Vụ nổ tại Bắc Ninh: Chủ cơ sở và 'mối hàng' phế liệu quốc phòng

TPO - Trao đổi với nhiều người dân ở thôn Quan Độ (xã Văn Môn), mọi người đều biết gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (nơi xảy ra vụ nổ) hàng chục năm nay đã thực hiện việc thu mua phế liệu quốc phòng, và cả thôn cũng chỉ có nhà ông và một nhà nữa có “mối hàng” này.

Cận cảnh thôn "phế liệu" 

Thôn Quan Độ trước đây khá nghèo, người dân hầu như chỉ biết đến làm nông nghiệp. Tuy nhiên, nghề thu mua phế liệu ở đây đã tạo nên một diện mạo mới cho làng quê này từ khoảng những năm 1990.

Ban đầu chỉ gồm một vài hộ thu mua máy móc thanh lý về mổ, xẻ, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng…. Hiện nay, toàn thôn Quan Độ có khoảng hơn 100 hộ làm đầu mối thu mua phế liệu và khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nghề thu mua, phân loại phế liệu đã đem lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đáng chú ý, một lao động bình quân ở thôn Quan Độ có thể có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường.

Vụ nổ tại Bắc Ninh: Chủ cơ sở và 'mối hàng' phế liệu quốc phòng ảnh 1 Những bãi phế liệu được tập kết khắp nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Nguyễn Trường)
Vụ nổ tại Bắc Ninh: Chủ cơ sở và 'mối hàng' phế liệu quốc phòng ảnh 2 Một cơ sở tái chế phế liệu ở đây thải khói mù mịt. (Ảnh: Nguyễn Trường)

Người trong nghề cũng phải có những “mối hàng” đặc biệt, và đặc biệt nhất chính là những mối hàng liên quan đến phế liệu trong lĩnh vực quân sự.

Theo tiết lộ của một chủ doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này, phế liệu trong lĩnh vực quốc phòng khá lớn, đó có thể là những máy móc lâu ngày đã hỏng, những vỏ bom, mìn đã được xử lý, những đầu máy, ô tô hỏng cũ không thể sử dụng được, cho đến cả một lượng lớn bom, mìn, đạn…. đào lên từ lòng đất. Tuy nhiên, để có thể có được nguồn hàng này thì phải có “quan hệ” tốt mới có thể “bỏ thầu” được.

Đối với khu vực xảy ra vụ nổ, khá nhiều người trong thôn biết rằng gia đình ông Nguyễn Văn Tiến vốn là điểm tập kết khá nhiều những phế liệu “khủng” trong lĩnh vực quốc phòng. Người dân địa phương khẳng định, nhiều năm trước, người ta còn thấy cả những đầu, cánh máy bay, tên lửa, xe tăng cũ nát được kéo về kho hàng nhà ông. Cũng tại nơi đây gần 10 năm trước đã từng xảy ra một vụ nổ nhưng với quy mô nhỏ và cũng khiến cho một người bị tử vong.

Mua đạn từ một đơn vị quốc phòng

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964) về hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 3, Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.

Cũng theo báo cáo của Công an tỉnh Bắc Ninh, vụ nổ làm căn nhà cấp 4 chứa đầu đạn của gia đình ông Tiến bị đổ sập hoàn toàn, tạo hố sâu có kính thước 13,5m x 8,5m x 3m. Bên cạnh đó, vụ nổ làm 6 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn gồm 5 nhà cấp 4, 1 nhà trần; trong đó có 4 căn nhà cấp 4 “mất tích” hoàn toàn. Ngoài ra, có khoảng 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng, hư hỏng (vỡ cửa kính, nứt tường, trần nhà,…).

Bước đầu, ông Nguyễn Văn Tiến khai nhận: Khoảng tháng 12/2016 có thu mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12,7 li và 14,5 li về để tháo dỡ phế liệu. Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và gây ra vụ nổ.

Vụ nổ tại Bắc Ninh: Chủ cơ sở và 'mối hàng' phế liệu quốc phòng ảnh 3 Những vỏ đạn thu được từ hiện trường Ảnh Nguyễn Hoàn

Một số nhân chứng còn cho biết thêm, quá trình tập kết vật liệu tại đây nhiều người biết. Thậm chí, một số người còn kể lại ông Tiến đã đổ cùng với số vật liệu này hàng tấn muối với mong muốn đẩy nhanh quá trình oxi hóa, tạo điều kiện sớm lấy vỏ các phế liệu còn tận dụng được trong các viên đạn.

Theo ông Nguyễn Văn Bang, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong: Nguyên nhân ban đầu chính là do các hộ thu mua phế liệu về tập kết ở đây. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền cho các hộ dân, kiểm tra các hộ kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Đặc biệt, huyện sẽ thành lập tổ công tác liên ngành chốt chặn tại các đường vào làng để kiểm tra chặt chẽ nguồn phế liệu vào xã, hạn chế những nguy cơ xảy ra những sự việc tương tự.

MỚI - NÓNG