Không có 'lợi ích nhóm' ở nhà máy nước sông Đuống?

Không có 'lợi ích nhóm' ở nhà máy nước sông Đuống?
TP - Chiều 15/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước Kỳ họp HĐND thành phố. Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề Nhà máy nước mặt sông Đuống, ông Chung cho biết, nhà máy này có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng.

Cụ thể, đó là một quỹ đầu tư của Oman, Cty Aqua One, 10% của Công ty nước sạch Hà Nội, 5% của một đơn vị khác. “Aqua One là chỗ chị Liên vừa qua báo chí phản ánh. Đây là công ty từng làm nhà máy to nhất miền Nam tại Long An. Thành phố cũng chọn những nhà đầu tư có năng lực. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây”, ông Chung nói.

Ông Chung cũng đưa ra thông tin vừa qua một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Cty nước mặt sông Đuống. “Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ”, ông Chung nói. Theo ông Chung chuyện các quỹ đầu tư mua bán là bình thường, nên khuyến khích chứ không có vấn đề gì.

Bên lề cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Đức Chung cũng trao đổi thêm với phóng viên báo chí về vấn đề này. "Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống cả. Và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ", ông Chung nói.

Theo ông Chung, về nguyên tắc, không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà kể cả nhà máy nước mặt sông Hồng, “khi người ta lập dự án” thì nhà nước cũng đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước. Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban ngành liên quan xây dựng báo cáo để thành phố xin ý kiến của Bộ Tài chính. 

 Thực tế giá 10.246 đồng/m3 nước chỉ là giá tạm tính để phục vụ cho nhà đầu tư lập dự án đầu tư. Còn sau này, khi dự án hoàn thành, có quyết toán công trình sẽ ra giá thành cụ thể. Khi nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành giai đoạn 1, thành phố giao cho Cty nước sạch Hà Nội phân phối nước cho họ trung bình từ 110.000 đến 120.000 m3 ngày đêm. Nước sông Đuống được Cty Nước sạch Hà Nội mua với giá 7.700 đồng/m3, và phân phối đến các hộ dân với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/m3. Giá này đảm bảo nguyên tắc giá mua không được cao hơn giá bán ra. 

Theo ông Chung, hiện nay, thành phố vẫn thống nhất giá bán theo quy định từ năm 2013, tức là với 10 m3 đầu, người dân vẫn chỉ trả hơn 5.000 đồng, còn 10 m3 tiếp theo cũng được lũy kế như quy định. Còn hiện nay, Cty nước sạch Hà Nội lấy lại của nhà máy nước mặt sông Đuống là 7.700 đồng/m3. Sau khi bán ra, thì Cty nước Hà Nội “lãi mấy trăm đồng/m3”. 

Khi được hỏi “Hà Nội đã sai khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp”, ông Chung cho rằng “đây là vấn đề mang tính chuyên môn, nên để tôi kiểm tra sẽ thông tin lại sau”.

MỚI - NÓNG