'Trực chiến' 24/24 giờ cứu dân

ĐVTN hỗ trợ người dân Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt
ĐVTN hỗ trợ người dân Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt
TP - Cầm hơi bằng mỳ tôm sống vượt lũ cứu dân; thiết lập đường dây nóng, trực chiến 24/24 giờ để xử lý thông tin cứu trợ, cứu hộ,… đó là tinh thần xung kích, sự xả thân vì dân của tuổi trẻ Quảng Bình trong đợt lũ lụt vừa qua. 

Dỡ mái nhà cứu dân

Gần một tuần lễ, anh Trần Thanh Trứ, SN 1991, Bí thư Đoàn xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) nhai mỳ tôm sống, ăn lương khô cầm hơi, lênh đênh giữa biển nước cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế cho người dân mắc kẹt trong lũ.

Anh Trứ kể, khi nước lũ dâng lên đột ngột, hàng ngàn người dân không kịp tháo chạy, mắc kẹt trong những ngôi nhà giữa mênh mông biển nước, anh đã dùng thuyền máy lao đi cứu người.

“Có những hộ dân, cụ già mắc kẹt trong nhà nước ngập gần tận nóc, chúng tôi phải liều mình leo lên mái nhà, dỡ ngói, rồi dùng dao, sức người chặt, tháo từng chiếc rui, mè để kéo họ ra. Giờ nhớ lại những tình huống cứu người như thế tôi vẫn thấy nóng cả người. Rất hồi hộp, căng thẳng nhưng may mắn thành công”, anh Trứ chia sẻ.

Những cuộc điện thoại cầu cứu liên tục đổ chuông khiến Bí thư Đoàn xã Tân Ninh không kịp ăn cơm, cả ngày chỉ cầm hơi bằng mỳ tôm sống, lương khô. “Bị lũ cô lập, nhiều người dân 2-3 ngày liền không có gì ăn, chúng tôi lại chèo thuyền chở các đoàn cứu trợ mang cơm, mang mỳ đến tận nơi cho bà con vượt qua cơn hoạn nạn”, anh Trứ kể. 

Mải miết cứu người, giúp dân, anh Trứ chỉ kịp chở bố mẹ đi lánh lũ, còn lại đồ đạc, thóc lúa bị nước nhấn chìm. Toàn bộ gà, vịt của gia đình anh bị lũ cuốn trôi, hơn 1 tấn lúa nẩy mầm sau gần 1 tuần ngâm trong nước. 

Anh Trứ chỉ là một trong hàng nghìn bạn trẻ Quảng Bình xông pha ứng cứu, hỗ trợ dân trong đợt mưa lũ vừa qua. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Tỉnh Đoàn Quảng Bình chỉ đạo các cấp bộ Đoàn nhanh chóng thành lập các đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phối hợp với các lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân, các trường học khẩn trương di dời đồ đạc, tài sản và sẵn sàng di chuyển người dân đến nơi an toàn để phòng tránh mưa lũ...

Luôn có mặt  tại điểm nóng

'Trực chiến' 24/24 giờ cứu dân ảnh 1 Các bạn trẻ mang nhu yếu phẩm cứu trợ người dân bị lũ cô lập 

Từ ngày mưa lũ đến nay, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình, anh Đặng Đại Bàng luôn có mặt tại các điểm nóng. Nhà bố mẹ bị ngập 2 mét, nhà anh cũng bị ngập, nhưng anh không thể có mặt hỗ trợ gia đình.

Ngày 20/10, anh Bàng cùng đoàn công tác Tỉnh Đoàn đi cứu trợ tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, nhận được thông tin em Trần Ngọc Huy, 5 tuổi bị rơi từ tầng 2 xuống đất, chấn thương vùng đầu. Trong lúc cấp bách, anh Bàng đã điều động xe của Tỉnh Đoàn chở em Huy vượt qua mưa lũ đi cấp cứu. Trên đường đi anh Bàng liên hệ trực tiếp Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới bố trí kíp mổ cấp cứu kịp thời. “Hiện sức khỏe của em Huy đã ổn định. Em không có thẻ bảo hiểm y tế và phải chịu khoản thanh toán viện phí cao, Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã kết nối và hỗ trợ gia đình em làm thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ gia đình trong lúc khó khăn”, anh Bàng cho biết.

Theo anh Đặng Đại Bàng, từ đầu mùa lũ đến nay, Tỉnh Đoàn Quảng Bình luôn trong tình trạng “trực chiến”. Cán bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở thiết lập đường dây nóng liên lạc với nhau, lập nhóm zalo trao đổi công việc hàng ngày, hàng giờ. Trong thiên tai, lũ lụt đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả giúp bà con vùng lũ vượt qua khó khăn, hiểm nguy.

Tỉnh Đoàn đã kết nối với Trung tâm Cứu hộ miền Trung tại địa chỉ: CuuhomienTrung.info để kịp thời phát hiện, cứu giúp những trường hợp khẩn cấp. Đây là hệ thống công nghệ giúp tổng hợp dữ liệu theo thời gian thực về các thông tin cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung trong những ngày bão lũ diễn ra. Dữ liệu của trang thông tin cũng sẽ giúp các đơn vị cứu hộ, cứu nạn, tình nguyện viên đưa ra các giải pháp sáng tạo, tìm kiếm đường đi cứu hộ trên google map, hay hướng dẫn cho các nhóm tình nguyện cách tiếp cận được khu vực tối ưu…

Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã kết nối với Trung tâm Cứu hộ miền Trung, cắt cử 100 tình nguyện viên tham gia trực chiến 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin. Nhờ đó, đến thời điểm này Tỉnh Đoàn phối hợp với các lực lượng kịp thời hỗ trợ gần 2.000 trường hợp cần ứng cứu gấp, gặp nạn hay mắc kẹt trong nhà… “Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ Quảng Bình đã luôn có mặt tại các điểm nóng để cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế đồ ăn, thức uống cũng như hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ”, anh Bàng nói.

Để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, hơn 180 đội hình thanh niên tình nguyện của Quảng Bình với gần 3.000 ĐVTN đã khẩn trương triển khai hỗ trợ nhân dân và các đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai. Tại các nơi công cộng, nhất là trường học, trạm y tế, các ĐVTN đã sắp xếp lại bàn ghế, rửa bùn đất, quét dọn sân trường, các phòng chức năng để trả lại khuôn viên sạch sẽ cho các đơn vị; hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, cảnh quan môi trường...

Nhận thấy sau mưa lũ lượng bùn đọng thành lớp dày trên sân trường và các phòng học, khiến công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn, Tỉnh Đoàn đã kêu gọi nguồn lực hỗ trợ 11 máy bơm nước, 3 máy phát điện trị giá gần 80 triệu đồng để trao cho các đội hình tình nguyện tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch. Nhờ đó công tác dọn vệ sinh thuận lợi, sạch sẽ hơn.     

Tính đến ngày 29/10, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh Quảng Bình đã vận động, kết nối, trao hơn 24.000 suất quà, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu, với tổng giá trị gần 7,4 tỷ đồng cho người dân vùng lũ; gần 3.000 tình nguyện viên được huy động tham gia 180 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt.

MỚI - NÓNG