Trung Quốc, Canada với 'trò chơi con tin'

Ông Spavor trong một lần gặp ông Kim Jong-un. Ảnh: Business Insider
Ông Spavor trong một lần gặp ông Kim Jong-un. Ảnh: Business Insider
TP - Chuyên gia nói Bắc Kinh và Ottawa đang chơi trò “con tin” khi liên tục xuất hiện các vụ bắt giữ công dân của nhau. Trong khi đó, các quan chức Mỹ nói Trung Quốc là mối đe dọa an ninh số 1 của Washington, giữa lúc căng thẳng thương mại và ngoại giao Mỹ-Trung đang ở cao trào.

Thêm một công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc trong lúc đang có tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada, Mỹ xung quanh việc bắt giữ một quan chức của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tại Vancouver, Canada.

Michael Spavor “đang bị điều tra” vì bị tình nghi có các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc, theo thông tin trên báo chí Trung Quốc cũng như cơ quan an ninh thành phố Đan Đông, giáp Triều Tiên. Spavor là nhà sáng lập Paektu Cultural Exchange, công ty tổ chức các tour đến CHDCND Triều Tiên. Theo CNN, ông Spavor từng hỗ trợ đưa cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman tới Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Thông tin về vụ Spavor xuất hiện ngay sau khi ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland xác nhận rằng giới chức Trung Quốc đã bắt giữ một công dân Canada khác là Michael Kovrig, đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ ICG.

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh xuất bản hôm thứ Tư, ông Kovrig cũng đối mặt với cáo buộc tương tự ông Spavor là “đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc”.

Andrei Lankov, giáo sư đại học Kookmin ở Hàn Quốc, chuyên gia về Triều Tiên và Đông Á nói có vẻ Trung Quốc và Canada đang tham gia “trò chơi con tin”.

“Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là họ (chính phủ Trung Quốc) chọn Michael Spavor, người có xuất thân rất bình thường”, ông Lankov nói. “Rõ ràng ông ấy không phải là con trai một ông chủ doanh nghiệp lớn nào ở Canada”. Ông Lankov, được nói là quen biết Spavor 10 năm qua, mô tả ông này là người dễ mến, lôi cuốn và “không quan tâm lắm đến chính trị quốc tế”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư nói ông Kovrig có thể đã vi phạm luật pháp Trung Quốc về quản lý các tổ chức phi chính phủ. ICG được nói là chưa đăng ký hoạt động tại đây.

Trong một diễn biến khác, ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cảnh báo Mỹ không chính trị hóa các vụ dẫn độ, sau khi Tổng thống Donald Trump nói ông có thể can dự vào vụ một quan chức doanh nghiệp Trung Quốc bị bắt tại Canada theo đề nghị của Washington.

Khi được hỏi liệu có can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Châu, ông Trump đã nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters sẽ sử dụng vụ việc này làm quân bài mặc cả với phía Trung Quốc về thương mại.
Bà Freeland nói rõ ràng tiến trình pháp lý không nên bị bắt làm con tin vì các mục đích chính trị và rằng luật sư của bà Mạnh sẽ dùng các lời lẽ của ông Trump để chống lại lệnh dẫn độ.

Một số người cũng đặt câu hỏi liệu ông Trump có nhầm lẫn ý nghĩa của đề nghị dẫn độ hay không.“Đây là vấn đề pháp lý và là một vụ việc có vẻ đang được tiến hành đúng luật, nhưng những bình luận của ông chỉ có thể làm giảm tầm quan trọng của hiệp định dẫn độ”, Bruce Heyman, đại sứ Mỹ tại Canada dưới thời tổng thống Barack Obama, nói.

Mối đe dọa an ninh

Trong khi căng thẳng Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt, các quan chức hành pháp Mỹ tuyên bố Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất với an ninh quốc gia của Mỹ.

Các quan chức Cục Điều tra liên bang (FBI), Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Mỹ hôm thứ Tư (giờ Mỹ) diễn giải trước các nghị sỹ về các phương pháp gián điệp “phi truyền thống” của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng những người Trung Quốc sống ở nước ngoài thay cho các điệp viên chuyên nghiệp tại các trường đại học và doanh nghiệp, và tình trạng ăn cắp bản quyền.
“Trong khi Mỹ tiến hành một loạt phản ứng về mối đe dọa này, chúng ta phải giải quyết sự dễ tổn thương của hệ thống, trong khi vẫn giữ được các giá trị và tính cởi mở, tự do và các nguyên tắc đúng đắn vốn đã giúp chúng ta cường thịnh”, E.W. Priestap, trợ lý giám đốc FBI về mảng phản gián nói trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, theo CNN.

MỚI - NÓNG