“Nhọc nhằn” giáo viên thi để thăng hạng

Nhiều thầy cô ở Thanh Hóa lo lắng khi tham gia thăng hạng giáo viên. Trong ảnh là 1 lớp học tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa
Nhiều thầy cô ở Thanh Hóa lo lắng khi tham gia thăng hạng giáo viên. Trong ảnh là 1 lớp học tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa
TP - Mặc dù, không bắt buộc giáo viên tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi (tăng bậc lương, tăng hệ số lương tối thiểu và tối đa...), giáo viên đều “đua nhau” tham gia xét thăng hạng. 

Để thăng hạng, giáo viên phải dự thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Trong đó, môn ngoại ngữ sẽ kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ tương đương với khung 6 bậc của Bộ GD&ĐT ban hành. Giáo viên muốn thi từ hạng IV lên hạng III, hoặc từ hạng III lên hạng II phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 2 (A2), thi thăng hạng II lên hạng I phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 3 (B1).

Cô giáo L.T.T., giáo viên trên địa bàn huyện Lang Chánh cho biết: Việc đăng ký học chứng chỉ tin học và ngoại ngữ còn chưa thống nhất, mỗi trung tâm có giá học phí khác nhau. Cùng thi chứng chỉ A2, tôi nộp học phí 4 triệu đồng, nhưng nhiều thầy cô lại phải nộp 4,5 - 5 triệu đồng. Cũng từ nhu cầu học, thi chứng chỉ để đủ điều kiện xét thăng hạng mà giáo viên phải chi cho nhiều dịch vụ khác “ăn theo” để hỗ trợ thi đạt yêu cầu.

Nhiều giáo viên đã ra trường gần 20 năm, kỹ năng tiếng Anh nhiều năm không sử dụng đến. Nay đi học chỉ trong thời gian ngắn mà thi theo khung Châu Âu là vô cùng khó, chưa kể đến những giáo viên đã nhiều tuổi. Nếu thi nghiêm túc, số người vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, khi giáo viên đăng ký học và thi ở các trung tâm đều ngầm có bao gồm phí “chống trượt” - một thầy giáo ở huyện Hoằng Hóa chia sẻ.

Cũng theo nhiều giáo viên, để đủ điều kiện xét thăng hạng, giáo viên cũng khá tốn kém cho việc học nâng cao trình độ, ngoại ngữ, tin học... Riêng tiền nộp học, chi phí đi lại, ăn ở (đặc biệt là giáo viên miền núi xuống thành phố học) cũng mất từ 15 triệu đồng trở lên. Thế nhưng, khi đủ điều kiện xét, nhiều giáo viên vẫn chưa chắc đã được thăng hạng do phụ thuộc chỉ tiêu thăng hạng của từng trường.

Việc thăng hạng gắn liền với lương và thu nhập nên khá quan trọng với giáo viên. Cùng trong một trường nhưng người có tuổi nghề 5 năm được thăng hạng sẽ có mức lương cao hơn những người có thâm niên công tác hơn 20 năm. Cũng vì vậy mà giáo viên “đua nhau” đăng ký học thi để xét thăng hạng.

Cuối năm 2018, Thanh Hóa mới có đợt thi thăng hạng đầu tiên cho giáo viên THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức. Mới đây, ngày 16/4, UBND tỉnh có kế hoạch tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS công lập năm 2019.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hoá cho biết: Vì lợi ích nên dù không bắt buộc nhưng nhiều giáo viên vẫn muốn tham gia xét thăng hạng. 

MỚI - NÓNG