Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng

TPO - Sáu đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019: Giáo sư tập sự.TS. Đinh Ngọc Thạnh, TS.Trần Phương Thảo, Thiếu tá Trần Văn Phương, Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng, Võ Văn Đồng và Võ Minh Quang đã có những chia sẻ về sự nghiệp, về những thành công cũng như thất bại, về cuộc sống bản thân trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tiền Phong xoay quanh chủ đề: "Những người Việt trẻ truyền cảm hứng".
Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 1
 

Trước đó, Hội đồng xét chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đã tổ chức họp lần thứ I vào ngày 06/02/2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019. Trên cơ sở thảo luận, đánh giá của các thành viên, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 đã tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn ra 20 đề cử thuộc 9 lĩnh vực (lĩnh vực Quản lý Hành chính không có đề cử nào được chọn) vào bình chọn thứ hai – vòng bình chọn trực tuyến Giải thưởng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.

Giao lưu trực tuyến GMT

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

03/03/2020 13:56

Năm 2019, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam – đơn vị được T.Ư Đoàn giao làm thường trực Giải thưởng nhận được 137 hồ sơ hợp lệ từ 39 đơn vị gửi về. Trong 137 đề cử có 100 nam, 37 nữ; dân tộc thiểu số: 8; học hàm cao nhất: Giáo sư tập sự (1); Phó Giáo sư (2); học vị cao nhất: Tiến sĩ (12), Thạc sĩ (2); nhiều tuổi nhất: 35 tuổi (9 đề cử); nhỏ tuổi nhất: 12 tuổi (2 đề cử).137 đề cử thuộc 10 lĩnh vực: Học tập; nghiên cứu khoa học – Sáng tạo; Lao động sản xuất; Kinh doanh – khởi nghiệp; Quốc phòng; An ninh trật tự; Thể dục thể thao; Văn hóa nghệ thuật; Hoạt động xã hội; Quản lý hành chính nhà nước.

03/03/2020 13:56

Ngày 06/02/2020, Hội đồng xét chọn Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 đã tổ chức họp lần thứ nhất nhằm thảo luận, đánh giá, thẩm định, phân tích từng bộ hồ sơ của các đề cử, và đã tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn ra 20 đề cử thuộc 9 lĩnh vực (lĩnh vực Quản lý Hành chính Nhà nước không có đề cử) vào vòng bình chọn trực tuyến.

03/03/2020 14:01

Đúng 14h, buổi giao lưu trực tuyến giữa sáu đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 với bạn đọc báo Tiền Phong bắt đầu.

03/03/2020 14:02

Em rất ngưỡng mộ nhà khoa học nữ như chị khi sở hữu hàng chục công trình nghiên cứu, bài báo khoa học. Chị đã nỗ lực, làm việc như thế nào ạ? (Vũ Thị Thảo Hiền, Sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế)

TS. Trần Phương Thảo: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Mình luôn cảm thấy được làm công việc mình yêu thích là một điều may mắn và tuyệt vời. Chính vì vậy mình luôn cố gắng hết mình, dành thời gian và tâm huyết cho công việc mà mình đang theo đuổi.

03/03/2020 14:06

Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên bước chân vào tàu ngầm được mệnh danh là “Hố đen đại dương”? (Võ Minh Tuấn, Sinh viên khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Trước khi chia sẻ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên bước chân vào tàu ngầm được mệnh danh là “hố đen đại dương” thì ngay từ khi còn là học viên Học viện Hải quân, được tuyên truyền, khám phá về tàu ngầm qua những thước phim tư liệu, tò mò về cuộc sống, công việc của thủy thủ đoàn dưới tàu ngầm, bản thân tôi đã nuôi ước mơ một ngày nào đó bản thân mình được trở thành một thủy thủ tàu ngầm thực thụ.

Và mơ ước của tôi đã trở thành hiện thực khi năm 2009 tốt nghiệp Học viện Hải quân, tham gia tuyển chọn đầu vào lực lượng tàu ngầm Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đến tháng 7/2012 tôi tham gia Kíp tàu ngầm số 3, sau gần hai năm huấn luyện trong nước và tại Liên bang Nga.

Lần đầu tiên được thực tập trên chính con tàu của mình, bản thân tôi thực sự choáng ngợp trước sự hiện đại, số lượng các trang bị kỹ thuật với rất nhiều máy móc, thiết bị có hàm lượng công nghệ rất cao, để vận hành tàu ngầm đòi hỏi sự hoàn hảo, ăn khớp, nhịp nhàng trong từng thao tác của tất cả thủy thủ đoàn, mọi thứ trước mắt tôi đều rất mới mẻ, rất xa lạ, vì trước đây trong suy nghĩ của tôi, chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được làm việc trên con tàu ngầm hiện đại như thế này.

Sau đó là suy nghĩ để làm sao để chỉ huy Kíp tàu tiếp nhận, khai thác, quản lý, vận hành “cỗ máy” hiện đại này; bằng sự quyết tâm nỗ lực của bản thân và sự đoàn kết của toàn bộ Kíp tàu, sau một thời gian ngắn, mọi mới mẻ, xa lạ về tàu ngầm đã trở thành ký ức, chúng tôi đã tự tin trong vận hành và điều khiển tàu ngầm đi biển, với nhiều hình thức chiến thuật và nhiều độ sâu khác nhau trong lòng biển được thủy thủ đoàn chúng tôi chinh phục.

Vì vậy có thể nói với bất kỳ ai lần đầu tiên tiếp xúc với tàu ngầm chắc cũng sẽ có cảm giác như bản thân tôi.

03/03/2020 14:09

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 2 Thiếu tá Trần Văn Phương huấn luyện sử dụng trang bị mô phỏng đấu tranh chống chìm. Ảnh: NVCC

03/03/2020 14:10

Được gọi là “cây sáng kiến”, vậy hiện nay đã có bao nhiêu sáng kiến, việc thực hiện các ý tưởng với anh có dễ dàng không? (Vũ Văn Đồng, Đại học Thái Nguyên)

Võ Văn Đồng: Nói về các sáng kiến, các giải pháp hay là các ý tưởng trong công việc hiện tại của mình nói riêng hay trong cuộc sống nói chung thì mình cũng không nhớ con số chính xác là có bao nhiêu. Và trong thực tế thì việc đưa ra các giải pháp đều phải xuất phát từ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong công việc mà chúng ta cần phải giải quyết, phải cải thiện để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Việc thực hiện các ý tưởng nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên có lúc thì có thể thực hiện được ngay, nhưng cũng có lúc phải trải qua thờ gian dài cũng như trải qua nhiều lần thất bại.

03/03/2020 14:10

03/03/2020 14:14

Được biết, anh tham gia nhiều chuyến đi công tác giúp đỡ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, chuyến đi nào đáng nhớ nhất với anh? (Minh Tâm, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM)

Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng: Với đặc thù là đơn vị chủ lực, huấn luyện và SSCĐ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt. Công tác giúp dân khắc phục thiên tai, lũ lụt, cháy rừng được xem như là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của đơn vị. Bản thân và đơn vị đã cơ động thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau.

Kỷ niệm trong lần thực hiện nhiệm vụ mà tôi ấn tượng nhất đó là ngày 25 tháng 5 năm 2017. Lúc đó khoảng hơn 12 giờ trưa, đơn vị mới đi ăn cơm trưa về thì nhận được lệnh của chỉ huy Trung đoàn, Tiểu đoàn điều động Đại đội chúng tôi cơ động đi chữa cháy rừng phòng hộ trên địa bàn xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cách vị trí đống quân trên 30 km. Nhận được lệnh là chúng tôi gấp rút chuẩn bị và lên đường ngay.

