Vụ Đồng Tâm: Thượng tôn pháp luật và cuộc chiến với những kẻ mạo danh

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)
Mọi sự vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm, cản trở đơn vị quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi vụ gây rối xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Công an Thành phố Hà Nội, ngày 10/1, đã ra quyết định khởi tố vụ án về 3 tội danh "Giết người," "Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép" và "Chống người thi hành công vụ;" bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Dư luận bàng hoàng, căm phẫn và mong muốn các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm minh các đối tượng mạo danh “nhân dân” đã sát hại một cách dã man 3 chiến sỹ công an làm nhiệm vụ bảo vệ công trình xây dựng tường rào khu vực sân bay quân sự Miếu Môn và đảm an ninh trật tự xã hội, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân tại Đồng Tâm hôm 9/1 vừa qua.

Đây không phải là lần đầu các đối tượng này gây rối, biến Đồng Tâm trở thành điểm nóng về an ninh trật tự.

Tháng 3/2017, chính những đối tượng này đã kích động người dân tạo ra “tranh chấp” đất đai ở khu vực sân bay quân sự Miếu Môn, biến Đồng Tâm trở thành điểm “nóng” sau khi bắt giữ trái phép 38 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát đang thi hành công vụ.

Sau vụ việc, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã nỗ lực vào cuộc làm rõ, để giải quyết thấu đáo vụ việc. Tuy nhiên, trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý này, lại cũng chính những kẻ quá khích này lại tiếp tục coi thường pháp luật, sử dụng vũ khí để chống đối và sát hại người thi hành công vụ.

Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, quản lý và điều hành đất nước. Không một cá nhân hay tổ chức nào được cho mình quyền đứng trên pháp luật.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Bài 1: Thượng tôn pháp luật và cuộc chiến với những kẻ mạo danh

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn quán triệt tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật - một trong những công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước và xã hội.

Trong suốt quá trình lịch sử đất nước, tư tưởng đó luôn được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật.

Trong Hiến pháp 2013, ngay tại Điều 2 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.” Theo đó, Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật...

Bởi vậy, Nhà nước pháp quyền đặt ra nhiệm vụ phải có một hệ thống pháp luật cần và đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở cho sự tồn tại một trật tự pháp luật và kỷ luật.

Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là lối sống có trật tự và lành mạnh nhất của xã hội. Tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng

Trở lại vụ việc ở Đồng Tâm, theo Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, từ năm 1981 đến nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn có các mốc giới bêtông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9ha, tăng 28,9ha so với diện tích ghi trong Quyết định số 113/QĐ-TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ.

Phần đất tăng thêm chủ yếu do trừ đường giao thông chạy qua, do sai số đo đạc ở các thời điểm, không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Vụ Đồng Tâm: Thượng tôn pháp luật và cuộc chiến với những kẻ mạo danh ảnh 1 Vật liệu nổ các đối tượng dùng để chống đối lực lượng chức năng. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình, Bộ Tư lệnh Công binh đã nhận bàn giao, đền bù 236,9ha đất, trong đó có 64,66ha đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do 3 đơn vị bàn giao (Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 14,36ha, Xí nghiệp Vôi đá Miếu Môn 3ha và Nông trường quốc doanh Lương Mỹ 14,3ha).

Trong quá trình quản lý, các đơn vị quốc phòng (Bộ Tư lệnh Công binh năm 1981-1989, Lữ đoàn 28 Quân chủng Phòng không Không quân từ năm 1989 đến nay) đã cắm mốc giới bêtông cốt thép tại thực địa, lập các sơ đồ năm 1988, 1992 đã được các xã Trần Phú, Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) xác nhận không có tranh chấp, bản đồ hiện trạng sân bay Miếu Môn năm 2013 xây dựng các công trình phục vụ quốc phòng.

Tiếp đó, Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định: “Toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng.” Từ thời điểm Quyết định số 5383/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành vào ngày 20/10/2014 trở về trước, không có sự tranh chấp về diện tích đất tại sân bay Miếu Môn.

Mọi sự vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm, cản trở đơn vị quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Thanh tra Chính phủ đã phân tích kỹ lưỡng bản đồ đất đai khu vực sân bay Miếu Môn được xác lập năm 1992.

Ông Thanh cũng khẳng định thời điểm đó không có tranh chấp, những vi phạm đất đai đều xảy ra sau thời điểm này.

Theo quy định của pháp luật, những hộ dân không có quyền, lợi ích hợp pháp trong vùng đất thuộc sân bay Miếu Môn không có quyền khiếu nại kết luận của thanh tra vì không phải đối tượng của cuộc thanh tra.

Đối tượng của thanh tra là chính quyền các cấp của Hà Nội và các hộ sử dụng đất.

