Nga có thể lập căn cứ quân sự tại Trung Phi

Có thể xuất hiện một căn cứ quân sự của Nga tại Cộng Hòa Trung Phi
Có thể xuất hiện một căn cứ quân sự của Nga tại Cộng Hòa Trung Phi
TPO - Tại Cộng hòa Trung Phi có thể xuất hiện một căn cứ quân sự của Nga, đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Trung Phi, bà Marie Noelle Koyara.
Hãng tin Sputniknews của Nga hôm 10/1 đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin này Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Trung Phi Marie Noelle Koyara cho biết, quân đội Nga có thể sẽ thiết lập căn cứ quân sự tại quốc gia châu Phi này.
Theo bà Marie Noelle Koyara, Hiệp định khung song phương đã quy định điểm này, tuy nhiên tạm thời hai bên vẫn chưa thảo luận vấn đề này.
Trước đó, vào tháng 8/2018, Nga và Cộng hòa Trung Phi đã ký kết Hiệp định hợp tác quân sự giữa hai chính phủ. Hiệp định quy định thiết lập một Trung tâm huấn luyện tại Berengo (Trung Phi). Những binh sỹ tại Trung tâm này sẽ được huấn luyện sử dụng vũ khí và học tập phương pháp tác chiến dưới sự trợ giúp của các sỹ quan quân đội Nga.
“Chúng tôi vẫn chưa thảo luận về sự phát triển cụ thể của căn cứ. Tuy nhiên, khả năng này không được loại trừ trong Hiệp định khung đã được ký kết. Nếu hai vị tổng thống, với tư cách là chỉ huy tối cao và lãnh đạo của quốc gia quyết định triển khai căn cứ thì hai nước chúng ta sẽ tiến tới điều này. Và chúng tôi, với tư cách là Bộ trưởng sẽ chấp hành quyết định này”, bà Koyara cho biết.
Nữ Bộ trưởng lưu ý rằng Trung tâm huấn luyện quân sự tai Berengo không thể được coi là một căn cứ quân sự của Nga, tuy nhiên mọi người đã bắt đầu nhận thức theo cách đó.
Bên cạnh đó, trong cuộc phỏng vấn này bà Koyara còn bày tỏ sự biết ơn đối với Nga với tư cách là quốc gia duy nhất cung cấp cho Trung Phi vũ khí chỉ nhằm mục đích củng cố các tổ chức nhà nước, cũng như biết ơn về việc Nga giúp đào tạo, huấn luyện lực lượng vũ trang của Trung Phi  để đạt tới trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tình hình tại Cộng hòa Trung Phi trở nên xấu đi vào đầu tháng 12/2013, khi xảy ra những cuộc đụng độ giữa các chiến binh của nhóm Hồi giáo Séléka và phiến quân Kitô giáo ở Bangui.
Theo thống kê của các tổ chức nhân đạo Liên hợp quốc kể từ cuộc khủng hoảng năm 2013 đến nay đã có hàng nghìn người thiệt mạng, khoảng 10 nghìn người khác bị thương và 800.000 người dân quốc gia châu Phi này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nhằm tránh tình trạng bạo lực đẫm máu liên tiếp xảy ra. 
MỚI - NÓNG