Xuống đến nơi lửa đã cháy lan ra rất rộng, cũng có bà con và nhân dân trên địa bàn tham gia dập lửa nhưng gió lớn, tốc độ cháy ngày càng nhanh và đám cháy ngày càng rộng hơn; bà con ai nấy đều thấm mệt, đồi núi cao nên không có nước, máy móc để dập lửa. Thấy tình hết sức gấp rút nếu dập lửa trực tiếp thì không thể, mọi người gần như bất lực.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi đã tham mưu với đồng chí Đại đội trưởng, báo cáo chỉ huy cấp trên phải sử dụng máy cưa và huy động toàn bộ dao, rựa chủ động cắt cây đón trước đám cháy, phát quang đường biên để cô lập đám cháy.

Ngay lập tức được chỉ huy đồng ý và nhanh chóng triển khai giao cho tôi phụ trách trên một hướng và tôi đã chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các hướng khác cũng phương pháp tương tự và đám cháy ngay lập tức được khống chế; mặc dù rất mệt nhưng ai nẫy cũng vui mừng.

Lúc này cũng đã hơn 16 giờ. Khi chúng tôi chuẩn bị lên xe về đơn vị thì tôi nhìn thấy cách vị trí chúng tôi chừng 700m có một đóm lửa đang bừng cháy; do đóm lửa chưa tàn trước đó bén vào bát nhựa thông, gặp gió nên đã bén lửa. Nguy cơ ngọn lửa cháy lan ra rất lớn. Nhìn xung quanh thấy ai cũng đã kiệt sức. Bà con thì đã về gần hết.

Tình thế nguy cấp, không thể do dự, tôi đã nhanh chóng xuống xe một mình lao về nơi ngọn lựa, dập tắt hoàn toàn. Sau đó quay lại xe để về đơn vị. Lên đến xe tôi đã lịm người đi vì mệt và khát nước. Được anh em giúp đỡ nên tôi đã dần lấy lại sức và khỏe lại.Đây là ấn tượng nhất trong lần công tác của tôi.

03/03/2020 14:15

03/03/2020 14:16

Anh Thạnh ơi, ở Hàn Quốc đang trở thành điểm nóng về dịch Covid-19, bản thân anh có bị ảnh hưởng gì không? Anh có sự kết nối với với bạn trẻ Việt Nam ở bên đó không, và có hoạt động gì chung tay phòng chống dịch Covid-19 không? (Vũ Thị Thanh Nga, Sinh viên Đại học Hà Nội)

GS tập sự.TS Đinh Ngọc Thạnh: Cảm ơn bạn đã quan tâm. Mình và gia đình đã tạm thời ở nơi an toàn ngoài Hàn Quốc từ trước khi dịch xảy ra. Mình tạm thời sẽ làm việc từ xa cho tới khi dịch được kiểm soát mới quay về Hàn Quốc.

Các đoàn hội người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều hoạt động chung tay chống dịch từ cung cấp thông tin cần thiết để nâng cao nhận thức và cách phòng tránh, tới việc quyên góp quỹ hỗ trợ chung tay chống dịch cho những trường hợp cần thiết.

03/03/2020 14:17

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 5 GS tập sự.TS Đinh Ngọc Thạnh. Ảnh: NVCC

03/03/2020 14:19

Trong bảng thành tích rất dài về âm nhạc của Quang, giải thưởng nào là ấn tượng nhất với bạn? (LyNguyenHung89@gmail.com)

Võ Minh Quang: Dạ, có lẽ là cuộc thi piano tại Malaysia tháng 9 vừa rồi ạ. Em đã có khá ít thời gian chuẩn bị bài vì trong gần 3 tháng hè vừa qua em vừa tham gia biểu diễn trong một số chương trình tại Việt Thương, vừa tham gia biểu diễn solo và đệm hát trong chương trình thiện nguyện Hát cùng những niềm vui mùa thứ 4 vào tháng 07, tham gia thi bảng 18-24 tuổi cuộc thi Chopin tại Thailand giữa tháng 07, ở Thailand về 2 ngày sau em lại thi Diploma LTCL của Trinity (Anh), sau đó em làm pianist đệm cho 1 đêm nhạc Opera vào tháng 8, thi vòng loại cuộc thi tại Malaysia, thi Diploma LMuSa của AMEB (Úc) vào đầu tháng 8.

Từ lúc mẹ em quyết định nộp lệ phí, đăng ký thi rồi nhờ thầy em chuẩn bị thi cho đến lúc em ngồi lên đàn thi là 1 tháng 8 ngày mà em chuẩn bị 2 bộ bài thi để thi 2 bảng solo 1bài Concerto là bài mới tinh để thi bảng Concerto trong khi em cũng vừa bắt đầu năm học mới tại cả 2 trường.

Cũng thật may mắn dưới sự tận tình chăm chút, khích lệ của bà, của mẹ, sự rèn rũa kỹ càng của thầy emem đã giành cả 3 chiếc cúp trong cả 3 bảng em tham dự trong đó có chiếc cúp vàng và tiền thưởng cho giải nhất bảng Concerto, giải nhì bảng solo dành cho nghệ sỹ trẻ từ 18-29 tuổi, em đã được biểu diễn với dàn nhạc Klpacorchestra - Kula Lumpurtrong đêm trao giải Gala Concert.

Đây là lần đầu tiên em được biểu diễn với dàn nhạc cộng với tất cả các cuộc thi, chứng chỉ em thi trước đó em đều đã đạt giải nhất hoặc đạt xuất sắc nên em thấy rất là vui, thấy mình thật hạnh phúc và may mắn ạ.

03/03/2020 14:19

03/03/2020 14:20

Làm khoa học đã vất vả rồi nhưng nữ làm khoa học chị thấy bị thiệt thòi nhiều không, phải nỗ lực nhiều hơn nam giới không? Em cũng là nữ muốn đi theo con đường nghiên cứu khoa học, chị có thể cho em xin lời khuyên được không? (levuthanh_thuy34@gmail.com)

TS.Trần Phương Thảo: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Theo mình nghĩ đã làm khoa học thì dù là nữ hay nam cũng sẽ phải nỗ lực để có thể đạt được kết quả như mong muốn. Cá nhân mình nhận thấy, có rất nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tôn vinh nữ giới làm khoa học (như giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng L’Oreal – Unesco for women in science, …).

Đó là sự động viên, khích lệ và may mắn của nữ làm khoa học. Nếu bạn là nữ và bạn mơ ước đi theo con đường nghiên cứu khoa học, mình mong bạn sẽ luôn giữ nhiệt huyết đam mê, có thể trên con đường đi có những thất bại, nhưng thất bại là mẹ thành công, mỗi lần đứng dậy từ thất bại bạn sẽ thấy niềm vui được nhân lên rất nhiều.

03/03/2020 14:22

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 7TS. Trần Phương Thảo. Ảnh: NVCC

03/03/2020 14:24

Em đọc được thông tin, hiện chị chủ trì 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước (NAFOSTED) giai đoạn 2017-2020 đang thực hiện vượt tiến độ về chữa trị bệnh ung thư. Trong đề tài nghiên cứu này, TS. Thảo và cộng sự đặt ra mục tiêu sẽ tìm ra những chất mới hoạt hóa enzym caspases, qua đó góp phần thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư. Chữa trị ung thư là vấn đề mọi người rất quan tâm, chị có thể cho biết hiện nay đề tài này đã được triển khai thế nào, mục tiêu tìm ra những chất mới hoạt hóa enzym caspases, qua đó góp phần thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của các tế bào ung thư đã thực hiện được chưa? (Trần Tiến Phương, Đại học Bách khoa TPHCM)

TS.Trần Phương Thảo: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Mình cũng rất vui mừng vì đã hoàn thành vượt tiến độ (hoàn thành trước 1 năm (đề tài đăng ký 36 tháng, mình mới nhận giấy chứng nhận hoàn hành đề tài tuần trước, kết quả đề tài được đánh giá cao). Với việc hoàn thành đề tài mình cũng nhóm nghiên cứu có tìm ra được một số chất tiềm năng hoạt hóa enzym caspases hướng thúc đẩy chu trình chết tự nhiên của tế bào ung thư (kết quả trên in vitro).

