Toan tính của Mỹ-Triều khi cam kết về Thượng đỉnh lần 3

Toan tính của Mỹ-Triều khi cam kết về Thượng đỉnh lần 3
TPO - Việc cả Tổng tống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở các mức độ khác nhau đều bảy tỏ sẵn sàng ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề hạt nhân thể hiện rõ những toan tính của hai nước trong vấn đề này.

Hôm 12/4, phát biểu tại cuộc họp Quốc hội Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lần đầu tiên công khai về tiến trình đàm phán hạt nhân với Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. Trong đó bày tỏ rằng, Triều Tiên sẵn sàng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 3 với Mỹ để có được một thỏa thuận công bằng và nhượng bộ lẫn nhau.

“Nếu Mỹ đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ lần 3 với thái độ và phương thức đúng đắn, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó một lần nữa. Tôi sẽ không ngần ngại ký một thỏa thuận nếu nó đáp ứng được lợi ích của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Mỹ. Điều này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và tính toán của Mỹ”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố.

Trước đó, hôm 11/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẵn sàng gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để nói chuyện về vấn đề hạt nhân.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Washington, ông Trump nói rằng ông sẵn sàng duy trì động lực đối thoại và sẵn sàng ký “các thỏa thuận nhỏ hơn” với Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng, việc cả Tổng tống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở các mức độ khác nhau đều bảy tỏ sẵn sàng ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề hạt nhân thể hiện rõ những toan tính của hai nước trong vấn đề này.

Với Triều Tiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước này khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày càng gặp khó khăn trong việc thực hiện cam kết không để người dân của mình phải “thắt lưng buộc bụng”.

Nếu các cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân không đạt bất kỳ kết quả cụ thể nào, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể bị mất thể diện trong Đại hội Đảng Lao động cầm quyền ở nước này trong tương lai.

Trong khi đó, với Mỹ, thời gian dường như cũng không đứng về phía Tổng thống Trump vì ông cần có sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại trước “cuộc chiến sinh tử” bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020.

Nếu Mỹ-Triều không đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay, ông Trump có thể gặp khó khăn khi nói hoạt động ngoại giao của ông với Kim Jong-un là thành công của chính ông. Một số nhà quan sát cho rằng bất kỳ thất bại nào trong hoạt động ngoại giao thượng đỉnh của Trump đều có thể khiến các đối thủ chính trị của ông tận dụng để nhấn mạnh một lần nữa rằng Bình Nhưỡng đã “câu giờ” nhằm giảm đà trừng phạt của Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ mong muốn đàm phán với Tổng thống Trump, mặc dù có giới hạn thời gian và điều kiện nhất định, sẽ tạo điều kiện cho việc nối lại cuộc đối thoại hạt nhân giữa hai nước vốn bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

Trong khi đó, thái độ của ông Trump về một cuộc gặp với ông Kim là một dấu hiệu cho thấy sự linh hoạt của Mỹ về các cuộc đàm phán trong tương lai với Triều Tiên.

MỚI - NÓNG