Bệnh nhân phi công phục hồi hoàn toàn sức cơ chân, bước đi nhiều hơn

Bệnh nhân phi công phục hồi hoàn toàn sức cơ chân, bước đi nhiều hơn
TPO - Chiều 30/6, thông tin từ Tiểu Ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 đã tiếp tục có những tiến triển về sức khoẻ.

Hiện sức cơ 2 chân phục hồi 5/5, bệnh nhân tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập, tự đứng dậy và vịn khung tập bước được nhiều bước hơn. Bệnh nhân đã  thở khí phòng, đã cai máy thở 18 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Ban đêm nam phi công ngủ tốt. Chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường. Bệnh nhân tự thở khí phòng, trao đổi oxy ở phổi cải thiện hơn, SpO2 thường xuyên 95-96% có lúc đạt 97%.

Tính đến chiều ngày 30/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; và 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 11 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế. Thành quả phòng chống đại dịch COVID-19 của cả nước ta được bảo vệ bởi chính sự góp sức của mỗi người.

Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

Dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, nhiều quốc gia đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt trong những ngày qua, có những quốc gia đang trải qua làn sóng dịch thứ 2 như một số khu vực ở Mỹ Latinh và châu Á. Thế giới ghi nhận hơn 10,4 triệu ca nhiễm và hơn 507.515 người chết do COVID-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch chưa có dấu hiệu chậm lại. "Chúng ta đều muốn điều này kết thúc để tiếp tục cuộc sống, nhưng thực tế là còn lâu nó mới chấm dứt. Nhiều nước đã đạt tiến bộ, nhưng đại dịch đang tăng tốc trên toàn cầu. Chúng ta phải đoàn kết trong dài hạn", ông nói.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế,  việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất cần thiết, nên mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

MỚI - NÓNG