Công thức bất bại của 'bom tấn' Việt

“Quán thanh xuân” được yêu thích vì công thức “đánh thức hoài niệm”
“Quán thanh xuân” được yêu thích vì công thức “đánh thức hoài niệm”
TP - Những ngày cuối năm, phim “Mắt biếc” đại thắng ngoài rạp. Lý giải về thành công này, nhiều chuyên gia tiết lộ: thực ra “Mắt biếc” đi theo con đường đã được kiểm chứng là đánh vào hoài niệm.

Người Việt thích vintage

Đây là đúc kết của nghệ sĩ Anh Đức (Đức Nhà sàn) khi anh nhận lời tư vấn cho chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” giai đoạn đầu. Theo Anh Đức: “Muốn doanh thu tốt thì không thể xem nhẹ yếu tố này. Cứ đưa vào ít vintage thật duy mỹ là kiểu gì cũng thành công. Người Việt từ già đến trẻ đều thích hoài niệm!”.

Thuật ngữ “vintage” du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây. Trong thời trang, vintage được mặc định như một từ có nghĩa là “cổ-cũ”. Thời trang vintage là thuật ngữ chung chỉ quần áo từ những thập niên trước. Sau đó người ta có hội họa vintage, phim vintage, kiến trúc vintage, sân khấu vintage v.v...

Nhà nghiên cứu Trịnh Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội) chia sẻ: “Trong máu mỗi người đều có chất hoài niệm, nhưng chất này mạnh hơn ở những nước phương Đông. Nếu xét theo tiêu chí kinh tế thì người ở những nước yếu thế, đang phát triển hay hoài niệm hơn người ở những nước phát triển. Sự hoài niệm cho phép người ta tạm thời thoát ly khỏi thực tại cuộc sống, chìm trong một thế giới đẹp đẽ hơn do chính họ tạo dựng nên. Cái hoài niệm “ăn khách” do vậy phải đẹp hơn cái hoài niệm “thực có””.

Lại nói về sự thành công của “Mắt biếc”, chín trên mười review khen bộ phim thì đều xoáy vào thế mạnh này của Victor Vũ. “Một thế giới xưa cũ như cổ tích”; “Bộ phim đưa khán giả trở về với tuổi thơ”; “Thấy như thời gian đang trôi ngược lại thời xưa”; “Phim thơ mộng, giàu cảm xúc và khiến tôi khóc nhiều lần khi chạm tới những ký ức của thời thơ bé và về mối tình đầu trong sáng, thơ ngây”...

Mặc dù “phe chê” sắc sảo, hài hước hơn nhiều, nhưng cũng không thể át được cơn hoài niệm tập thể của khán giả. Có người lý giải, phim ăn khách một phần do tác phẩm gốc của Nguyễn Nhật Ánh đã từng phá kỷ lục xuất bản (Truyện “Mắt biếc” ra đời năm 1990 đến nay đã tái bản 44 lần, riêng lần thứ 44, NXB Trẻ in 60 nghìn bản, bao gồm 10 nghìn bản bìa cứng và 50 nghìn bản bìa mềm). Tuy nhiên, những fan cuồng của “nhà văn quốc dân” này lại soi ra, câu thoại được nhiều khán giả nhớ nhất trong phim vốn không có trong truyện: “Đời người có hai thứ đừng nên bỏ lỡ, một là chuyến xe cuối cùng, hai là người thương mình thật lòng”.

Công thức sản xuất?

Dịch giả Nguyễn Hoàng (từng có 5 năm làm việc cho NXB L’Aube – Pháp) cho biết: “Việc đúc kết xu hướng, sở thích và hứng thú... của độc giả rồi làm sách theo xu hướng, sở thích, hứng thú đó... là việc thường ngày của hệ thống xuất bản châu Âu. Đối với phim ảnh cũng thế, họ điều tra thị hiếu khán giả rất công phu rồi tổng kết ra “công thức ăn khách”. Tất nhiên, những công thức kiểu này thường dành cho những sản phẩm kỳ vọng có doanh thu cao mà ta hay gọi là sản phẩm thị trường ấy. Chứ nghệ sĩ đích thực, rất ít người quan tâm chiều chuộng độc giả, họ chỉ sáng tạo vì mình”.

Chỉ sau hơn một tuần trình chiếu, “Mắt biếc” đã trở thành tác phẩm điện ảnh Việt thứ 5 trong năm nay thu hơn 100 tỷ đồng tại phòng vé. Một số người làm trong ngành phát hành, truyền thông đã dự báo doanh thu “Mắt biếc” sẽ đạt khoảng 150-200 tỉ đồng. Chưa hết, “Mắt biếc” cũng đã lọt top 1 Google Trends (công cụ chuyên phân tích mức độ tìm kiếm các từ khóa) ngay ngày khởi chiếu sớm.

