Dân Tokyo đổ xô mua nước đóng chai

Dân Tokyo đổ xô mua nước đóng chai
TP - Ngày 23-3, các siêu thị ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản đông nghẹt người tới mua nước khoáng đóng chai sau khi nhà chức trách thông báo nguồn nước sinh hoạt ở thành phố bị nhiễm phóng xạ với hàm lượng không an toàn cho trẻ em dưới một tuổi.

>> Khói đen bốc ra từ lò phản ứng số 3
>> Phục hồi điện cả 6 lò phản ứng hạt nhân
>> Bể chứa thanh nhiên liệu lại sôi
>> Khói lại bốc lên từ nhà máy hạt nhân Nhật
>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Khói đen bốc lên từ lò số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Ảnh: AP
Khói đen bốc lên từ lò số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ảnh: AP.

Tại một siêu thị lớn phía đông Tokyo, cả kho dự trữ nước khoáng đóng chai loại 2 lít bán hết veo trong 20 phút. Sau khi loại chai 2 lít không còn, những khách hàng chậm chân chuyển sang mua loại chai nhỏ hơn, thậm chí mua cả chai trà xanh, trà lúa mạch.

Một phụ nữ có 3 con nhỏ nói rằng, bà vô cùng lo ngại vì nghe nói trẻ em rất dễ nhiễm phóng xạ trong khi chưa ai cho biết bụi phóng xạ sẽ tồn tại trong môi trường bao lâu nữa. Một phụ nữ khác trên 60 tuổi nói rằng, bà đã tới 4 siêu thị lớn ở Tokyo chỉ để mua nước khoáng đóng chai. Bà rất sợ dùng nước máy để rửa và nấu ăn.

Chính quyền Tokyo cho biết, lượng bụi phóng xạ i-ốt 131 trong nước máy của hệ thống nước sạch thành phố cao hơn mức an toàn cho trẻ sơ sinh. Mẫu nước kiểm nghiệm được lấy từ nhà máy lọc nước của thành phố. Chính quyền cũng thúc giục các nhà máy rượu bia không sử dụng nước máy vào thời điểm này để sản xuất đồ uống cho trẻ em.

Bộ Y tế Nhật Bản hôm 23-3 nói rằng, lượng phóng xạ trong nước máy không gây nguy hiểm ngay đối với sức khỏe của trẻ em dưới một tuổi, kể cả khi các cháu uống trực tiếp. Tuy nhiên, Bộ kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng nước máy để nấu ăn cho trẻ sơ sinh, đề phòng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe các cháu sau này. Bộ Y tế Nhật Bản nói rằng, người lớn nếu uống nước máy trong một thời gian ngắn thì không bị ảnh hưởng sức khỏe.

Giáo sư Yasuyuki Muramatsu của Trường Đại học Gakushuin cho rằng, hệ thống nước sạch Tokyo có thể đã bị nhiễm phóng xạ do nước mưa hôm 22-3 cuốn theo bụi phóng xạ i-ốt 131 từ không khí rơi xuống bể lọc của nhà máy nước Tokyo. Giáo sư Muramatsu cho biết, nếu chỉ dùng nước này để tắm rửa, giặt thì không vấn đề gì.

Ngoài nguồn nước sạch ở Tokyo bị nhiễm phóng xạ i-ốt 131, đất ở một làng cách nhà máy điện nguyên tử Fukushima 40 km cũng nhiễm phóng xạ với hàm lượng hơn mức bình thường 1.630 lần. Các quan chức Nhật Bản cho biết, phóng xạ cesium-137 đo được trong mẫu đất lấy ở làng Litate là 163.000 becquerel/kg, so với mức bình thường 100 becquerel/kg.

Giáo sư Muramatsu nói rằng, ông rất ngạc nhiên khi thấy hàm lượng phóng xạ cesium 137 quá cao. Theo ông, điều này rất nguy hiểm vì bụi phóng xạ cesium tồn tại trong môi trường đến 30 năm, có thể gây ô nhiễm lâu dài đối với sản phẩm nông nghiệp.

Sáng 23-3, tại chính nơi xảy ra trận động đất 9 độ Richter gây sóng thần, ở tỉnh Fukushima xảy ra liên tiếp hai dư chấn mạnh 6 độ Richter và 5,6 độ Richter cách nhau 20 phút.

Cục Khí tượng Nhật Bản đã phát cảnh báo có thêm dư chấn trên toàn khu vực đồng thời lưu ý những dư chấn đó có thể gây sóng thần. 

Tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1, các quan chức Cty Điện lực Tokyo cho biết, các hệ thống nhiệt kế ở ba lò phản ứng số 1, 2 và 3 đã được sửa chữa và trở lại hoạt động bình thường.

Các hệ thống đo nhiệt này cho thấy vỏ lò phản ứng số 3 có nhiệt độ 366 oC, khiến công nhân phải tăng cường bơm nước làm mát từ ngoài vào vỏ lò. Tại vỏ lò phản ứng số 1, nhiệt độ đo được 394 oC vào chiều 22-3. 

Đ.P
Theo NHK, Kyodo News

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG