Truông Bồn, không chỉ là ký ức

Truông Bồn, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 13 TNXP, Tiểu đội 2, Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP Nghệ An
Truông Bồn, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 13 TNXP, Tiểu đội 2, Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP Nghệ An
TP - Mảnh đất Truông Bồn, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP Tiểu đội 2, Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP Nghệ An,  đã đi vào huyền thoại. Trên “tọa độ lửa” năm nào, giờ đây đang diễn ra nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, tiếp lửa truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc. 

Ký ức không phai

Bà Trần Thị Thông (SN 1946, trú tại khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, Nghệ An) là nữ TNXP duy nhất còn sống sót của “Tiểu đội thép” năm xưa. Bước qua tuổi 72, những ký ức bi thương 50 năm về trước vẫn không thể nào nguôi ngoai. Bà Thông kể về buổi sáng định mệnh: “Đêm 30 rạng sáng 31/10/1968, Đại đội TNXP 317 nhận được tin 7 giờ sáng có đoàn xe quân sự đi qua. Các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 15A khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom. Tiểu đội 2 chúng tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ trực chiến, san lấp nhiều hố bom còn sót lại, sẵn sàng đón đoàn xe đi qua. Đến khoảng 6 giờ 10 phút, khi hố bom cuối cùng được san lấp bỗng kẻng báo động vang lên, hàng trăm quả bom giặc ném xuống Truông Bồn. Hàng loạt tiếng nổ chát chúa vang lên, cả vùng đồi chìm trong biển lửa khói”.

Là người duy nhất trong đội hình TNXP sống sót, bà Thông không thể quên thời khắc đau thương ấy. “Số tôi may mắn hơn các anh, chị em trong tiểu đội, sau khi bị đất đá vùi lấp, may nhờ có cái đầu nòng súng K44 ló lên mặt đất nên mọi người phát hiện, cứu được tôi lên. Lúc tỉnh dậy thì tôi đã nằm trong bệnh xá, 13 đồng đội đã vĩnh viễn ra đi”. Các chị, các anh ra đi khi tuổi đời tròn mười tám, đôi mươi với những hoài bão, ước mơ dang dở.

Hiện tại, nữ TNXP Trần Thị Thông có cuộc sống hạnh phúc bên chồng cùng 4 người con trai. Tuy nhiên, trong ký ức của bà Thông chưa bao giờ nguôi ngoai hình ảnh của đồng đội và Truông Bồn năm nào. “Mỗi lần trở lại Truông Bồn yêu dấu, lòng tôi lại nghẹn ngào. Nhìn đồi núi với những hàng sim, mua quen thuộc, cứ ngỡ như bạn bè đồng chí từng vào sinh ra tử còn sống ở đâu đây” bà tâm sự. 

Truông Bồn, không chỉ là ký ức ảnh 1 Bà Trần Thị Thông kể về ký ức Truông Bồn, nơi bà cùng đồng đội từng một thời làm cọc tiêu sống

Tiếp lửa từ Truông Bồn

Mảnh đất anh hùng Truông Bồn nay đã trở thành địa chỉ đỏ cách mạng, nơi để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tưởng nhớ, tri ân bằng những hoạt động thiết thực. Những ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn, khách thập phương nườm nượp về thăm “tọa độ lửa”.
Ông Phan Tuấn Lam (76 tuổi, cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa) từng là lái xe tiếp tế quân nhu cho chiến trường miền Nam. Ông Lam kể: “Tôi nhớ như in mỗi lần xe qua trận địa này, những cái vẫy tay chào, chúc cho nhau hoàn thành nhiệm vụ. Có lần xe do tôi lái bị sụt lún cách Truông Bồn khoảng 3 km, chỉ trong chốc lát, hàng chục TNXP đã có mặt để hỗ trợ cào đất, kè đá cho xe qua”. 

Bà Nguyễn Thị Thắng (70 tuổi, trú tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) chia sẻ: “Tôi sống từ nhỏ ở đây nên tuổi thơ tôi gắn liền với Truông Bồn, những tiếng bom, những đoàn quân, những chàng trai, cô gái TNXP tôi đều nhớ rõ. Sau trận bom giặc ném xuống Truông Bồn, tôi cùng với người dân đến đào đất cứu người”.

Truông Bồn hiên ngang, oanh liệt trong ký ức, giờ đã khoác lên mình màu áo mới. Huyết mạch 15A thành quốc lộ, đường mòn phủ nhựa, làng mạc đổi thay. Trận địa năm nào đã thành khu di tích lịch sử có diện tích 217.327m2 với 21 hạng mục chính như khu mộ và nhà che mộ 13 anh hùng liệt sỹ TNXP, nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sỹ, khu đài tưởng niệm, sân lễ hội, nhà trưng bày truyền thống, hồ cảnh quan, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh. Khu di tích lịch sử Truông Bồn đã đón tiếp hàng ngàn lượt khách mỗi năm. 

Tỉnh Nghệ An đưa Khu di tích Truông Bồn vào chuỗi “cung đường” du lịch của địa phương, kết nối Khu di tích lịch sử Truông Bồn với các điểm du lịch văn hóa, tâm linh trong tỉnh, tour hành hương miền Trung như Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, Khu di tích Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào; Ngã ba Đồng Lộc, Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa - Đảo Yến).

Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Phạm Tuấn Vinh cho hay: Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Truông Bồn, Tỉnh đoàn Nghệ An vận động các cơ sở đoàn đóng góp trồng 120 cây bằng lăng tím, xây dựng vườn cây thanh niên; tổ chức hội trại thanh niên; thi tìm hiểu về lịch sử Truông Bồn; thăm hỏi thân nhân các anh hùng liệt sỹ...     

Tối 1/11, Tỉnh Nghệ An tổ chức trọng thể kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2018) tại xã Mỹ Sơn, Đô Lương. Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta cùng ôn lại ký ức, những tên người, tên núi, tên sông, những vùng đất linh thiêng gắn liền với những chiến công đã trở thành huyền thoại, bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu nặng đối với sự hy sinh to lớn của hàng triệu Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trên cả nước đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc tính mạng mình, bình thản nhận mọi nhiệm vụ, xông pha vào những nơi hiểm nguy nhất với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển đã đạt nhiều thành tựu, nhưng chúng ta không thể quên ký ức chiến tranh đau thương và oanh liệt, và chúng ta có quyền tự hào về quá khứ vẻ vang của đất nước. Có được ngày hôm nay chúng ta đời đời nhớ ơn các Anh hùng, liệt sĩ, các bậc tiền bối, những người có công với nước”.

MỚI - NÓNG