“Công bằng mà nói, “Mắt biếc” không phải là bộ phim xuất sắc. Nó đèm đẹp, nhẹ nhàng và đúng trend. Thêm nữa, nó được truyền thông quá tốt. Ra rạp đúng thời điểm (Noel). Ở đây chúng ta không bàn đến nghệ thuật hay thị trường. Mà có lẽ đến lúc điện ảnh Việt cũng nên quan tâm đến những “công thức sản xuất” đánh đúng thị hiếu khán giả. Sự thành công của “Mắt biếc” và một số dự án khác đã chứng minh đây là hướng đi có thể tham khảo”. Nhà sản xuất Đinh Lê Tuấn chia sẻ.

Phân tích về sự thành công của trend “hoài niệm”, nhà xã hội học Nguyễn Lê Bình (ĐH KHXH&NV) tiết lộ: “Hoài niệm là một mỏ vàng của ăn khách, cứ nhìn những chương trình thành công về doanh thu trong năm thì biết. “Mắt biếc”, “Quán Thanh Xuân”, hay là Cafe Cộng... đều đi theo con đường này. Người Á Đông theo đạo Khổng, thích giữ nề nếp, truyền thống, lễ nghi... chính là không chống lại được ánh sáng của xưa cũ”.

Những người sản xuất chương trình truyền hình “Quán thanh xuân” ngay từ khi bắt đầu đã tiết lộ, họ hướng tới nhu cầu “hoài niệm” của mỗi người. “Với mong muốn tạo ra một nơi gặp gỡ của những người đã trải qua thanh xuân hay đang ở trong chính thanh xuân của mình, để họ gặp gỡ bạn cũ, ôn lại những câu chuyện xưa, nghe những bài ca chứa đầy kỷ niệm trong một không gian thảnh thơi, gần gũi”.

Công thức bất bại của 'bom tấn' Việt ảnh 1 Cộng cà phê hấp dẫn ở không gian xưa cũ
Ngay từ những chương trình đầu tiên, “Quán thanh xuân” đã được gán cho nhiệm vụ “đánh thức hoài niệm bằng âm nhạc”, “ngược về quá khứ tìm thanh xuân”, “điểm hẹn của những người yêu quá khứ”...

Hoài niệm được coi là chìa khóa vàng để mở lòng khán giả của “Quán thanh xuân” bởi chương trình hầu như rất ít “sao bự” tham gia, đối tượng khán giả tương đối già nhưng số nào cũng cháy vé, thậm chí có số vé được bán với giá chợ đen. “Quán thanh xuân” mới chạy được một năm nhưng đã có lớp khán giả trung thành của mình. Fanpage “Hội quán thanh xuân” tấp nập người chia sẻ “toàn những chuyện xưa cũ”. Đạo diễn Nguyễn Phan Lâm nhận xét: “Nhu cầu nói chuyện xưa, nghe bài hát cũ... là có thật. Các chương trình truyền hình dành riêng cho nhu cầu này chưa nhiều, “Quán thanh xuân” đi đúng hướng rồi”!

Tâm lý hoài cổ của người trẻ

Hệ thống Cộng cà phê không che giấu ý định tạo ra một không gian cà phê hoài cổ đánh vào tâm lý thích “ngoái lại” của khách hàng.

Ngay từ đầu, Cộng được thiết kế như là nơi gửi gắm nỗi nhớ và kỷ niệm những năm đầu khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, mang lại một cảm giác của một thời chưa xa.

Ông Nguyễn Lê Bình nói thêm: “Cộng đáp ứng đúng nhu cầu sống chậm và nhìn lại của lớp trẻ bây giờ, khi mà nhịp sống 4.0 khiến rất nhiều người quay cuồng, bối rối. Hãy nhìn những nhóm “sống xanh”, “sống chậm” lan tỏa nó như một thứ trend thời thượng thì biết rằng, vào thời điểm này, trào lưu vintage vẫn rất ăn khách”.

Sự thành công của Cộng thậm chí tạo ra cả một trào lưu làm cà phê hoài cổ. Sự ra đời sau đó của Cuối Ngõ hay Xoan... là những ví dụ. Xu hướng này được dự đoán là sẽ còn hot, ít nhất trong cả thập niên sắp tới.

Trước đó vài năm, quán ăn thời bao cấp với đặc sản là tóp mỡ, cơm độn... cũng đã được rất nhiều người trẻ hào hứng khám phá.

Đạo diễn Nguyễn Phan Lâm tổng kết: “Cái câu “ngày xưa ấy” giờ không còn là đặc quyền của những phụ huynh khốt – ta – bít nữa. Nó là mode rồi. Vài năm trở lại đây, vintage, retro (“retrospective” tạm dịch: hồi tưởng quá khứ) đã lan khắp thế giới. Giới trẻ sành điệu được mặc định là sẽ mặc quần áo “lỗi thời”, sinh hoạt tiết giảm, tận dụng đồ cũ, phong cách kiến trúc “có gu” thì nhất định phải có đèn dầu, nền nhà gạch bông, máy cassette, gạch mộc, quạt Liên Xô... Ca khúc hit thì kiểu như “Ông bà anh”... Thế giới càng phát triển, người trẻ càng thích tìm cách níu lại bằng nhiều hình thức. Đó là nhu cầu cân bằng”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.