Xử phúc thẩm kỳ án gỗ trắc: Nếu còn lô gỗ, vụ án đã không kéo dài 9 năm

Các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm Ảnh: Giang Thanh
Các bị cáo trong phiên tòa phúc thẩm Ảnh: Giang Thanh
TP - Ngày 4/7, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị). Khi được hỏi ý kiến về việc bán lô gỗ trắc tang vật, bị cáo Trương Huy Liệu khẳng định đó là việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quá trình xét xử và là nguyên nhân khiến vụ án kéo dài gần 9 năm vẫn chưa kết thúc.

Gỗ trắc không phải là mặt hàng cấm nhập

HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo và những người được triệu tập. Trả lời trước tòa, đại diện Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Lịch - Phó Cục  trưởng Cục điều tra chống buôn lậu cho biết, thời điểm năm 2011, gỗ trắc không phải là loại gỗ cấm nhập khẩu, các doanh nghiệp chỉ cần có đầy đủ hồ sơ hải quan là có thể nhập khẩu loại gỗ này.

Ông Lịch cũng đồng tình với Công văn số 1328 ngày 08/02/2013 của Bộ Công Thương. Công văn này nêu rõ: “gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên trong nước thuộc danh mục mặt hàng cấm xuất khẩu; gỗ nhập khẩu, tạm nhập tái xuất từ các nước vào Việt Nam (trừ Campuchia), cũng như gỗ có nguồn gốc từ nhập khẩu không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu” và quy định “gỗ nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước không chịu trách nhiệm pháp lý về hồ sơ xuất khẩu ở nước ngoài”.

Theo đại diện Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt, lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng được phân luồng vàng theo hệ thống quản trị rủi ro hải quan. Dựa vào lịch sử giao dịch của doanh nghiệp, các lô hàng sẽ được phân luồng. Nếu được phân luồng vàng, lô hàng chỉ cần kiểm tra hồ sơ chứ không cần kiểm tra thực tế hàng hóa. “Tuy nhiên, vì mặt hàng xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng là gỗ nhập khẩu nên phải bắt buộc kiểm tra 5% hàng hóa thực tế trên tổng khối lượng hàng hóa và Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt chỉ chịu trách nhiệm trên 5% khối lượng hàng hóa kiểm tra”, vị này cho biết.

Về căn cứ khởi tố vụ án, ông Phạm Văn Bằng (cán bộ Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Hải quan, trực tiếp tham gia xử lý vụ án) cho biết, thời điểm đó, theo kết luận giám định số 151 ngày 12/4/2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, trong lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng có 431,6m3 gỗ trắc, 21,5m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ trắc thành phẩm. “Vì 21,5m3 gỗ giáng hương và 867 sản phẩm gỗ trắc thành phẩm không có trong tờ khai hải quan nên Cục điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án”, ông Bằng trả lời.

Tuy nhiên, bị cáo Liệu khẳng định trong lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng hoàn toàn không có gỗ giáng hương. “Theo bị cáo Liệu, vì là mối làm ăn lâu năm nên hoàn toàn tin tưởng bên bán (Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào - PV), nếu có thiếu hoặc lẫn các loại gỗ khác vào thì bị cáo sẽ chịu trách nhiệm. Giả sử có lẫn gỗ giáng hương thật đi nữa, bị cáo cũng chỉ bị xử phạt hành chính vì việc khai sai, thiếu ở tờ khai hải quan chứ không thể bị khởi tố hình sự như thế này vì đây là gỗ nhập khẩu từ Lào”, bị cáo Liệu nói trước tòa.

Công ty Ngọc Hưng có lập hồ sơ giả?

Trả lời VKS về hợp đồng kinh tế số 35 với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào, bị cáo Liệu thừa nhận Công ty Ngọc Hưng lập hợp đồng này trên 2 tờ giấy khống chỉ (có sẵn con dấu và chữ ký của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào) vì được đại diện nhà máy nhờ. Bị cáo Trần Thị Dung cũng cho rằng việc làm các hợp đồng kinh tế trên các tờ giấy có đóng dấu và ký tên sẵn không vi phạm pháp luật, vì là hợp đồng bằng tiếng Việt và đối tác nhờ nên Công ty Ngọc Hưng làm giúp.

Bị cáo Liệu khẳng định không làm giả hồ sơ giấy tờ để hợp thức hóa việc nhập khẩu gỗ. “Gỗ được chở từ Lào, thông quan ở cửa khẩu của Lào rồi mới đến Cửa khẩu Lao Bảo. Bị cáo chỉ nhận gỗ và làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Lao Bảo. Bị cáo không quan tâm gỗ này ở Lào như thế nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao, chỉ cần Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào thông quan được ở Lào, đưa về Cửa khẩu Lao Bảo, bị cáo sẽ nhận. Điều này được quy định rõ trong luật”, bị cáo Liệu nói.

Khi được tòa hỏi ý kiến về việc bán lô gỗ trắc tang vật, bị cáo Liệu cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và gây khó khăn cho quá trình xét xử. “Nếu các bên đo có sai, bị cáo muốn đo lại cũng không được vì tang vật bán mất rồi. Bây giờ nếu còn lô gỗ, đem ra kiểm tra lại nếu đúng là có gỗ giáng hương, có khai sai thì bị cáo chịu tội. Nhưng gỗ này là gỗ nhập khẩu nên bị cáo sẽ bị xử phạt hành chính chứ không phải là ra tòa hình sự”, bị cáo Liệu khẳng định.

Bị cáo Liệu cũng cho rằng lô gỗ trắc bị bán đấu giá với giá rẻ mạt. Trong đơn kháng cáo, bị cáo cho biết tại thời điểm bán đấu giá (tháng 12/2012), giá gỗ trắc tận dụng gốc, cành, ngọn tại thị trường tỉnh Quảng Trị được Hội đồng định giá tài sản tỉnh định giá là 110.000 đồng/kg. Nếu toàn bộ lô gỗ là gỗ trắc gốc cành ngọn thì giá trị toàn bộ lô cũng vào khoảng 74,6 tỷ đồng chứ không phải là hơn 63 tỷ như kết quả bán đấu giá. Còn thực tế, trong lô của Công ty Ngọc Hưng gỗ trắc xẻ và tròn, có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều lần. Bị cáo Liệu cho rằng có dấu hiệu tham nhũng trong việc bán đấu giá lô gỗ trắc tang vật và đề nghị tòa phúc thẩm làm rõ.            

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.