Ngồi xe lăn chạy theo án cao su: Vẫn chưa xong

Nguyệt (ngồi xe lăn) cùng mẹ (người đang đứng) tại phiên xử hôm qua
Nguyệt (ngồi xe lăn) cùng mẹ (người đang đứng) tại phiên xử hôm qua
TP - Nhiều năm nay, cô gái tật nguyền vẫn miệt mài theo kiện vụ án “chia di sản thừa kế” do ông bà nội để lại. Một lần nữa, sự mệt mỏi của cô gái lại hiển hiện khi Toà chưa thể đưa ra phán quyết. Cô lặng lẽ rời toà vào trưa 17-1.

> Ngồi xe lăn chạy theo "án cao su"

Hôm qua, vụ án “chia di sản thừa kế” ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. Vụ này, Tiền Phong từng phản ánh trong bài “Ngồi xe lăn chạy theo án cao su”, nguyên đơn là cô gái tật nguyền bởi chất độc da cam Phạm Thị Ánh Nguyệt (SN 1980).

Sau rất nhiều lần hoãn, trả hồ sơ, chuyển cấp, cuối cùng TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa vào sáng qua.

Mặc dù vẫn nghe được người khác nói, song Nguyệt khá khó khăn trong giao tiếp, do đó cô uỷ quyền cho mẹ đẻ của mình là bà Đào Minh Phượng (SN 1954) đại diện trước toà. Bị đơn trong vụ án là bà Phạm Thị Thuận (SN 1957), em gái của bố Nguyệt.

Chuyện bi thương của cô gái

Năm 1977, bà Phượng kết hôn với ông Phạm Công Cảnh, sau đó sinh được Phạm Thị Ánh Nguyệt và một cô con gái nữa. Năm 1984, vợ chồng bà Phượng ly hôn. Do bà Phượng không có chỗ ở ổn định, TAND quận Đống Đa quyết định cho 2 người con gái của ông bà ở chung với bố và ông bà nội ở phường Ngã Tư Sở. Năm 1994, ông Cảnh bỏ nhà ra đi với thương tích sọ não, di chứng để lại từ thời ông đi bộ đội, kháng chiến chống Mỹ.

Sáu năm sau, TAND quận Đống Đa tuyên bố ông Cảnh đã chết. Tai hoạ ập xuống khi ông bà nội Nguyệt qua đời vào năm 2006. Người cô của Nguyệt, bà Phạm Thị Thuận đưa ra tờ di chúc với nội dung: “Toàn bộ căn nhà của ông bà nội thuộc quyền sở hữu của Thuận”. Nguyệt ra đường với chiếc xe lăn bên mình. Bà Phượng lên chùa, “ăn mày cửa phật” và sống nhờ vào chút tiền trợ cấp của người con gái nhiễm chất độc da cam…

Bản di chúc gây tranh cãi

Trong phiên xử hôm qua, bà Phượng đề nghị Tòa xem xét chia di sản thừa kế theo pháp luật, không chấp nhận bản di chúc. Với phần tài sản được chia của ông Cảnh, 2 người con gái ông Cảnh sẽ được hưởng di sản theo hưởng thừa kế kế vị.

Còn phía bà Thuận cũng khẳng định, bản di chúc đã thể hiện rõ, chỉ duy nhất bà được hưởng thừa kế và đó là bản di chúc hợp pháp.

Tuy nhiên, trong phần tranh tụng, một luật sư bên nguyên đơn khẳng định, bản di chúc được coi là căn cứ chia di sản là tài liệu không hợp pháp. Theo luật sư, nội dung bản di chúc chỉ đề cập cho bà Thuận sở hữu căn nhà, lúc đó là căn nhà cấp 4.

Nhưng đến nay, hoặc thậm chí là đến thời điểm mở di chúc (năm 2006, ông bà nội của Nguyệt mất), căn nhà đó không còn, thế vào đó là ngôi nhà 6 tầng kiên cố, được xây dựng từ năm 2005, sau khi lập di chúc một năm.

Từ đây, luật sư lập luận, di sản thừa kế trong di chúc đã bị tiêu hủy, do vậy di chúc không còn hiệu lực.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hà (đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn) đưa ra nghi vấn: “Tôi thấy bản di chúc có một chữ ký, một dấu điểm chỉ, nhưng lại không rõ đó là chữ ký của ai, điểm chỉ của ai, chưa chắc đã phải của ông bà cháu Nguyệt”.

Luật sư Hà cũng cho rằng, trên sổ đỏ của ông bà Nguyệt được UBND quận Đống Đa cấp vào ngày 19-5-2004 thể hiện 2 nội dung: Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở và quyền sử dụng đất.

Như vậy, theo luật sư Hà, di chúc chỉ xác định bà Thuận được sở hữu căn nhà, còn lô đất hơn 50m2 không được nhắc đến, nên phải được xử lý theo luật định.

Đáp lại, luật sư bên bị đơn cho rằng, bản di chúc đã giải thích rất rõ “thế nào là căn nhà”, trong đó có cả đất, sân, bếp... Với những tình tiết chưa rõ ràng trên, HĐXX đã hội ý và quyết định hoãn toà để điều tra, xác minh thêm.

Trong lúc chờ đợi các thành viên HĐXX vào phòng xử án, Nguyệt nghe một cuộc điện thoại rồi ngoái đầu xuống nói với phóng viên: “Bạn em ở Thanh Hoá vừa gọi điện hỏi thăm em. Bạn hỏi xem đã xử xong chưa. Sao lâu thế mà vẫn chưa xong.Em bị liệt hàng chục năm nay rồi, hồi bạn em ở cùng khu trọ, ngày nào bạn ấy cũng dìu em, giúp em tập đi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.