Cùng với nhóm nghiên cứu, mình mong muốn tiếp tục phát triển hơn nữa các chất có tiềm năng trong đề tài (hướng thử nghiệm in vivo), đồng thời có thể tìm ra các hướng nghiên cứu khác triển vọng trong chữa trị bệnh ung thư.

03/03/2020 14:27

Trên cương vị Đại đội trưởng, anh làm thế nào để truyền lửa nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng cống hiến đến anh em trong đơn vị? (hoanglong_90@gmail.com)

Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng: Phương châm làm việc của tôi luôn đặt chữ Tâm và chữ Tín lên hàng đầu.

Chữ Tâm ở đây nghĩa là khi làm việc tôi phát huy được dân chủ, công tâm, công bằng khi triển khai thực hiện. Bản thân bám sát theo nguyên tắc nhưng không máy móc quan liêu, luôn quan tâm, gần gũi có tình thương với cấp dưới coi cấp dưới như là em của mình vậy; luôntâm huyết tận tụy với công việc, không vụ lợi, ích kỉ cá nhân, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích riêng của mình, tôi luôn tâm niệm; thành quả nào cũng là là công sức của tập thể. Thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Phải thực sự quan tâm đến sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần của anh em đặc biệt khi anh em cần đến mình

Chữ Tín ở đây chính là lòng tin, uy tín mà cấp dưới dành cho mình, tôi luôn cố gắng xây dựng cho mình tác phong nói phải đi đôi với làm.Bản thân không tranh công đổ lỗi với cấp dưới và đồng đội.

Đối với những nhiệm vụ khó khăn vất vả tôi luôn là người nói trước, làm đầu và làm cùng với bộ đội, quyết liệt và hiệu quả phải đi đến đích cuối cùng; để anh em cấp dưới thấy rằng cấp trên và cấp dưới đều là quân nhân và đều được tôn trọng như nhau và nhiệm vụ đặt ra là không những hoàn thành mà phải hoàn thành xuất sắc. Từ đó anh em sẽ tự giác, trách nhiệm trong mỗi nhiệm vụ được giao.

03/03/2020 14:29

Chìa khóa thành công trong công việc của anh là gì? (danghai_yen_1979@gmail.com)

Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nhận thấy rằng những gì mình đạt được cho tới lúc này chưa phải đã là thành công; so với mọi người mình còn quá khiêm tốn và nhỏbé,còn phải cố gắng hơn rất nhiều. Nhưng động lực để tôi luôn cố gắng để đạt được kết quả đó là:

- Dù trong mọi hoàn cảnh như thế nào tôi không cho phép mình đánh mất niềm tinvà luôn giữ ngọn lửa đam mê.

- Tôi luôn ý thức được rằng muốn làm đúng phải bám sát nguyên tắc để làm việc đó là cái bắt buộc nhưng muốn phát triển thì phải không ngừng sáng tạovà  khác biệt. Trong đơn vị mọi người thường hay gọi tôi với biệt danh ví von là “cây sáng kiến”, sáng kiến cải tiến khắc phục khó khăn trong huấn luyện cũng có thể coi là sự khác biệt mà tôi đã làm được cho tới nay.

-Tôi luôn đặt cho mình mục tiêu thực tế để phấn đấu; không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được, để ngủ quên trên chiến thắng cả. Bản thân rất tâm đắc với câu nói: Phía sau của mỗi thành công luôn có bóng dáng của người lao động.

03/03/2020 14:29

03/03/2020 14:49

Trở thành thủy thủ tàu ngầm Kilo là ước mơ, mục tiêu của anh hay cơ duyên đưa anh đến công việc này vậy? (Trần Quang Hiếu, Học viện Hải quân)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Tôi nghĩ rằng trở thành thủy thủ tàu ngầm chính là cơ duyên gắn kết tôi với công việc này. Vì lý do rất đơn giản nhưng cũng rất hợp lý; bản thân tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương của vị Đại tướng, một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Lệ Thủy, Quảng Bình, trong một gia đình có bố là Sĩ quan tốt nghiệp Học viện Hải quân Baku, Liên Xô, mẹ là giáo viên dạy văn.

Bản thân luôn được gia đình và nhà trường giáo dục về tình yêu quê hương, yêu biển, đảo của Tổ quốc. Ngay từ khi còn nhỏ tôi luôn mơ ước được trở thành người sĩ quan Hải quân. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tháng 9/2004, tôi thi đậu và trở thành học viên của Học viện Hải quân.

 Đến tháng 12/2009 tốt nghiệp Khóa 49 Học viện Hải quân với quân hàm trung úy, tôi tình nguyện ở lại Học viện gần 1 tháng để tham gia khám và giám định sức khỏe cho lực lượng tàu ngầm. Lúc này bản thân chưa hình dung được trở thành người cán bộ làm việc trên con tàu ngầm là như thế nào, chỉ biết đó là mơ ước và là động lực thôi thúc tôi. Và tôi là 1 trong 30 đồng chí cuả gần 300 học viện cả khóa đủ tiêu chuẩn trở thành thủy thủ tàu ngầm.

 Sau đó được tuyển chọn, tham gia huấn luyện, tiếp nhận tàu ngầm tại LBN, ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực và cho đến bây giờ qua 16 năm quân ngũ, tôi vẫn tự hào nhận thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt của mình.

03/03/2020 14:50

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 9Thiếu tá Trần Văn Phương huấn luyện thực hành cho bộ đội. Ảnh: NVCC

03/03/2020 14:51

Trong quá trình học tập, huấn luyện để trở thành thủy thủ tàu ngầm, và bây giờ là phó thuyền trưởng tàu ngầm 186, anh đã gặp những khó khăn, thử thách gì, có khi nào muốn bỏ cuộc? (hoanghoa34@gmail.com)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Trong quá trình học tập, huấn luyện để trở thành thủy thủ tàu ngầm, và bây giờ là phó thuyền trưởng tàu ngầm 186, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và của lực lượng, bản thân tôi được tạo điều kiện rất nhiều trong công việc cũng như hậu phương gia đình, tuy nhiên trong quá trình học tập, công tác bản thân đã gặp những khó khăn, thử thách, nhưng chưa bao giờ bản thân có ý muốn bỏ cuộc.

 Tôi vẫn nhớ tháng 9/2004, tôi thi đậu và trở thành học viên của Học viện Hải quân, tôi đã đạt được một phần mơ ước là được trở thành sĩ quan Hải quân như bố của mình. Ước mơ của tôi đã trở thành sự thật song niềm vui chưa lâu, thì cũng trong thời gian này, bố tôi qua đời do mắc bệnh nặng, để lại nỗi mất mát lớn cho gia đình. Vượt lên với chính mình, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng hết sức trong học tập, rèn luyện.

Tháng 10/2012, trước yêu cầu chuẩn bị cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm cấp chiến dịch của Hải quân nhân dân Việt Nam, tôi được lựa chọn vào Kíp tàu ngầm số 3/Lữ đoàn 189. Nhận thức sâu sắc rằng trở thành thủy thủ tàu ngầm Kilo là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là thử thách lớn của bản thân.

