EU trao cho Trung Quốc một chiến thắng chiến lược

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Reuters)
TPO - Giới quan sát cho rằng châu Âu ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc vào lúc này là sai thời điểm.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng bà muốn dẫn dắt một “ủy ban địa chính trị”. Nhưng bà Von der Leyen kết thúc năm 2020 bằng việc gửi đi một thông điệp địa chính trị bị chê tơi bời, khi EU ký thỏa thuận lớn về đầu tư với Trung Quốc.  

Trong năm qua, Trung Quốc bị chỉ trích nhiều về tình hình Hong Kong, Tân Cương, biên giới với Ấn Độ, đe dọa Đài Loan và trừng phạt Úc.

Giới phân tích cho rằng bằng việc ký thỏa thuận với Trung Quốc, EU gửi đi tín hiệu rằng họ không quan tâm đến tất cả những điều này.

“Đây là một chiến thắng ngoại giao lớn với Trung Quốc”, Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, một cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách, đánh giá.

Thỏa thuận này cũng được đánh giá không khác gì cú đấm vào mặt ông Joe Biden. Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh rằng ông muốn khởi động lại quan hệ với châu Âu. Chính quyền Biden mong muốn làm việc với một số đồng minh để đối phó với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.

Ông Jake Sullivan, người được ông Biden đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, vào phút chót vẫn kêu gọi châu Âu dừng ký thỏa thuận, ít nhất cho đến khi làm việc với chính quyền Mỹ mới. Nhưng ông bị phớt lờ.

Các quan chức châu Âu đưa ra nhiều lý do cho quyết định này. Họ nói rằng lần này Trung Quốc có nhiều nhượng bộ với châu Âu nhưng trước đây đã trao cho Mỹ khi hai bên ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Brussels cũng nói rằng Mỹ không hỏi ý kiến châu Âu trước khi tự ký thỏa thuận với Trung Quốc. Họ cho rằng quyết định của châu Âu thể hiện “sự tự chủ chiến lược”.

Cách giải thích của châu Âu nghe có vẻ cứng rắn, nhưng bị một số chuyên gia cho là “ngây thơ”, vì tin rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận này sau khi đã ký; vì bỏ qua những tác động địa chính trị của việc bắt tay với Trung Quốc vào thời điểm này.

EU nói rằng thỏa thuận sẽ khép hành vi của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào kỷ luật, để họ phải hành xử dựa trên những tính toán thương mại.

Nhưng Trung Quốc cũng có những cam kết tương tự khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Cam kết giảm bớt hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước được đưa ra từ 20 năm trước giờ lại được đề xuất như một nhượng bộ mới. Lời hứa của Bắc Kinh rằng sẽ “làm việc để tiến tới” thực hiện các công ước quốc tế về tiêu chuẩn lao động bị đánh giá là quá yếu.

Shi Yinhong, một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, nhận xét: “Về lao động, không có cách gì buộc Trung Quốc đồng ý”. Trong năm qua, Trung Quốc cũng nhiều lần thể hiện sẵn sàng bỏ qua những cam kết với quốc tế. Việc nước này áp luật an ninh mới với Hong Kong đã vi phạm thỏa thuận ký với Anh về việc bảo đảm quyền tự trị cho thành phố. Trung Quốc cũng tăng thuế rất cao lên hàng loạt mặt hàng Úc khi quan hệ hai nước xấu đi.

Thời điểm ký thỏa thuận này rất có lợi cho Bắc Kinh vì sẽ gây ra thách thức lớn cho chính quyền Biden.

“Chúng ta đã để Trung Quốc khoét một hố lớn giữa Mỹ và châu Âu”, Reinhard Bütikofer, chủ tịch phái đoàn nghị viện châu Âu về Trung Quốc, đánh giá.

Thỏa thuận EU – Trung Quốc được Thủ tướng Đức Angela thúc đẩy và hoàn tất ngay trước khi Đức kết thúc vai trò chủ tịch EU. Bà Merkel được đánh giá là người ủng hộ các giá trị tự do, nhưng cách tiếp cận của bà với Trung Quốc chủ yếu mang động lực thương mại.

Bà Merkel biết rằng ngành công nghiệp ô-tô Đức đã trải qua những năm khó khăn và Trung Quốc là thị trường lớn nhất.

Việc Thủ tướng Đức quyết tâm hoàn tất thỏa thuận này có thể cho thấy bà cũng đang hoài nghi về tương lai của Mỹ. Trong bài phát biểu năm 2017, bà nói rằng châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ nữa. Việc ông Biden đắc cử có thể chưa thay đổi quan điểm đó.

Nhiều người châu Âu cũng tin rằng Mỹ đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Khó để nhìn vào những gì đang diễn ra ở Washington mà cảm thấy hoàn toàn tin tưởng về sự ổn định của Mỹ hay của liên minh xuyên Đại Tây dương.

Thực tế cho thấy Trung Quốc nhiều lần dùng sức mạnh kinh tế của mình làm vũ khí chiến lược. Bằng việc tăng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế mà không phối hợp chính sách với những đồng minh và đối tác khác, các quốc gia châu Âu càng khiến mình dễ trở thành nạn nhân bị Bắc Kinh gây sức ép.

Theo theo FT
MỚI - NÓNG