Vì sao Trung Quốc ‘khoanh tay’ trước đảo chính ở Myanmar?

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm đầu năm 2020. (Ảnh: Shutterstock)
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm đầu năm 2020. (Ảnh: Shutterstock)
TPO - Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình ở Myanmar sau khi các nhà lãnh đạo dân sự nước này bị quân đội bắt giữ. Giới quan sát cho rằng Myanmar không tránh được hỗn loạn trong ngắn hạn và điều này sẽ càng ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư khi họ vốn đã bị đại dịch ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể dùng cách chờ đợi vì dự đoán tình hình sẽ trở nên ổn định trong dài hạn. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đến quan điểm này trong phát biểu đưa ra hôm qua: “Chúng tôi chú ý đến những gì xảy ra ở Myanar và chúng tôi đang tìm hiểu thêm tình hình. Trung Quốc và Myanmar là hai nước láng giềng hữu nghị. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ giải quyết khác biệt một cách phù hợp theo hiến pháp và khuôn khổ pháp luật để duy trì ổn định chính trị và xã hội”, người phát ngôn Uông Văn Bân nói.

Giới quan sát cho rằng cuộc đảo chính ở Myanamar đẩy Trung Quốc và một tình thế khó xử, vì bản chất cuộc khủng hoảng là mâu thuẫn giữa liên minh chính trị do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu với quân đội Myanmar, trong khi cả hai lực lượng này đều có quan hệ tốt với Trung Quốc. 

Vì thế, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc giờ chỉ theo dõi tình hình chứ không làm gì cả. Các dự án của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng sau cuộc đảo chính, nhưng mức độ gián đoạn sẽ không lớn như đại dịch COVID-19 gây ra. 

Tính đến cuối tháng 1, số ca mắc COVID-19 ở Myanmar đã tăng lên hơn 140.000, và con số tử vong vượt mốc 3.000. Để kiểm soát đại dịch, chính phủ Myanmar cho dừng các chuyến bay thương mại quốc té và hạn chế đón du khách đến cuối tháng 2. 

Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết quân đội nước này không lo ngại sẽ có chuyện xung đột nội bộ của Myanmar có thể tràn sang lãnh thổ Trung Quốc và ảnh hưởng đến người dân Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sẽ có một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ xảy ra trong những ngày tới, nhưng sẽ không gây bùng phát nội chiến giữa chính phủ và các nhóm phiến quân sắc tộc. 

Trung Quốc có chung hơn 2.100km đường biên giới với Myanmar ở phía bắc, khu vực lâu nay vẫn xảy ra những cuộc xung đột giữa chính phủ với các nhóm phiến quân địa phương. 

Tháng 4/2020, ba quả bom bị ném sang đất Trung Quốc và gây hư hại nhà cửa, nhưng không gây thương vong về người. Nhưng hồi năm 2017, một giáo viên người Trung Quốc thiệt mạng khi một quả đạn phá của quân chính phủ Myanmar rơi trúng một trường học ở Kokang. 

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, sau Singapore. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1 năm ngoái, hai bên ký 33 biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác, ý định thư và nghị định thư. 13 văn bản trong số đó liên quan đến hạ tầng, đáng chú ý nhất là Đặc khu kinh tế Kyaukpyu bên Vịnh Bengal. 

Myanmar cũng là chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước, nhằm thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. 

Ông Zhu Yongbiao, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Lan Châu, cho rằng các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì đã trải qua quá trình chuyển đổi quyền lực trước đây, và Bắc Kinh có quan hệ tốt với cả quân đội và chính phủ Myanmar.

Theo Theo AT
MỚI - NÓNG