Trở lại nước Nga với nhiệm vụ mới không kém phần nặng nề, vất vả. Ngoài việc tự rèn luyện sức khỏe, còn phải tiếp thu lượng lớn kiến thức về chuyên ngành tàu ngầm. Tất cả với chúng tôi, tàu ngầm lúc này còn rất mới mẻ và lạ lẫm, chưa một ai trong kíp tàu có kinh nghiệm về vấn đề này, bên cạnh đó ngoại ngữ cũng là một trở ngại lớn trong tiếp thu kiến thức về tàu ngầm, tuy nhiên với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, chủ động học hỏi của mình, qua từng chuyến đi biển, những hạn chế được chuyên gia chỉ ra, bản thân tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và tìm ra biện pháp khắc phục. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tôi cùng đồng đội kết thúc khóa huấn luyện chuyển giao với kết quả tốt; đủ khả năng độc lập khai thác trang bị, được chuyên gia Nga đánh giá cao.

Có thể nói vinh dự lớn, trách nhiệm cao, khó khăn, vất vả cũng không ít nhưng tôi đã vượt lên tất cả để làm chủ tàu ngầm, làm chủ lòng đại dương và trong suy nghĩ của mình, bản thân tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc, vẫn muốn tiếp tục cống hiến lâu dài, chuyên nghiệp trong lực lượng.

03/03/2020 14:53

Anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng làm lợi cho công ty 30 tỷ đồng? (Lê Vũ Thanh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội)

Võ Văn Đồng: Ý tưởng đó của mình xuất phát từ việc giá trị của từng chủng loại nhiên liệu cũng như tình trạng tiêu hao còn ở mức cao so với định mức thì mình đã tìm hiểu các tài liệu liên quan cũng như nghiên cứu điều kiện thực tại để đưa ra các hình thức thay đổi chủng loại hợp lý hơn, mục đích để giảm được tiêu hao và phải đảm bảo giá thành sản xuất thấp hơn so với trước khi thực hiện ý tưởng.

03/03/2020 14:53

 Động lực nào để anh cho ra đời nhiều sáng kiến vậy? (le_thanh_tam@gmail.com)

Võ Văn Đồng: Thực sự mà nói thì việc đưa ra các ý tưởng đều xuất phát từ các hoàn cảnh thực tế, các khó khăn tồn tại trong sản xuất từ đó thúc đẩy việc phải tìm giải pháp làm sao để tháo gỡ để mang lại hiệu quả tốt hơn, hợp lý hơn. Ngoài ra việc nhận được sự ủng hộ của cấp trên cũng như của các đồng nghiệp cũng làm một phần động lực để mình mày mò nghiên cứu.

03/03/2020 14:54

Được anh từng chinh phục học bổng toàn phần các khóa học thạc sỹ, tiến sĩ tại đại học Soongsil, Hàn Quốc, đại học công nghệ Hoàng Gia Melbourne, Úc. Anh có thể chia sẻ thêm quá trình anh chinh phục học bổng này như thế nào không? (lemai6789@gmail.com)

GS tập sự. TS Đinh Ngọc Thạnh: Chinh phục bất cứ học bổng nào cũng thường gồm 2 quá trình. Quá trình đầu tiên là quá trình tích lũy. Tích lũy ở đây thường là vốn điểm, vốn kinh nghiệm, và ngoại ngữ. Khi xác định xin học bổng thì mình cần tích lũy được một bảng điểm khá một chút, có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu liên quan và quan trọng là phải có khả năng ngoại ngữ sử dụng tốt. Cả ba yếu tố trong quá trình đầu tiên thường được tích lũy song song.

Ví dụ như, trong thời gian học đại học thì ngoài lo học và thực hành kiến thức chuyên ngành, mình cũng chú trọng tới phát triển khả năng ngoại ngữ cho bản thân. Ngoại ngữ thực sự rất quan trọng trong việc xin học bổng. Một bạn sinh viên với học lực khá giỏi và ngoại ngữ tốt sẽ dễ xin được học bổng hơn một bạn sinh viên với học lực chuyên ngành xuất sắc nhưng ngoại ngữ chưa tốt.

Quá trình thứ hai là quá trình xin học bổng. Với những tích lũy mình đã có được, mình cần trình bày để mọi người dễ nhận ra những điểm mạnh, điểm phù hợp với học bổng thông qua CV hay phỏng vấn. Nếu có thể, hãy giữ kết nối với các giáo sư cùng chuyên ngành mà mình có cơ hội tiếp xúc. Khi mình xin học bổng tiến sĩ, mình đã thử sức chinh phục học bổng ở khá nhiều nơi như Úc, Đức, Thụy Sĩ, và Mỹ.

Hầu hết mình đều thành công. Một trong những điểm cộng lớn của mình là có một giáo sư khá nổi tiếng trong ngành viết thư giới thiệu cho mình. Từ kinh nghiệm bản thân, mình nhận thấy mạng lưới kết nối với mọi người thực sự rất quan trọng trong việc xin học bổng.

03/03/2020 14:56

Khi học, làm việc trong môi trường nước ngoài, anh thấy trình độ, vị trí người Việt Nam mình thế nào so với bạn bè quốc tế? Anh có bao giờ tự ti vì mình đến từ một nước nhỏ, còn nghèo? (trannguyen98@yahoo.com)

GS tập sự, TS. Đinh Ngọc Thạnh: Trong các môi trường học tập và làm việc mà mình có cơ hội tiếp xúc, mình thấy rằng trình độ của người Việt Nam cũng không thua kém so với các bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, mình thấy rằng, kĩ năng làm việc nhóm của người Việt Nam mình còn nhiều hạn chế. Mình thì không thấy tự ti vì mình đến từ một nước nhỏ, còn nghèo. Nước nào cũng có thời kì như thế cả.

03/03/2020 14:57

Năm nay Quang mới 14 tuổi nhưng đã sở hữu thành tích âm nhạc đáng ngưỡng mộ, vậy cuộc thi nước ngoài đầu tiên bạn tham gia lúc bạn bao nhiêu tuổi, có gặp khó khăn gì không, thành tích đạt được như thế nào? (Nguyễn Thanh Tùng, Nhạc viện Hà Nội).

Võ Minh Quang: Thailand 5th Mozart International Piano Competition tại Bangkok Thái Lan chính là cuộc thi đầu tiên em tham gia ạ. Khi đó em 9 tuổi và em đã dành giải nhất, em được nhận cả cúp và tiền thưởng nữa. Có lẽ do lúc đó em hơi nhỏ nên em không nhớ, không biết mình có gặp khó khăn gì hay không, em chỉ nhớ là em rất thích, rất vui được mẹ và thầy đưa đi thi, được ở khách sạn và ăn nhiều món ngon thôi ạ.

03/03/2020 14:59

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 16Võ Minh Quang 13 tuổi giải nhất bảng 18-24 tuổi cuộc thi Chopin tại Thailand 07-2019. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:02

Được biết, năm ngoái, Quang đạt Gương mặt trẻ Triển vọng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, năm nay đang lọt Top 20 của Giải thưởng này, cảm xúc của Quang thế nào? Năm 2019, Quang đã có thành công trong âm nhạc như thế nào để tiếp tục được bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019? (tranduynam90@gmail.com)

Võ Minh Quang: Em cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc bởi sự cố gắng của em luôn được động viên, khích lệ. Ngoài sự nỗ lực học tập của bản thân em luôn nhận được sự hỗ trợ tối đa của gia đình em và của tất cả các thầy cô giáo của em. Các thầy cô yêu mến đã luôn luôn tạo điều kiện cho em, chỉ dạy, rèn rũa em mỗi ngày, luôn hỗ trợ em hết lòng ạ. Bên cạnh đó em còn được một số người đặc biệt yêu mến luôn thầm lặng giúp đỡ em. Em vô cùng cảm ơn và biết ơn tất cả mọi người ạ. Năm 2019 em đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

Cúp Gương mặt nghệ sỹ năm 2019 do Cục nghệ thuật biểu diễn trao tặng 01/2020.

