'Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân'

'Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân'
TP - Sau hơn một năm đi đánh giặc Pháp ở quê hương Bạc Liêu, anh bộ đội nông dân vô tình trở thành nguyên mẫu nhân vật “anh Ba Hưng” trong bài hát của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, sau đó nổi tiếng đến tận bây giờ.

Người dũng sỹ đi tìm đồng đội
> 'Đại đệ tử' của Anh hùng Hồ Giáo

Cũng từ dạo đó, ông biền biệt mang ba lô đi chiến đấu, rồi lên đường đi tập kết. Năm 1962, trở thành xạ thủ pháo binh, về Nam chiến đấu ở chiến trường Miền Đông Nam bộ. Bỗng một ngày kia nhận được hung tin: người vợ cưới ở quê nhà bị một tên ác ôn cưỡng ép làm vợ bé và sinh con. Nén buồn đau xé lòng, ông tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Năm 1964, tổ chức mai mối cưới cho một người vợ ở Làng 8, Dầu Tiếng (Sông Bé cũ, nay là Bình Dương). Xiết bao vui mừng, hạnh phúc khi con trai cất tiếng khóc chào đời sau đó một năm. Nhưng bất hạnh luôn trùm lên cuộc đời của ông: Một buổi sáng mùa hè, máy bay Mỹ ném quả bom trúng nhà gia đình bên vợ. Vợ, con gái, bà ngoại và 4 người hàng xóm chết tức tưởi.

“Anh Ba Hưng” hai lần mất vợ, buồn đau ngất trời nhưng vẫn nén lòng, chăm lo cho bộ đội từng bữa ăn ngon để có sức đi đánh giặc. Tổ chức lại giới thiệu cho anh một thiếu nữ ở Làng 6, Dầu Tiếng, là con một gia đình cách mạng, cưới vợ cho anh lần thứ ba. Vợ mang bầu là lúc anh lại lên đường đi chiến đấu biền biệt.

Ngày 16-5-1975, anh Ba Hưng mang ba lô lên vùng Hố Nai, Biên Hòa (Đồng Nai) vào tận rẫy người dân để hỏi thăm, tìm kiếm vợ con mà anh dò la biết được sau ngày anh đi, gia đình rời Làng 8 từ Dầu Tiếng dạt về đây sinh sống…

Anh Ba Hưng là Đại tá Hứa Hòa Hưng, hiện đang nghỉ hưu tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

“Đi lính hơn năm trường” được huân chương, mất vợ

Năm nay ông đã bước sang tuổi 84, căn bệnh huyết áp, khó thở khiến ông phải nằm dưỡng tại nhà cho con gái và rể đều là bác sĩ chăm sóc. Nhưng ông vẫn dáng phương phi, vạm vỡ kể chuyện xưa nhớ từng mốc ngày tháng. Vừa nghe tin nhà báo tìm ông từ nhà cũ trên Hố Nai, rồi lần dò ra chỗ ở mới, ông cười khà khà:“Tiếc quá, chú Ba không uống được nữa. Nhớ hồi trước ngồi uống lai rai cả lít ở nhà chú, vui thiệt hả mậy”.

Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Trần Kiết Tường (1924-1999) kể chuyện ra đời bài hát Anh Ba Hưng, bắt nguồn từ bài dân ca Con chim manh manh Nam Bộ : “Con chim manh manh, nó đậu cây chanh. Tôi vác miểng sành liệng nó chết giãy. Tôi làm bảy mâm, biếu ông một mâm, cho bà một dĩa. Bà hỏi con chim gì, tôi nói con chim manh manh…”.

Còn bài hát Anh Ba Hưng thì “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân, lưng lớn ba vùng mà hổng chịu đầu quân. Thằng Sáu thấy anh nó cười. Thiệt thằng nhỏ xíu mà khôn. Nó trêu nó trêu anh hoài. Nó nói cái lưng anh dài, nó nói cái mặt anh chai, thanh niên sao không đi lính, cũng không cấy cày. Anh Ba đỏ mặt tía tai. Về nhà xin đi lính đã hơn năm trường, vừa mới được huân chương. Thằng Sáu thấy anh nó mừng. Láng giềng hỏi thăm sự tình. Tôi nói có anh Ba Hưng…”.

Bài hát với giọng điệu hài hước, vui nhộn, dễ thuộc, khuyến khích trai làng đầu quân. Nhạc phẩm Anh Ba Hưng được viết ở Giá Rai (Bạc Liêu) với câu chuyện: Trong một trận đánh Pháp năm 1947, ở đoạn đường Đốc Bét – Xóm Lung (Bạc Liêu), bộ đội ta giết nhiều giặc, phá hủy nhiều xe cơ giới, trở thành lá cờ đầu lập chiến công ở huyện Giá Rai. Trận đánh dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Hứa Hòa Hưng. Anh em gọi thân mật là anh Ba Hưng. Sau trận thắng lớn, đơn vị tổ chức mừng chiến công. Đoàn văn công Nam Bộ đến tham dự liên hoan biểu diễn văn nghệ và đi thực tế sáng tác. Đoàn gồm các nhạc sĩ và ca sĩ như: Trần Kiết Tường, Văn Luyến, Tường Thanh, Văn Lưu, Khánh Dân…

Qua giới thiệu của anh em về chiến công của người chỉ huy trận đánh này, Trần Kiết Tường liền sửa lời như mọi người đều biết và kịp chuyển sang đài Tiếng nói Nam Bộ phát sóng. Lời bài hát sửa như sau:

“Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân. Đi lính ba năm trường vừa mới được huân chương. Thằng Sáu nó khen anh hoài. Cái thằng nhỏ xíu mà khôn. Nó khen, nó khen anh hoài. Nó nói rằng anh có tài, nó nói mới một năm nay, mà anh đã giết Tây hơn trăm thằng”.

