COVID-19 hủy hoại 'tiểu khang xã hội' của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ra sao?

Ảnh: Lao động nhập cư ở ga Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc
Ảnh: Lao động nhập cư ở ga Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc
TPO - "Tiểu khang xã hội" là khái niệm, mục tiêu mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra cho xã hội Trung Quốc. Mục tiêu này cũng luôn được các đời lãnh đạo Trung Quốc sau này coi là ưu tiên trong các mục tiêu chính trị của họ. Nhưng theo chuyên gia, “xiao kang” đang lâm nguy bởi sự xuất hiện của coronavirus mới.

Montijn Huisman là một nhà nghiên cứu người Hà Lan chuyên về kinh tế - chính trị, kinh tế - quốc tế và sự phát triển toàn cầu của Trung Quốc. Ông hiện làm việc cho Viện Kinh tế Kết cấu mới ở Bắc Kinh. Sau đây lược trích những nghiên cứu của ông Huisman, đăng trên The Diplomat.

2020 được dự tính là một năm phát triển rực rỡ của Trung Quốc. Đất nước, theo kế hoạch, được thiết lập để trở thành một xiao kang she hui – “tiểu khang xã hội”, là xã hội thịnh vượng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập khả dụng sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010 và không có công dân Trung Quốc nào sống dưới mức nghèo khổ quốc gia là thu nhập 2.300 Nhân dân tệ/năm (tương đương 340 đô la).

Cuối năm 2019, triển vọng của Trung Quốc về việc đạt được xiao kang - thịnh vượng vừa phải - có vẻ tốt. Để đạt được mục tiêu GDP, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Giảm nghèo cũng tương tự như vậy trong bối cảnh đến cuối năm 2019, vẫn còn 5,5 triệu người sống trong nghèo đói, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Với lý do 11 triệu người đã thoát khỏi nghèo đói vào năm 2019, việc xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói trong năm 2020 sẽ là một nhiệm vụ có thể đạt được, mặc dù vẫn còn khó khăn.

Nhưng COVID-19 xuất hiện. Đại dịch này làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian ba tháng và dẫn đến sự sụt giảm lịch sử GDP 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2020. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên trước quốc hội mới đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường tỏ ra tự tin.

Trong khi tuyên bố lần đầu tiên sau 30 năm, Trung Quốc sẽ không đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, ông nhắc lại cam kết của lãnh đạo đối với mục tiêu đã có từ lâu: Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo và đạt được mục tiêu xây dựng xã hội thịnh vượng vừa phải về mọi mặt”.

Tuy nhiên, đối mặt với đại dịch, điều gì sẽ xảy ra đối với những người Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng?

 Để trả lời những câu hỏi này, điều quan trọng là phải hiểu rằng xiao kang không phải là một mục tiêu cụ thể được đặt ra bởi lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Chính Đặng Tiểu Bình là người đã đưa khái niệm về xiao kang she hui, vào diễn ngôn chính trị hiện đại của Trung Quốc, dường như lần đầu tiên đề cập đến nó trong cuộc nói chuyện vào tháng 10/1979 với Thủ tướng Nhật Bản Masayoshi Ohira. Sau đó, ông Đặng đã liên kết xiao kang với một mục tiêu thằng thừng: tăng gấp bốn lần GDP và GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 1980 - 2000.

Thật đáng ngạc nhiên, những mục tiêu này đã đạt được trước thời hạn, với GDP và GDP bình quân đầu người đã tăng gấp bốn lần vào năm 1995 và 1997.

 Xiao kang sau đó thường xuyên được Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào viện dẫn trong thời gian tại vị và có vai trò quan trọng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đã đặt  “xây dựng toàn diện một xã hội thịnh vượng vừa phải” lên hàng đầu trong “Bốn toàn diện”, các mục tiêu chính trị chủ chốt của ông.

 Trong một biển khẩu hiệu, ví như Giấc mơ Trung Hoa (Trung Quốc mộng), Tám điều bắt buộc (Bát cá tất tu) , Ba điều phải nghiêm túc (Tam cá nghiêm cách)… những khái niệm như vậy có thể không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, coi xiao kang chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền thì lại sai lầm.

Đầu tiên, trong khi xiao kang là một khái niệm có thể thay đổi, nó được kết nối với các mục tiêu chính sách thực sự. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2015-2020), Đảng Cộng sản Trung Quốc phác thảo rằng để đạt được một xã hội thịnh vượng vừa phải về mọi mặt đòi hỏi phải tăng gấp đôi GDP và thu nhập khả dụng từ năm 2010 - 2020.

 Xiao kang cũng được kết hợp rõ ràng với chiến dịch chống đói nghèo của chủ tịch Tập. Tháng 3 năm nay, ông Tập bảo đảm với người dân Trung Quốc rằng mặc dù có cuộc khủng hoảng COVID-19, chính phủ vẫn cam kết xóa đói giảm nghèo theo kế hoạch để xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải trên mọi phương diện.

Liệu Trung Quốc có thể hoàn thành xiao kang trước năm 2021 theo công thức ban đầu? Để tăng gấp đôi GDP năm 2010, nền kinh tế cần phục hồi mạnh mẽ trong phần còn lại của năm 2020. Đáng ngạc nhiên, những dấu hiệu gần đây là tích cực. Chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu chi, đo “sức khỏe” nền kinh tế-PV) Trung Quốc nới rộng trong hai tháng qua và xuất khẩu tăng 3,5% trong tháng 4. Hơn nữa, chính phủ đã công bố các biện pháp tài khóa mà theo các nhà phân tích, có giá trị 4,1% GDP.

Tuy nhiên, những dữ liệu này gây ra ảo giác tươi sáng, trong khi triển vọng về dài hạn ít màu hồng hơn nhiều. Nhìn kỹ hơn vào dữ liệu xuất khẩu cho thấy sự phục hồi chủ yếu xuất phát từ nhu cầu toàn cầu về nguồn cung cấp thiết bị y tế, điều này khó có thể kéo dài. Nhập khẩu giảm 14,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu nội địa yếu.

Trên hết, mức độ thiệt hại kinh tế thực sự sẽ chỉ được nhìn thấy sau khi các ngành công nghiệp trên toàn thế giới mở cửa trở lại. Để tăng gấp đôi GDP 2010, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay. Với sự sụt giảm 6,8 % trong quý đầu tiên và sự sụt giảm nhu cầu quốc tế, mục tiêu đó bây giờ dường như là không thể.

Thật vậy, IMF dự kiến tăng trưởng  của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 1,2% trong năm nay. Bằng cách không đặt mục tiêu GDP cho năm nay, chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ nhận ra rằng việc tăng gấp đôi GDP trong năm nay là không thể.

MỚI - NÓNG