Giải Nhất bảng độc tấu Piano lứa tuổi 10 -13 tuổi - Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu do Bộ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Việt Nam 12/2019;

Giải Nhất bảng Concerto và giải nhì bảng solo piano lứa tuổi 18-29 cuộc thi Putra International Piano Competition tại Malaysia 09/2019, Biểu diễn cùng dàn nhạc Klpacorchestra - Kula Lumpur- Malaysia;

Giải Nhất bảng 18-24 tuổi cuộc thi Chopin Competition lần thứ 5 tại Thái Lan tháng 7/2019. Đây là lần thứ 5 liên tiếp Minh Quang đạt giải nhất trong các bảng thi, cuộc thi tại Thailand (Giải nhất bảng 13-17 tuổi – Cuộc thi Mozart quốc tế lần thứ 8 tại Thailand tháng 07/2018, Giải nhất bảng 13-17 tuổi cuộc thi Chopin Competition lần thứ 4 tại Thái Lan tháng 11/2017, Giải nhất bảng 10-13 tuổi cuộc thi Chopin Competition lần thứ 3 tại Thái Lan tháng 11/2016. Giải nhất bảng 7-9 tuổi cuộc thi Cuộc thi piano quốc tế Mozart lần thứ 5 của Thailand tháng 07/2015); học viên nhỏ tuổi nhất của Việt Nam đồng thời đạt xuất sắc hai bằng Diploma Licentiate of Trinity College London (Trinity, Vương quốc Anh, tháng 7/2019) và LMuSa - Licentiate of Australian Music Examinations Board (AMEB, Australia, tháng 8/2019);

Huy chương vàng bảng 11-13 tuổi - Cuộc thi Music quốc tế Manhattan lần thứ 4 “4th Manhattan International Music Competition” tổ chức tháng 06/2019;

- Giải nhất bảng 14-16 tuổi tháng 06/2019, giải nhất bảng 11-13 tuổi tháng 06/2018 -  Cuộc thi tài năng trẻ Châu Á & Châu Đại Dương - The Rising Talents of the Asia & Oceania International Mussic Competition in London;

- Giấy khen và Huy hiệu “Người tốt, Việc tốt” năm 2019 của UBND TP Hà nội 05/2019;

- Giấy khen “Thành tích xuất sắc đạt giải cấp QG trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2018-2019”  của UBND Quận Ba Đình, TP Hà nội 05/2019;

Gương mặt trẻ triển vọng lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam năm 2018 của BCH TU Đoàn thanh niên cộng sản HCM 03/2019.

03/03/2020 15:03

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 20 Võ Minh Quang. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:06

Giỏi khoa học, chị có đảm việc nhà không? Nếu cho thang điểm 10 chị sẽ chấm cho mình bao nhiêu điểm về nữ công gia chánh? (maixuan89@yahoo.com)

TS. Trần Phương Thảo: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Một câu hỏi rất khó, có lẽ để có câu trả lời đúng nhất, người trả lời sẽ là “ông xã” của mình, là gia đình của mình. Mình luôn cảm ơn chồng, cảm ơn gia đình đã luôn ủng hộ, động viên và tạo điều kiện cho mình làm việc mà mình đam mê, vẫn giữ được ngọn lửa ấm áp của gia đình.

03/03/2020 15:07

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 21TS. Trần Phương Thảo. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:08

Có khi nào chồng chị phàn nàn và muốn vợ thôi không làm khoa học nữa vì vất vả quá? (hanh_hung98@gmail.com)

TS. Trần Phương Thảo: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Chồng mình thương vợ vất vả, làm việc ở phòng thí nghiệm, nhiều độc hại, rồi nhiều đêm thấy vợ thức khuya nghiên cứu, chồng mình bảo “sức khỏe là quan trọng nhất, em nghỉ ngơi đi, hoặc chọn việc khác nhẹ nhàng hơn”. Nhưng hiểu và biết mơ ước của vợ, chồng mình vẫn luôn động viên và tạo điều kiện hết mức để mình có thể sống hết mình với khoa học. Mình luôn cảm thấy may mắn và biết ơn anh, biết ơn đại gia đình của mình.

03/03/2020 15:10

Đọc bản thành tích khen thưởng của anh, tôi cảm giác anh giường như làm việc, cống hiến không ngừng nghỉ, thực tiễn anh đã dành tâm sức, cống hiến cho công việc như thế nào? (Lý Thành Lâm, Học viện Chính trị)

Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ mình cũng bình thường như bao đồng đội khác thôi. Công việc tổ chức giao phó cho mình dù ở cương vị nào thì đều phải hoàn thành đó là nguyên tắc. Cái quan trọng là mình làm việc với thái độ như thế nào. Trước mỗi nhiệm vụ được giao tôi luôn suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Đặc biệt trước những khó khăn trong công tác huấn luyện, quản lý, chỉ huy đơn vị.

Tôi chưa bao giờ quan niệm mình làm việc để được cái này, cái kia hay đòi hỏi tổ chức phải như thế nào đó với mình. Tôi luôn làm việc với tinh thần tự giác và trách nhiệm cao nhất. Luôn luôn phải cố gắng sâu sát với đơn vị, tận tụy với công việc. Quan trọng nhất là mình phải làm việc bằng cả trái tim.

Quan niệm của tôi là cái gì tốt, có lợi cho đơn vị thì khó khăn vất vả như thế nào cũng phải làm cho bằng được.Việc chưa xong thì tôi chưa cho phép mình được nghỉ, thỏa mãn và dừng lại.

03/03/2020 15:11

03/03/2020 15:13

Sống trong môi trường quân ngũ quen với quân lệnh, vậy trong cuộc sống gia đình, với vợ con anh là người như thế nào? (Bùi Mai Loan, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng)

Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng: Đây là câu hỏi rất hay! Nói ra thì có vẻ trái ngược nhưng sau công việc bản thân tôi cũng là một người rất vui tính, cởi mở và dễ hòa đồng; Với đặc thù công việc và khoảng cách về địa lý, bản thân cũng ít có điều kiện về thăm gia đình nhưng bình thường qua điện thoạichúng tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ cho nhau về công việc, cuộc sống gia đình và phương pháp để bày dạy cho concái khi con ít có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với bố.

Còn mỗi lần được nghỉ về thăm gia đình thông thường những công việc nội trợ, bếp núp, chăm con tôi đều chủ đông làm thay cô ấy. Cũng hay trổ tài nấu nướng cho hai mẹ con, thi thoảng có thòi gian cũng chở vợ con đi mua sắm, chở con đi chơi đây đó. Với con tôi như là một người bạn vậy.

Bản thân tôi luôn quan niệm gia đình chính là hậu phương, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mình yên tâm phấn đấu.

03/03/2020 15:13

Có ý kiến cho rằng một bộ phận người trẻ hiện nay lười lao động, thụ động, không có sự sáng tạo trong công việc, quan điểm của anh về vấn đề này? (Trần Hoàng Long, tỉnh Đoàn Thừa Thiên – Huế)

Võ Văn Đồng: Thực ra theo mình nghĩ thì thế hệ nào cũng sẽ có những kiểu suy nghĩ khác nhau. Có hai hình thức lao động là lao động chân tay và lao động trí óc, nó cũng phụ thuộc vào mức thu nhập bình quân và nhu cầu chi tiêu của bản thân nên cũng có một số bạn trẻ trong đó có nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học đã lựa chọn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động... và tất nhiên với những công việc đó thì họ sẽ phải làm việc mà không đưa ra được các ý tưởng sáng tạo.

