giáo viên bất ngờ”- cô Hương nói.

“Như tôi đã nhận xét, một đề an toàn thì khó có sự đột phá. Vì thế, để năm nay tìm thấy một bài văn đột phá thì e hơi khó”- cô Hương nhấn mạnh.

Tranh luận xung quanh đề thi THPT quốc gia: Người ‘khen’, kẻ ‘chê’ ảnh 1

Cách đặt vấn đề cũ, mòn?

Cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy văn trường THPT Hoài Đức A ( Hà Nội) cho rằng, đề văn năm nay vẫn theo lối mòn khi phần đọc hiểu về biển đảo.

“Đọc đề văn làm cho giáo viên cũng như học sinh cảm giác không phong phú. Với câu nghị luận văn học về ý chí, nghị lực thì cần thiết nhưng hơi sáo mòn”- cô Thủy nhận xét.

Còn câu hỏi về tác phẩm “Ai đặt tên cho dòng sông” là tác phẩm hay nhưng theo cô Thủy, cách hỏi hơi “đơn giản”: “Tất nhiên, đề này cho thi để xét tuyển tốt nghiệp thì đáp ứng nhưng nếu cho thi để chọn vào đại học thì với nhiều học sinh, đề thi không kích thích, phát huy được năng lực. Đề chưa tạo được sức hấp dẫn với học sinh khá, giỏi ở môn văn”- cô Thủy nhấn mạnh.

Theo cô Thủy, cấu trúc đề thi giữa đọc hiểu và nghị luận văn học thì ngữ liệu không tạo màu sắc đa dạng. Nội dung thì không mang tính mới mẻ và tạp hứng thú nhiều cho học sinh.

“Về câu nghị luận xã hội, có bao vẫn đề đang diễn ra, mang tính hơi thở, thời đại mà vẫn liên quan đến quan điểm, lối sống, ý chí, nghị lực,... Đáng tiếc, cách đặt vấn đề hơi cũ, mòn. Tất nhiên, đề có tiêu chí xét tốt nghiệp nên đề không dễ thì học sinh lại trượt nhiều. Thành ra cái vòng cứ luẩn quẩn”- cô Thủy nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG