Chủ tịch Kim Jong Un đã ấp ủ ý định công du Nga từ rất lâu

Chủ tịch Kim Jong Un (người đội mũ, đứng giữa) được quốc gia chủ nhà Nga chào đón theo phong tục truyền thống tại nhà ga Khasan, vùng Primorye
Chủ tịch Kim Jong Un (người đội mũ, đứng giữa) được quốc gia chủ nhà Nga chào đón theo phong tục truyền thống tại nhà ga Khasan, vùng Primorye
TPO - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Nga vào hôm nay, trước khi có cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay ngày mai. Chuyến công du Nga của ông Kim được cho là tín hiệu của Triều Tiên và Nga gửi đến Mỹ rằng sẽ có nhiều bên tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Vào sáng nay, tại vùng Viễn Đông của Nga, đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong Un đã đến ga Khasan. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov đã đón tiếp nhiệt tình phái đoàn Triều Tiên, bên cạnh lễ chào đón ông Kim theo phong tục truyền thống Nga, được các cô gái Nga trong trang phục truyền thống trao tặng bánh mì và muối.
"Tôi đã biết nhiều điều tốt đẹp về đất nước, con người Nga, và từ lâu đã mơ ước được đặt chân đến đất nước của các ngài", Chủ tịch Kim Jong Un chia sẻ, theo báo Interfax. "Tôi đã lãnh đạo đất nước Triều Tiên trong 7 năm qua, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi có chuyến thăm chính thức tới Nga".
Theo kế hoạch, Chủ tịch Kim Jong Un sẽ gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố cảng Vladivostok, chỉ hai tháng sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội diễn ra mà không đạt được thỏa thuận nào.
Điện Kremlin cho biết, sẽ không có thỏa thuận lớn nào được ký kết giữa hai bên nhân dịp chuyến thăm chính thức Nga của ông Kim, mà theo một số nhận định, có thể sẽ có một số thỏa thuận kín giữa hai bên.
Lễ đón Chủ tịch Kim Jong Un đã diễn ra hết sức long trọng. Tại Vladivostok, dàn nhạc quân đội đã chơi những bản nhạc bất hủ, khi đoàn tàu của ông Kim đang vào ga. Nhà lãnh đạo Triều Tiên được kỳ vọng sẽ đến thăm trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương Nga, thành phố dưới lòng đại dương và sẽ dừng chân tại một nhà máy sản xuất bánh mì, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Ông Kim được nhận định sẽ rất thận trọng trong cuộc gặp này, sau hai cuộc hội đàm với Mỹ không đạt được kết quả, trong đó Triều Tiên cương quyết bác bỏ bất cứ lời đề nghị giải trừ vũ khí hạt nhân nào của phía Mỹ, để đổi lấy một vài tháo gỡ trong lệnh cấm vận kinh tế của Washington nhằm vào Bình Nhưỡng.
Đối với Nga, cuộc hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên là cơ hội để ông Putin tham gia vào cuộc đối thoại hạt nhân, cũng như khẳng định lại vị thế của Nga trên trường quốc tế, mà hiện nay Moscow đang không ngừng gia tăng các hoạt động ngoại giao đầy sức mạnh.
Nga vẫn giữ nguyên vị trí của mình, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Triều Tiên. Thận trọng trước khả năng Nga có bước đi mới, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử Đặc phái viên phụ trách Triều Tiên Steve Biegun đến Moscow vào tuần trước để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, nhằm xoa dịu Mỹ, Nga sẽ để các công nhân Triều Tiên đang làm việc tại nước này trở về Triều Tiên vào cuối năm, phần nào hạn chế nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên.
Giống Bắc Kinh, Moscow không muốn thay đổi chế độ chính trị tại Bình Nhưỡng, vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn trong khu vực, cũng như gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Thế nhưng, tình hình hiện tại cho thấy, một vài doanh nghiệp chủ yếu "buôn lậu" dầu mỏ Nga với Triều Tiên, cũng như quan hệ giữa hai nước kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh khiến chính phủ Nga vẫn sẽ duy trì tình hình quan hệ với Triều Tiên như hiện tại. Năm ngoái, Nga được cho là đã bí mật gửi kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân cho Triều Tiên, đổi lại Triều Tiên sẽ phá hủy một phần vũ khí hạt nhân mà họ đang sở hữu.
Theo Theo The Washington Post
MỚI - NÓNG