'Ghét bếp' và 'Yêu bếp' - hai thái cực thời COVID-19

Những món ăn đẹp mắt được các thành viên nhóm “Yêu bếp” chia sẻ
Những món ăn đẹp mắt được các thành viên nhóm “Yêu bếp” chia sẻ
TP - Cộng đồng facebook những ngày này đang được chia làm hai nửa. Một nửa là hội "Yêu Bếp" còn một nửa là hội "Ghét bếp". Sự ra đời của hai hội nhóm này đang tạo nên những trào lưu thú vị cho mọi người trong thời gian ở nhà cách ly phòng dịch.

Cả xã hội cùng vào bếp

Do phải ở nhà quá lâu nên nhiều người trở nên hứng thú hơn với việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Có lẽ vì thế mà 2 hội "Yêu bếp" và "Nghiện nhà" bỗng trở nên rôm rả trên mạng xã hội.

Nhóm “Nghiện nhà” mới ra đời đầu tháng 4, đã thu hút hơn 650 nghìn người tham gia. Đây là nơi mọi người thi nhau khoe góc sống của mình và chia sẻ cách bày trí những căn nhà đẹp như trong mơ... Còn hội “Yêu bếp” cũng vừa cán mốc hơn 1 triệu thành viên. Ở đây, các thành viên không chỉ cùng nhau chia sẻ công thức nấu ăn, mách nhau nguồn nguyên liệu ngon, sạch, tươi, mà còn chia sẻ các dụng cụ trong bếp, bí kíp xây dựng căn bếp gia đình vừa đẹp, vừa sạch, thân thiện với môi trường.

Thành viên Thu Giang chia sẻ: “Tôi là con một trong nhà nên từ bé đã không phải nấu nướng, tất cả bữa cơm gia đình đều do bố mẹ nấu. Đi lấy chồng rồi tôi cũng ngại nấu nướng, chủ yếu để giúp việc làm. Nhưng từ khi vào hội Yêu bếp, tôi đã được truyền cảm hứng với căn bếp. Tôi phát hiện ra có những món rất đơn giản. Tôi bắt đầu quan tâm và thử. Từ một người 1 tháng có khi không nấu bữa cơm nào thì giờ đây, tôi có thể nấu 5 bữa/ngày”.

Điều đặc biệt, ở “Yêu Bếp” có nhiều thành viên là nam giới. Cũng như những chị em phụ nữ khác, họ chia sẻ công thức nấu cùng hình ảnh về những món ăn mà họ tự tay nấu cho gia đình. “Ở nhà mãi cũng chán, không vận động thì có khoẻ mấy khéo cũng lăn ra ốm mất. Nên mình có tàu ngầm nhóm này để học thử một món lấy le với vợ. Mặc dù không thích nấu bằng thích ăn, nhưng cũng mạn phép báo cáo là mình đã nấu được món cá trắm kho thịt ba chỉ…”, thành viên Anh Tuấn hào hứng chia sẻ và khoe hình ảnh thành phẩm của mình. Bài đăng của anh thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận của các thành viên.

Đẹp khoe, xấu… vẫn hào hứng khoe

Ở “chiến tuyến” bên kia, nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” dù ra mắt từ ngày 8/4 nhưng đến nay, con số thành viên đã tăng đến gần 900 nghìn người. "Ghét bếp, không nghiện nhà" chính là một thế giới ngược lại của "Yêu Bếp" và "Nghiện nhà" - nơi mà mọi thứ chẳng hề lung linh, hoành tráng. Ngược lại, đầy lộn xộn. Nơi mà hội “trai đểnh, gái đoảng” có thể tìm thấy nhau. Những “thảm họa ẩm thực”, những "tai nạn" khi làm bếp như nấu ăn thủng cả nồi vì cháy đen, làm mứt mà như thịt kho tàu, bánh bao cứng như đá, luộc gà nứt toe toét… được chị em mạnh dạn chia sẻ và nhanh chóng tìm được nhiều “đồng minh”.

Người ta nói “đẹp khoe xấu che” nhưng ở đây, họ thoải mái khoe thành quả thất bại của mình với phương châm “tìm lại bản ngã thật” không màu mè giữa bộn bề cuộc sống. “Tôi thật sự bất ngờ khi tham gia nhóm này. Không thể tin nổi vẫn có những người vụng về, hậu đậu như tôi, thậm chí hơn. Điều đó khiến tôi thấy an ủi và tự tin hơn rất nhiều”, thành viên Mỹ Linh chia sẻ.

Chị Hoàng Lan (Đống Đa) thì cho biết mình không phải là người “ghét bếp, không nghiện nhà” nhưng vẫn hào hứng theo dõi các bài viết trong nhóm này, bởi “chính góc nhìn hài hước của các thành viên trong nhóm mà bất cứ hình ảnh hay chia sẻ nào cũng giúp người đọc cảm thấy thoải mái hơn. Điều đó khiến mình cảm thấy được xả stress trong những ngày ở nhà cách ly xã hội”.

Anh Đinh Đức Thành, người sáng lập nhóm cho biết, mục đích của "Ghét bếp, không nghiện nhà" là lan tỏa tiếng cười và thêm kiến thức bếp núc cho mọi người ngay từ những thứ gọi là… thảm họa được chia sẻ trên nhóm. Anh Thành cũng cho biết, bản thân khá bất ngờ khi nhóm lại “hot” đến vậy, thậm chí còn có cả những người nổi tiếng tham gia.

Bình luận về sự ra đời của các trào lưu hội nhóm này, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Tuyết Anh (tư vấn viên Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới - Gia đình - Phụ Nữ và Vị Thành Niên) chia sẻ: “Cả hai nhóm dù là hai thái cực khác nhau nhưng đều đạt đến mục đích chung là truyền đi những năng lượng tích cực. Hội nhóm là nơi để người ta chia sẻ, đồng cảm, giao lưu, đặc biệt là đỡ nhàm chán trong thời gian phải ở nhà nhiều như thế này. Miễn sao khi tham gia mình không thấy áp lực, mà thấy vui, thấy thích thú là được”.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, việc chị em nô nức tham gia nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” là phản ứng tâm lý dễ hiểu của mọi người, “Họ thích nhìn vào điều tiêu cực để tự an ủi mình. Giống như thấy mình nấu ăn tệ nhưng vẫn còn hơn… khối kẻ khác. Cũng là thêm chút hài hước cho vui trong những ngày bị cách ly xã hội thế này”. Tuy nhiên, “anh Chánh Văn” vẫn thật lòng mong muốn phụ nữ hãy cứ yêu bếp bởi mâm cơm gia đình luôn là thứ gắn kết không chỉ cha mẹ với con cái mà còn có ý nghĩa trong tình cảm vợ chồng.

'Ghét bếp' và 'Yêu bếp' - hai thái cực thời COVID-19 ảnh 1

Những “tai nạn” bếp núc của hội chị em “Ghét bếp” khiến dân tình không nhịn được cười

MỚI - NÓNG