03/03/2020 15:14

Được biết, ngoài công việc chuyên môn, anh còn tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động tình nguyện, anh có thể chia sẻ thêm về niềm đam mê và các hoạt động thiện nguyện của anh? (Vũ Hùng, thành đoàn Đà Nẵng)

Võ Văn Đồng: Mình được tham gia các hoạt động tình nguyện từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, giờ đi làm rồi thì các chuyến đi của mình cũng chỉ có thể tranh thủ vào các ngày nghỉ. Việc chia sẻ những khó khăn với bà con vùng cao thì mình nghĩ không chỉ riêng mình mà rất nhiều người muốn thực hiện, chỉ là họ có thời gian hay điều kiện có cho phép họ thực hiện hay không thôi.

Thông thường các chương trình thiện nguyện của mình đc tổ chức mỗi tháng một lần và thêm những trường hợp đột xuất khác cần hỗ trợ thì bên mình cũng sẵn sàng chia sẻ.Từ những thông tin của các tình nguyện viên báo về hoặc qua tìm hiểu từ địa phương bên mình sẽ tiến hành tiền trạm để khảo sát thực tế địa bàn cũng như tình hình khó khăn của bà con vùng đó, xem xét các nội dung cần hỗ trợ thực tiễn nhất, Từ đó lập kế hoạch kêu gọi và thực hiện chương trình.

Sau mỗi chương trình thì bên mình sẽ có báo cáo tài chính chi tiết cũng như báo cáo tình hình thực hiện để các Mạnh Thường Quân yên tâm rằng những món quà họ gửi cho nhóm mình đã đến tận tay của bà con đồng bào khó khăn.

03/03/2020 15:15

Anh đã có sự nỗ lực, làm việc thế nào để có được công trình khoa học đáng ngưỡng mộ như hiện nay không? Có khi nào anh “quên ăn, quên ngủ” vì làm việc không? (Trần Nguyên Anh, Bình Dương)

GS tập sự, TS. Đinh Ngọc Thạnh: "Quên ăn, quên ngủ" thì có chứ. Tụi mình dân nghiên cứu mà, nhiều khi đang say mê theo đuổi giải quyết một vấn đề nào đó thì "quên ăn, quên ngủ" cũng thường xảy ra. Cho tới khi, mình tìm được giải pháp cho những vấn đề đó, thì mình cảm thấy rất vui. Có lẽ, khi đó ăn cũng sẽ ngon và ngủ cũng sẽ thoải mái hơn.

03/03/2020 15:16

Trong các bài báo, công trình khoa học anh đã và đang làm, công trình nào anh thấy ấn tượng, tâm đắc nhất? (nguyentung_duong@yahoo.com)

GS tập sự, TS Đinh Ngọc Thạnh: Mình thì chưa thấy ấn tượng với công trình nào của chính mình cả. Có những giải pháp mình đưa ra và thực hiện, nhưng sau một thời gian, mình lại thấy còn quá nhiều thứ để hoàn thiện cho giải pháp của mình. Mình tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề cho Internet vạn vật, vì thế mình quan tâm và thấy hứng thú với các công trình liên quan tới internet vạn vật nhất.

03/03/2020 15:19

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 23 Võ Minh Quang cùng các bạn tại câu lạc bộ bóng đá của lớp. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:20

Ngoài âm nhạc, mình thấy bạn đạt rất nhiều thành tích trong học tập cũng như thể thao? Bạn có thể chia sẻ bí quyết phân bổ thời gian, học tập thế nào để có thể làm tốt nhiều việc thế không? (nga_nga_thanh@yahoo.com)

Võ Minh Quang: Thời gian học tập của mình rất linh hoạt mỗi ngày mỗi khác nhau. Ngoài thời gian biểu cố định học ở 2 trường, mỗi ngày dành 2-3 tiếng tập đàn ra mình còn thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn, đi nghe các chương trình hòa nhạc.  Bên cạnh việc học thì mình còn dành thời gian để đá bóng, đá cầu hàng ngày, bơi, vẽ tranh… vào cuối tuần để tăng cường thể lực, đọc sách, nghe nhạc, chơi cùng em trai con bất kỳ lúc nào có thể….

Ngoài tiếng Anh thì mình cũng học thêm 3 ngoại ngữ khác nên lúc nào tranh thủ học được là mình học, tập đàn được là mình tập, chơi được là mình chơi. Nói chung thời gian tự học và tham gia các hoạt động ngoại khóa của mình luôn vô cùng linh hoạt, học được là học, chơi được thì cũng chơi hết mình luôn.

03/03/2020 15:21

Quang giỏi thế, ở lớp các bạn có ngại chơi với Quang không, vì các bạn cho rằng “Quang là ngôi sao? (Nguyễn Thị Thương Thương, trường THCS Trưng Vương)

Võ Minh Quang: Chúng em đã gắn bó với nhau gần 3 năm rồi nên lớp em không có ai ngại chơi với ai đâu ạ. Các tiết sinh hoạt của lớp em luôn vô cùng sôi nổi, vui cực luôn.Em cũng có nhiều bạn thân thường đá bóng, đá cầu với nhau sau mỗi giờ ra chơi, giờ tan học, có những nhóm bạn thân cùng trao đổi học tập, làm bài tập nhóm với nhau.

Bên cạnh đó thì em cũng có nhiều bạn thường chép bài, chụp bài gửi qua viber cho em lúc em đi thi đàn, đi biểu diễn…

Lớp chúng em có khẩu hiệu “Lớp Thiếu Ngân Giảng Võ học mà chơi, chơi mà học nhưng luôn đoàn kết hết mình” đó chị (Thiếu Ngân chính là tên gọi thân mật của cô giáo chủ nhiệm yêu quý của chúng em đấy).

03/03/2020 15:23

Áp lực lớn nhất trong công việc của anh là gì? Anh vượt qua thế nào? (vuminhtri67@gmail.com)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Như mọi người đã biết, tàu ngầm là hoạt động có tính chất đặc thù và chuyên sâu, môi trường và điều kiện hoạt động khắc nghiệt, đòi hỏi thủy thủ tàu ngầm phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Không gian hoạt động dưới tàu ngầm chật hẹp, chỉ đảm bảo cho thủy thủ tàu ngầm thao tác vận hành VKTBKT tại vị trí chiến đấu.

Đồng thời khi tàu hành trình ngầm trong thời gian dài, lượng oxi thường xuyên ở mức dưới 19% (có lúc lượng oxi trong các khoang giảm đến mức gần 18% trong khi điều kiện bình thường là 20,5%) làm cho thủy thủ có cảm giác mệt mỏi và gây buồn ngủ, rất dễ xảy ra nguy cơ mất an toàn khi thao tác trang thiết bị kỹ thuật. Vì vậy yêu cầu thủy thủ tàu ngầm còn phải có sức chịu đựng, tâm lý vững vàng và chấp hành nghiêm kỷ luật.

Bất luận trong mọi trường hợp, thủy thủ tàu ngầm luôn phải thực hiện nghiêm mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tàu ngầm, vì chỉ một sơ suất nhỏ trên tàu ngầm cũng đều phải trả giá rất đắt đến tính mạng của cả thủy thủ đoàn và tài sản của quốc gia, của quân đội.