Văn bản, tài liệu thu thập được đã cho thấy toàn bộ diện tích đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, không phải là đất dân sự.

Vậy mà một số ít đối tượng coi thường pháp luật đã cố tình lấn chiếm đất quốc phòng, thậm chí còn đổi trắng thay đen, rêu rao “quân đội chiếm đất của dân” để làm mất an ninh, trật tự tại Đồng Tâm thời gian qua.

Cần nghiêm trị những kẻ mạo danh

Bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, đất nước do Nhân dân làm chủ, mọi chủ trương chính sách của Nhà nước được xây dựng và thực thi đều nhằm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của Nhân dân.

Thông qua nhiều kênh khác nhau, Nhà nước luôn tôn trọng và lắng nghe những ý kiến tâm huyết, xác đáng của Nhân dân. Người dân có quyền đóng góp ý kiến, thực thi quyền làm chủ của mình, đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề thiết thân đối với đời sống nhân dân.

Nhưng người dân cũng có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi Hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46, Hiến pháp 2013).

Trước một chủ trương, chính sách mới đề ra, dù đồng thuận hay chưa đồng thuận, người dân đều có quyền bày tỏ ý kiến, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm với đất nước, với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, không thể vì không đồng tình mà tự cho phép mình có hành vi đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí giết người dã man, bất chất luật pháp..., như một số đối tượng đã thực hiện ở Đồng Tâm thời gian qua.

Một điều vô lý là những đối tượng này không có quyền lợi hợp pháp và không đại diện cho những người có quyền lợi hợp pháp ở khu vực sân bay Miếu Môn. Vậy họ là ai, nhân danh ai và hành động với mục đích gì?

Đó chỉ có thể là những kẻ quá khích đeo tấm mặt nạ “dân chủ” để gây bất ổn, gây tổn hại cho Nhà nước và nhân dân.

Vụ Đồng Tâm: Thượng tôn pháp luật và cuộc chiến với những kẻ mạo danh ảnh 2 Đối tượng kích động vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cho công tác thi công, xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), sáng 9/1, khi nắm bắt thông tin về một nhóm đối tượng ở xã Đồng Tâm chuẩn bị nhiều vũ khí, vật liệu nổ, hung khí, để chống đối, tấn công, các lực lượng chức năng đã triển khai kế hoạch ngăn chặn, quyết không để các đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi manh động, gây ảnh hưởng an ninh, trật tự, nhất là sự bình yên, an toàn của cộng đồng dân cư.

Quá trình vừa vận động, thuyết phục, vừa kiên quyết trấn áp nhóm đối tượng hung hãn vốn đã lên kế hoạch giết người, Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh cùng 2 đồng đội là Trung úy Phạm Công Huy và Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân đã anh dũng hy sinh.

Vụ việc khiến tất cả những ai hay tin đều xót xa, căm phẫn. Những ngày này, trên các trang mạng xã hội, nhiều người vẫn chia sẻ tâm trạng đau đớn của vợ Trung úy Phạm Quốc Huy (sinh năm 1993) - một trong 3 chiến sỹ Công an hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm.

Đôi vợ chồng trẻ mới kết hôn cuối năm 2018 và có một bé gái vừa tròn 6 tháng tuổi. Nhận tin dữ, người vợ trẻ đã quỵ xuống, nghẹn ngào: "Sao lại là anh?..."

Còn con trai lớn của Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (đang học năm thứ 2 Đại học Giao thông Vận tải) chia sẻ trong nước mắt: “Bố từng hỏi ước mơ của con là gì? Con nói con muốn là chiến sỹ Công an như bố, nhưng con chưa đủ sức học để vào ngành. Con sẽ mãi tự hào về bố. Đó sẽ là động lực để con cố gắng hết sức để trưởng thành, để thay bố là chỗ dựa của mẹ, của em gái...”

Đau xót khôn cùng, khi không phải trên chiến trường mà ngay giữa thời bình, các chiến sỹ Công an nhân dân đã bị sát hại khi làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Sự hy sinh của các anh là sự mất mát của Tổ quốc, nhân dân, của ngành Công an và gia đình. Mất mát này là không gì bù đắp được.

Các anh và đồng đội của các anh đã thể hiện tinh thần quả cảm của người chiến sỹ Công an, những người đã và đang mang hết tinh thần và trí tuệ để đấu tranh với tội phạm, hoàn thành nghĩa vụ cao cả mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao phó.

Chính sự hy sinh của các anh đã giúp người dân một lần nữa thấy được bộ mặt thật của những đối tượng vi phạm pháp luật trắng trợn nhưng lại mang tấm mặt nạ “dân chủ” để tiếp tay cho thế lực thù địch nhằm phá hoại sự bình yên và phát triển của đất nước.

Theo Theo TTXVN/Vietnam+
MỚI - NÓNG