Ông Ba Hưng
Ông Ba Hưng.

Hành trình đi tìm vợ con

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh Ba Hưng xin phép đơn vị trở về Dầu Tiếng để tìm lại người thân, nhưng do chiến tranh tàn phá, cửa nhà tan nát, gia đình ly tán, một vài người còn ở lại cho biết gia đình vợ con của anh đã sơ tán lên vùng Hố Nai sinh sống từ trước 1968.

Sắp xếp việc cơ quan xong, ngày 16-5-1975, Ba Hưng nhờ một anh lính chở xe Honda lên Hố Nai- Biên Hòa hỏi dò tin tức vợ con. Những người ở đây hỏi lại: Có đến 4 Hố Nai, anh hỏi Hố Nai nào? Ba Hưng đứng lặng hồi lâu, người thất thần, mất hết hy vọng. Bỗng trong ký ức hiện về một thông tin: Hố Nai gần hai cái chợ (chợ Thái Bình và Chợ Sặt). Tìm suốt ngày, vẫn không có thông tin gì về người bên Dầu Tiếng qua đây sống, vì đây là khu vực xóm đạo, nếu có người lạ ở, chắc hẳn sẽ biết.

Hôm sau, Ba Hưng lò dò vào trong xóm rẫy thưa thớt nhà cửa, rất xa đường Quốc lộ, tiếp tục hỏi thăm vài chỗ, rất may có ông lão chỉ dẫn: Đi vào chỗ sâu trong kia, hồi trước có người bên Dầu Tiếng sang làm mướn coi rẫy… Gặp một gia đình làm thuê, nhưng họ nói: Hồi trước ở Bến Cũi chứ không ở Làng 8, Làng 6… Ba Hưng gặp một cô bé rửa chén mướn trong một tiệm ăn, được cô sốt sắng dẫn đường đến nhà một gia đình ở Dầu Tiếng cũng làm mướn trong rẫy.

Vừa bước vào nhà, Ba Hưng đã nhận ra ngay người cha vợ. Nhưng ông cụ do lâu ngày không gặp, tuổi già và mắt đã lờ mờ, tai lãng nên không nhận được con rể. Sau một lúc, trấn tĩnh lại, Ba Hưng bật hát lên câu: “Có anh Ba Hưng... vốn thiệt nông dân” rồi nước mắt vui mừng nhòa đi. Nghe đến đây, ông cụ thảng thốt kêu lên mừng rỡ: “Thằng Hưng... thằng Ba Hưng đó sao con…?”.

Rồi ông cụ rưng rưng nước mắt đưa tay chỉ vào đứa cháu gái khoảng 7-8 tuổi đang đứng thập thò ở cửa buồng nãy giờ và run giọng: “Đó.! Con gái của mầy đó”. Cha con ôm nhau mừng vui, nghẹn ngào, sung sướng tột cùng. Nhiều bà con hàng xóm nghe tin chạy sang. Khi anh Ba Hưng còn trong vòng tay của cha vợ và con gái cưng lần đầu tiên gặp mặt thì ai đó đã chạy đi chở Sáu Hường, vợ anh, đang làm thuê ở một nơi khác về…

Thế là sau 9 năm xa cách, anh Ba Hưng đã tìm lại được người thân, gia đình sum họp. Cuộc đời ông còn gắn liền với con số 9 như một định mệnh: năm 19 tuổi đi bộ đội đánh Pháp, năm 1949 nổi tiếng nhờ bài hát Có anh Ba Hưng và quen người vợ đầu tiên. 9 năm học tập ở miền Bắc rồi về Nam chiến đấu, cưới vợ lần 3 và chia tay đến ngày giải phóng gặp lại tròn 9 năm, lúc đó Ba Hưng cũng đúng 49 tuổi.

Lúc tôi chào chia tay vợ chồng ông, cô Sáu Hường cho biết: ông bà về đây 6 năm nay (trước ở P. Tân Hòa), cô từng là cán bộ phường đã nghỉ hưu, bán nhà về sống với vợ chồng con gái là bác sĩ Hồng Vân- Hữu Long vui vầy với hai cháu ngoại Hồng Loan và Hồng Anh. Với một đời đầy sóng gió và bao nỗi truân chuyên, bà Sáu Hương cứ lầm rầm khấn cầu những tháng ngày cuối đời của ông bà sẽ bình yên, ấm áp.

Đại tá Hứa Hòa Hưng sinh ra tại ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông, Giá Rai (Bạc Liêu), gia nhập bộ đội theo tiếng gọi Nam bộ kháng chiến. Đời ông ba lần cưới, hai lần bị giặp cướp mất vợ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.