Vì vậy áp lực lớn nhất khi làm việc dưới tàu ngầm chính là đặc thù của môi trường làm việc như đã chia sẻ ở trên, áp lực về bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi hải trình của tàu, áp lực trong làm chủ tàu ngầm hiện đại, làm chủ đại dương. Bằng ý chí và quyết tâm chính trị của mình, mọi mọi áp lực đó đã trở thành động lực cho chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

03/03/2020 15:24

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 24Thiếu tá Trần Văn Phương (vị trí chỉ huy) đang huấn luyện cho tổ dây mũ. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:26

Anh truyền lửa cho các thủy thủ trẻ khác như thế nào để vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành nhiệm vụ? (trangquyanh1984@gmail.com)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Được trở thành một người cán bộ, thủy thủ được phục vụ trên tàu ngầm là niềm vinh dự và tự hào của bất cứ quân nhân nào. Chính vì vậy bản thân luôn cống hiến hết mình cùng nhiệt huyết say mê nghề nghiệp; nêu cao quyết tâm, nỗ lực cố gắng hơn nữa. Sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo, chỉ huy các cấp.

Tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ. Tự nhận thức, tự hoàn thiện, khiêm tốn học hỏi, phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu để vươn lên khẳng định mình, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nghiêm túc, gương mẫu trong phấn đấu và rèn luyện. Yêu mến, tâm huyết với nghề, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đồng chí, đồng đội.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn, nguy hiểm nhất, chúng tôi quyết không lùi bước, luôn đoàn kết bằng mọi nỗ lực để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao, làm chủ tàu ngầm, làm chủ lòng đại dương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng biển, đảo Tổ quốc.

Xin nhắn nhủ với các bạn trẻ, hãy cống hiến, hãy sống bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ, hãy làm bất kỳ công việc gì có thể để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội thì chúng ta đều là yêu nước, đều là anh hùng.

03/03/2020 15:26

Anh dùng ba từ để nói về công việc hiện tại của anh? (Lý Thành Tâm – Nam Đàn, Nghệ An)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Với tôi thì ba từ để nói về công việc hiện tại của thủy thủ tàu ngầm, đó là: “Đoàn kết, bí mật, quyết thắng”.

03/03/2020 15:29

Mỗi một sáng kiến của anh thường mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành? (Tạ Thu Tràng, Hà Nội)

Võ Văn Đồng: Tùy theo mức độ lớn hay bé của các ý tưởng, các giải pháp. Mình là các ý tưởng, giải pháp trong thực tiễn sản xuất nên có nhiều lúc đi công trường nhà máy mà thấy có vấn đề tồn tại thì có thể đưa ra được ý tưởng để giải quyết trong thời điểm đó luôn. Còn các giải pháp lớn, cần thời gian để phân tích, đánh giá và thử nghiệm thì cũng cần đến khoảng 1 tháng mới hoàn thành.

Anh có thấy hạnh phúc với công việc hiện tại của mình không? Vì sao? (lequang_hien1990@gmail.com)

Võ Văn Đồng: Theo mình nghĩ hạnh phúc với một công việc cần được nhìn từ nhiều góc độ, với mình thì làm việc ở đâu cũng được, miễn là mình có môi trường, có mục tiêu để cố gắng phấn đấu và khi mình đạt được mục tiêu thì đó là điều hạnh phúc. 

03/03/2020 15:30

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 25TS. Trần Phương Thảo

03/03/2020 15:30

Nếu trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, chị muốn mang thông điệp gì đến với bạn trẻ? (Mai Hoàng, Viện Đào tạo quốc tế)

TS. Trần Phương Thảo: Mình mong các bạn hãy tìm tòi tạo cho mình đam mê và khi đã tìm ra rồi thì hãy hết mình với đam mê đó.

03/03/2020 15:34

Có ý kiến cho rằng, trí thức Việt làm việc ở nước ngoài là một sự chảy máu chất xám của đất nước? Ý kiến của bạn thế nào? Bạn có ý định trở về Việt Nam làm việc không? (Lê Mạnh Hùng, du học sinh Liên bang Nga)

GS tập sự, TS Đinh Ngọc Thạnh: Mình không nghĩ thế. Cộng đồng trí thực Việt làm việc ở nước ngoài chính là cầu nối công nghệ cho trong nước. Cộng đồng này tiếp xúc và có kinh nghiệm làm việc với những công nghệ tiên tiến của thế giới, vì thế họ có thể làm cầu nối và chuyển giao công nghệ tiến tiến cho trong nước. Mình đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Các bác cũng đều động viên tụi mình ở lại làm việc và giúp làm cầu nối để phát triển công nghệ trong nước.

Bản thân mình, dù làm việc ở nước ngoài nhưng mình tham gia nhiều hoạt động học thuật và tình nguyện trong nước. Mình cũng làm cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt - Hàn kết nối với nhau. Vợ chồng mình cũng tham gia các dự án chính phủ giữa hai nước, để tài trợ hỗ trợ cho Việt Nam.

Hiện tại mình cũng nhen nhóm và đang lên kế hoạch trở về Việt Nam làm việc, hoặc làm việc ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

03/03/2020 15:34

Thần tượng của bạn là ai? (tranmaihoang_1980@gmail.com)

GS tập sự, TS Đinh Ngọc Thạnh: Thực sự thì mình không có khái niệm về thần tượng.

03/03/2020 15:35

03/03/2020 15:37

Ở lớp ngoài âm nhạc thì Quang thích học môn học nào nhất? (Vũ Thu Hà, THCS Trưng Vương, Hà Nội)

Võ Minh Quang: Môn học nào em cũng thấy hay và có sự thích thú riêng kể cả là Giáo dục công dân hay Văn, Sử, Địa… chỉ có điều em không có nhiều thời gian để tìm hiểu sâu tất cả các môn học cho nên những giờ học trên lớp em thường chú tâm nghe các thầy cô giảng bài để ghi nhớ, hiểu bài, làm bài ngay tại lớp luôn.

Môn học em đặc biệt thích và cũng thường ưu tiên thời gian để học nhiều hơn các môn học khác một chút là môn Toán, sau đó là Hóa, Lý, Tin và các ngoại ngữ.

03/03/2020 15:41

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 27 Võ Minh Quang nhận giấy khen học sinh đạt giải quốc gia 2019. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:44

Câu hỏi dành cho mẹ bạn Võ Minh Quang: Mong mỏi lớn nhất của một người làm mẹ như chị đối với Minh Quang là gì? (Thu Thảo, Nhạc viện TPHCM)

Chị Hà, mẹ của Võ Minh Quang: Hầu như bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng luôn đặt vô vàn nguyện vọng, mơ ước vào các con thương yêu của mình, có thể đó là mơ ước của mình lúc nhỏ chưa thực hiện được, có thể là những ước mơ hình thành từ việc quan sát con vui chơi, học hành, con chia sẻ với mình....

Mình cũng như bao bố mẹ khác , mình cũng rất muốn 2 con mình tài giỏi, con thông minh, học giỏi, chơi giỏi, con trở thành pianist tài năng bay nhảy khắp nơi, trở thành thầy giáo tâm đức, giỏi giang đào tạo tiếp nhiều thế hệ học trò tài năng… nhưng trên hết mình mong các con luôn luôn khỏe mạnh, vui tươi, luôn hứng khởi, tràn đầy năng lượng khi làm bất kỳ việc gì dù đó là việc nhỏ hay việc lớn, mong con thực hiện được mơ ước và hoài bão của chính con chứ không phải chỉ những mục tiêu, mơ ước của bố mẹ định hướng cho con.

