Thi như hiện nay là lạc hậu lắm rồi

Thí sinh tự tin sau khi thi xong môn Toán tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019Ảnh: Ngọc châu
Thí sinh tự tin sau khi thi xong môn Toán tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019Ảnh: Ngọc châu
TP - Sáng 25/9, Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nghe, thảo luận về dự kiến phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020 của Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia đều cho rằng, cần sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào thi THPT quốc gia và xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.

Thi như hiện nay là lạc hậu

Trình bày phương án thi sau năm 2020 với Hội đồng quốc gia, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, từ năm 2021 trở đi, dự kiến học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được hiệu trưởng trường THPT (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Nếu em nào có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Về phương thức, kỳ thi vẫn được tổ chức thi trên giấy như hiện nay. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập, đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Về lộ trình triển khai, ông Trinh cho biết, sẽ có 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi, đặc biệt là thi trên máy tính. Ở giai đoạn sau năm 2025, tiếp tục ổn định kỳ thi cho học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

“Tinh thần là phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không có chuyện học sinh chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng lại thi trên loại máy tính khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

Tuy nhiên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên phương án thi THPT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên giấy như hiện nay là quá lạc hậu so với thế giới. Theo GS Dong, nền giáo dục số hóa, mang tính mở thì nhà trường thông minh cần có hình thức tổ chức thi tương ứng. Cần kết thúc vai trò lịch sử của kỳ thi như hiện nay trước năm 2021.

Thi như hiện nay là lạc hậu lắm rồi ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

Khẩn trương chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi

Tại cuộc họp, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhấn mạnh, chương trình này chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, việc hoàn thiện kỳ thi THPT hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi. Nếu vẫn thi như hiện nay, GS Thuyết lo ngại sẽ xảy ra tình trạng giáo viên cắt bớt chương trình để tổ chức ôn luyện bên ngoài nhà trường.

Về thi trên máy tính, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, cần phải tính toán điều kiện giữa các vùng miền. “Mấy năm nay, chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều vào kỳ thi nhưng không nên duy ý chí, bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh”, ông Dũng góp ý.

Lắng nghe các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, cầu thị để chuẩn bị cho phương án thi THPT sau năm 2020 một cách căn cơ, có lộ trình chắc chắn.

“Hình thức thi THPT trong những năm tới cần tiếp tục hoàn thiện, áp dụng công nghệ để bảo đảm chất lượng, kết quả công bằng, khách quan. Bộ GD&ĐT sẽ từng bước triển khai hình thức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục chuẩn hoá và mở rộng ngân hàng đề thi. Quan trọng nhất vẫn là năng lực, đội ngũ cán bộ khảo thí, lực lượng giáo viên phải được kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng toàn diện. Máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc xây dựng phương án thi THPT sau năm 2020 chắc chắn nhưng phải rất tích cực, khẩn trương. Bộ GD&ĐT cần làm rõ phương án cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo phổ thông cho học sinh; phân định hình thức thi trên máy tính trong kỳ thi THPT quốc gia với hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức thi nhiều lần trong năm.

“Tinh thần là phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh, không có chuyện học sinh chưa quen với máy tính lại phải thi máy tính hoặc hay dùng loại máy tính này nhưng lại thi trên loại máy tính khác”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hoá, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính. Sau cuộc họp hôm nay, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có các cuộc làm việc, tham khảo, tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng phương án và phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Chính phủ”.

MỚI - NÓNG