Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 Nga: Vì sao Mỹ nổi trận lôi đình?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP
TPO - Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ nhận lô S-400 đầu tiên từ Nga trong vài ngày tới, bất chấp cảnh báo ngày càng nặng nề từ Mỹ rằng Ankara sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt nếu tiếp tục theo đuổi hợp đồng mua vũ khí Nga trị giá 2,5 tỉ USD.

S-400 - hay SA-21 Growler, theo cách gọi của NATO - là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới.

Khi được triển khai, S-400 có khả năng tiêu diệt một loạt các mối đe dọa bao gồm máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình.

Mặc dù các quan chức Mỹ đã cảnh báo Ankara về hậu quả của việc mua S-400 Nga, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đi trước một bước và tuyên bố sẽ không thay đổi quyết định.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, hiện vẫn chưa cho biết sẽ triển khai hệ thống S-400 ở đâu.

Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của Washington lúc này là việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng S-400 có thể gây nguy hiểm cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng quân đội Nga có thể sử dụng S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ để thu thập dữ liệu nhạy cảm về máy bay thế hệ năm F-35 – loại vũ khí đóng vai trò xương sống của NATO trong các hoạt động không quân tương lai.

Đáp lại, Ankara khẳng định sẽ bảo vệ F-35 bằng cách đảm bảo hệ thống S-400 không được liên kết với hạ tầng phòng thủ lớn hơn của NATO và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn không hài lòng với đề xuất này.

Lầu Năm Góc dự kiến sẽ từ chối cho Thổ Nhĩ Kỳ mua 100 chiếc F-35, cũng như tạm dừng vai trò của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sản xuất linh kiện cho F-35.

Các chuyên gia cho rằng điều này không chỉ có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, cản trở khả năng của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai, mà còn có thể hạ thấp vị thế của quốc gia này trong liên minh quân sự NATO.

Ankara cũng có khả năng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt riêng biệt theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Nếu mâu thuẫn leo thang, một số nhà phân tích lo ngại mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi vào ngõ cụt, đẩy Ankara ra xa khỏi các đồng minh NATO và lại gần Moscow.

Theo Theo Financial Times
MỚI - NÓNG