Theo Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) - tướng không quân Paul Shelva, cuộc tranh giành quyền lực lớn đang trở lại, được nhấn mạnh trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) và Chiến lược phòng thủ quốc gia (NDS) chính là sự thừa nhận một điều mà lẽ ra chúng ta phải thừa nhận từ 10 năm trước. NSS đã xác định Nga-Trung là hai thế lực lớn thách thức Lầu Năm Góc, nhưng kế hoạch phòng chống của Mỹ đòi hỏi phải đối phó với mỗi nước này.
Trong hai ngày 1 và 2/2, vòng đàm phán mới về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã khởi động dưới sự chủ trì của 2 chủ tọa mới, trong bối cảnh Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miroslav Lajcak hối thúc các nước thành viên phá bỏ những khuôn mẫu cũ để có thể đạt được tiến triển trong vấn đề gây tranh cãi này. Ông M.Lajcak nêu rõ: “HĐBA LHQ đã được thành lập cách đây hơn 70 năm và từ đó đến nay thế giới đã thay đổi quá nhiều. Trong suốt các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm qua, không ai đặt câu hỏi về sự cần thiết phải cải tổ, và đó chính là lý do chúng ta cần có một tiến trình đáng tin cậy để hướng tới một kết quả thực chất”.
Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Đông đã đề xuất các biện pháp nhằm phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các biện pháp đối phó của EU được nêu trong một bản báo cáo mật của các đại sứ EU tại Đông Jerusalem, Ramallah và vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng, sau khi Tổng thống Mỹ vào ngày 6/12/2017 đã đơn phương công nhận tuyên bố của Israel đối với Jerusalem. Báo cáo của EU về Jerusalem nằm trong khuôn khổ chính sách hành động cho năm 2018 hướng đến các cuộc thảo luận của các Bộ trưởng tại Brussels.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chấp thuận kế hoạch đưa chiến đấu cơ đến một quần đảo tranh chấp với Nhật, thúc đẩy quá trình quân sự hoá ở cơ sở này. Theo kế hoạch, Thủ tướng Medvedev cho phép Bộ Quốc phòng Nga sử dụng sân bay dân sự trên đảo Iturup (mà Nhật gọi là đảo Etorofu) để làm nơi hạ cánh và bãi đậu cho các máy bay chiến đấu nước này. Đại sứ quán Nhật Bản tại Nga hiện chưa đưa ra bình luận về quyết định của Thủ tướng Medvedev. Quan điểm của Tokyo lâu nay là luôn chủ trương giải quyết vấn đề bằng ngoại giao và đối thoại.
Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) thông báo ít nhất 90 người di cư có thể đã đuối nước ở ngoài khơi bờ biển Libya sau khi một chiếc tàu buôn lậu chở những người này bị lật vào rạng sáng 2/2. Hiện có 3 người sống sót vào 10 thi thể đã dạt vào bờ sau vụ việc, trong đó có 2 người Libya và 8 người Pakistan. "Chúng tôi vẫn phải xác minh con số chính xác nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc", bà Olivia Headon, phát ngôn viên của IOM, nói. Các quan chức an ninh ở thị trấn Zuwara, Libya cho biết có hai công dân nước này và một người Pakistan được cứu sống. Zuwara nằm gần biên giới giữa Libya và Tunisia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Mỹ lo ngại về khả năng khí độc thần kinh Sarin được sử dụng ở Syria. Tuyên bố của Bộ trưởng Mattis được đưa ra một ngày sau khi Mỹ cảnh báo đã sẵn sàng cân nhắc hành động quân sự nếu cần thiết để răn đe các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của chính phủ Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết chính phủ Syria đã liên tiếp sử dụng khí clo như một loại vũ khí. Chính phủ và quân đội Syria đã liên tục phủ nhận cáo buộc sử dụng khí clo và các vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác với các cuộc điều tra quốc tế.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, Mustapa Mohamed cho rằng, nước này cần nhanh chóng xây dựng đạo luật nhằm ngăn chặn tình trạng phát tán tin tức giả mạo như hiện nay. Bộ trưởng Mustapa nhấn mạnh tin tức giả mạo có thể phá hoại nền kinh tế và tài chính quốc gia, ảnh hưởng xấu đến quan hệ tốt đẹp của Malaysia với các nước. Hiện nay có những phe nhóm đang cố gắng sử dụng tin tức giả mạo để gây hại cho người dân cũng như sự hòa hợp đất nước.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lại có dấu hiệu căng thẳng trở lại khi tờ tạp chí hàng tuần Tấm gương của Đức cho biết Berlin đã cấp quy chế tị nạn cho 4 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một người bị Ankara cáo buộc đóng vai trò chính trong cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2016. Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hay đảng Xanh, cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara."
Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về Quốc phòng Nga, Thượng nghị sĩ Viktor Bondarev, cho biết các loại vũ khí siêu thanh mới nhất sẽ sớm được trang bị cho lực lượng vũ trang nước này. “Chúng tôi có số lượng lớn vũ khí thông thường hiện đại, đặc biệt là vũ khí có độ chính xác cao. Tôi cũng nhắc lại quân đội sẽ sớm nhận được vài đơn vị vũ khí siêu thanh mới nhất, và như vậy kho vũ khí thông thường của chúng ta cũng sẽ mang tính răn đe chiến lược”, Thượng nghị sĩ, cựu Tư lệnh Không quân Vũ trụ Nga, ông Viktor Bondarev nhấn mạnh. (XEM CHI TIẾT)
Quân đội Mỹ sẽ triển khai khắp thế giới cái gọi là “hàng không tính năng kép”, mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm là các máy bay chiến đấu có thể mang theo vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân. Trên đây là một trong những nội dung quan trọng trong học thuyết hạt nhân mới của quân đội Mỹ. (XEM CHI TIẾT)