Thủ tướng Nhật từ chức, Trung Quốc mong muốn gì?

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nói rằng ông tiếc vì phải từ chức khi nhiều việc chưa làm xong. Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nói rằng ông tiếc vì phải từ chức khi nhiều việc chưa làm xong. Ảnh: AP
TP - Các nhà ngoại giao nhận định, Trung Quốc sẽ vẫn muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản sau khi Thủ tướng Abe Shinzo từ chức, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang trong hàng loạt lĩnh vực.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm qua thông báo quyết định từ chức vì lý do sức khỏe. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang rất quan tâm theo dõi xem ai sẽ là thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, trong lúc Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng.

Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nói rằng, Bắc Kinh hy vọng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi hoặc một số nghị sĩ khác thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền sẽ kế nhiệm ông Abe.

Trung Quốc đánh giá ông Ishiba không quá gần gũi với Mỹ và có thể sẽ theo đuổi chiến lược ngoại giao cân bằng để không gây tổn hại cho quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh, một nhà ngoại giao nói với Kyodo.

Di sản khu vực

Năm 2018, Nhật Bản và Trung Quốc đánh dấu 40 năm thực hiện Hiệp ước Hoà bình và Hữu nghị, một động lực để hai bên tạo dựng quan hệ tốt đẹp hơn. Ông Abe trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên trong gần 7 năm sang thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm đó.

Những tháng gần đây, Bắc Kinh và Tokyo cố gắng phục hồi nền kinh tế sau tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, còn Mỹ vẫn tăng cường các biện pháp nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề thương mại, biển Đông, Hong Kong và Tân Cương, cũng như trên mặt trận công nghệ.

Là một đồng minh gần gũi của Mỹ ở khu vực, Nhật Bản bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vấn đề Hong Kong, nhưng ông Abe rõ ràng không muốn bày tỏ quan điểm công khai về các vấn đề này vì tính đến quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giới quan sát nhận định.

Kyodo dẫn lời một nhà ngoại giao khác nói rằng, việc ông Abe từ chức sẽ càng khiến triển vọng thực hiện chuyến thăm của ông Tập sang Nhật trở nên mờ mịt hơn. Chuyến thăm đáng lẽ diễn ra cách đây vài tháng nhưng bị hoãn vì tình hình COVID-19.

Giới phân tích đánh giá, một trong những di sản nổi bật nhất của ông Abe khi cầm quyền từ năm 2012 đến nay là nỗ lực nhằm giải thích lại Điều 9 của Hiến pháp hoà bình, mở đường cho việc Nhật Bản tham gia các hoạt động phòng vệ tập thể cùng các đồng minh.

Bước đi này và những biện pháp tăng cường an ninh quốc gia khác giúp củng cố quan hệ đồng minh của Nhật với Mỹ. Ông Abe đã đóng vai trò tích cực để tạo dựng các quan hệ đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương từ Ấn Độ sang Úc, từ Đông Nam Á sang châu Âu, chủ yếu để đối phó sức mạnh và sự đe doạ từ Trung Quốc.

Nhật Bản tiếp tục là nguồn đầu tư lớn hơn Trung Quốc vào hạ tầng ở Đông Nam Á. Ông Abe nỗ lực và đạt được một số thành công khi ngăn chặn Trung Quốc dùng viện trợ để tạo ảnh hưởng ngoại giao.

Phản ứng của Việt Nam

Ngày 28/8, trả lời các câu hỏi phóng viên liên quan đến việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố từ chức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Ngài Abe Shinzo đã được nhân dân Nhật Bản tín nhiệm nhiều năm ở cương vị Thủ tướng Nhật Bản, là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực và thế giới.

Việt Nam đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ngài Thủ tướng Abe Shinzo đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế. Việt Nam chúc Ngài Thủ tướng Abe sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản cũng như quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản…”.

Ông Abe Shinzo bị viêm đại tràng không thể chữa khỏi và đây cũng là nguyên nhân khiến ông từ chức nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2007. Trong vòng 1 tuần qua, ông đã hai lần đến khám ở Bệnh viện đại học Keio ở Tokyo, Japan Times đưa tin.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.