03/03/2020 15:45

Có khi nào vợ con phàn nàn vì anh không có thời gian cho họ? (Trần Duy Nam, Học viện An ninh)

Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng: Cũng có chứ ạ! Như tôi đã chia sẻ vì điều kiện công việc của hai vợ chồng nên chúng tôi đang ở rất xa nhau về địa lý, tôi ở miền Trung nhưng vợ con tôi lại đang sống và làm việc ở miền Nam.

Đối với một sĩ quan bình thường thời gian đi lại dành cho gia đình đã ít, bản thân tôi lại càng khó khăn. Thông thường hơn hai tháng tôi mới vào thăm vợ con được một lần. Có những lúc công việc nhiều thì phải lâu hơn.Như diễn tập hay khi thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Đặc biệt là những ngày lễ tết thì không chỉ riêng tôi mà gần như cán bộ đơn vị đều phải ở lại trực SSCĐ và thực hiện nhiệm vụ.

Mới đầu thì cũng phàn nàn này nọ, thi thoảng cũng so bì chồng mình với người khác; đặc biệt khi chẳng may vợ ốm, con đau; tuy nhiên cùng với sự động viên của gia đình, người thân và rồi qua những lần lên thăm đơn vị, thấy được tâm huyết của chồng dành cho công việc và đơn vị. Thấyđược đặc thù, vất vả của đơn vị. Vợ con tôi ngày càng thông cảm và động viên, chia sẻ để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

03/03/2020 15:46

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 28Thiếu tá Trần Văn Phương. Ảnh: NVCC

03/03/2020 15:47

Nếu chấm điểm người đàn ông gia đình, anh sẽ chấm cho mình được bao nhiêu điểm trong thang điểm 10? Ngày 8/3 sắp đến, anh muốn nhắn nhủ gì đến với vợ anh? (luonghien98_67@gmail.com)

Thiếu tá Trần Văn Phương: Xin cám ơn câu hỏi rất khó của bạn lương hiền đối với bản thân tôi. Thú thật là trong thang điểm 10 này tôi chưa đủ tự tin để tự chấm điểm cho mình, bởi vì thời gian tôi dành cho vợ, con không nhiều, mỗi lần về thăm gia đình chỉ trong chốc lát, khoảng 5 đến 7 ngày, khi con vừa quen hơi bố thì lại phải chia tay để vào đơn vị; những ngày lễ, ngày sinh nhật của vợ, con tôi đều chúc mừng qua điện thoại.

Nhưng rất may mắn cho tôi, có một người vợ hiền, hết mực yêu thương chồng, luôn động viên và tạo điều kiện tối đa, là hậu phương vững chắc cho tôi an tâm công tác, phục vụ lực lượng tàu ngầm. Vợ tôi có nói rằng “anh hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị là em mừng rồi, trong đó cũng có một phần bé nhỏ của em”. Nếu được phép tối sẽ châm cho vợ mình 10 điểm.

Ngày 8/3 sắp tới, lại một năm nữa không được bên cạnh vợ để chúc mừng trực tiếp, như thường lệ hàng năm lời chúc 08/3 gửi đến vợ tôi lại qua điện thoại, chúc vợ mạnh khỏe, là người con dâu thảo hiền, người vợ tần tảo, chịu thương, chịu khó, hãy tiếp tục sát cánh, là hậu phương vững chắc cho tôi an tâm công tác, chuẩn bị tâm thế để đón thêm một “Thủy thủ tàu ngầm con ra đời” trong năm nay và cũng xin gửi lời chúc mừng 08/3 tốt đẹp nhất đến tất cả các bà, các mẹ, các chị, những người phụ nữ tuyệt vời trên thế giới này.

03/03/2020 15:48

Theo anh, điều quan trọng nhất để tìm có được sự thành công trong công việc? (Tôn Nữ Như Quỳnh, Sinh viên Đại học Sư phạm Huế)

Võ Văn Đồng: Theo mình thấy thì để thành công trong công việc đầu tiên bạn phải có đam mê, có mục tiêu để phấn đấu. Khi bạn làm việc cần đưa ra kế hoạch và mục tiêu cụ thể từ đó cố gắng để thực hiện.

Tất nhiên không phải mục tiêu nào chúng ta cũng có thể hoàn thành, nhưng ít nhất chúng ta đã cố gắng vì cái mục tiêu đó. Và trong công việc cũng rất cần nhận được sự quan tâm ủng hộ của gia đình, đồng nghiệp để từ đó có thêm động lực để phấn đấu.

03/03/2020 15:49

Ngoài khoa học, bạn có đam mê nào khác không? (Lê Thuý, Đại học Y Phú Thọ)

GS tập sự, TS Đinh Ngọc Thạnh: Ngoài khoa học mình cũng rất quan tâm tới giáo dục và quản lý nhà nước. Còn về đam mê thì mình cũng rất thích chơi các môn thể thao, thích hát hò, và thích dành thời gian cho gia đình.

03/03/2020 15:52

Câu hỏi cuối gửi tới mẹ bạn Võ Minh Quang: Những lúc con đi thi ở nước ngoài thì việc thi cử các môn văn hóa ở trường sẽ như thế nào? (Bùi Hồng Khanh, Bình Dương)

Chị Hà, mẹ của Võ Minh Quang: Trước giờ mình luôn cố gắng sắp xếp cân bằng hài hòa nhất có thể giữa việc học song hành tại cả 2 trường cũng như việc ăn ngủ điều độ, tham gia các hoạt động thể thao các hoạt động ngoại khóa khác của con vừa để đảm bảo sức khỏe cho con vừa để nâng cao thể chất, trí lực cho con.

Hiện nay có vô vàn các cuộc thi âm nhạc chuyên và không chuyên để cho các con trải nghiệm nên để tránh không ảnh hưởng nhiều tới việc học các môn học tại cả 2 trường mình thường chọn các cuộc thi cho con trải nghiệm vào dịp nghỉ lễ, nghỉ hè là chính. Một số cuộc thi trong năm học mà ít ảnh hưởng tới việc đi học, dung nạp kiến thức cơ bản của con thì mình sẽ đăng ký cho con thi.

Các cuộc thi âm nhạc thường kéo dài trong khoảng 1 tuần nên trước và sau thời gian đưa con đi thi mình thường trao đổi với thầy cô phần kiến thức trọng tâm con cần nắm để nhắc con đọc sách, làm bài, phần nào con chưa hiểu kỹ thì con sẽ nhờ thầy cô giảng cho con trong giờ ra chơi của tiết học sau đó.

Bên cạnh đó thì con cũng có những nhóm bạn thân, các bạn thường chép bài giúp con lúc con đi thi, chụp bài cô giảng gửi viber cho con nên hầu như con không bị hổng, không bị bắt nhịp chậm những kiến thức cơ bản sau mỗi dịp nghỉ học để đi thi đàn.

03/03/2020 15:54

Gương mặt trẻ Việt Nam và những câu chuyện truyền cảm hứng ảnh 29Võ Minh Quang giành giải Nhất bảng A Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu năm 2019. Ảnh: NVCC

03/03/2020 16:00

Đúng 16h, buổi giao lưu trực tuyến với sáu đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 là: Giáo sư tập sự.TS. Đinh Ngọc Thạnh (Lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học); TS.Trần Phương Thảo (Lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học); Thiếu tá Trần Văn Phương (Lĩnh vực: Quốc phòng); Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng (Lĩnh vực: Quốc phòng); Võ Văn Đồng (Lĩnh vực: Lao động sản xuất) và Võ Minh Quang (Lĩnh vực: Văn hoá nghệ thuật) với chủ đề “NHỮNG NGƯỜI VIỆT TRẺ TRUYỀN CẢM HỨNG” chính thức khép lại.

03/03/2020 16:00

Võ Minh Quang

Võ Minh Quang (Trường THCS Giảng Võ - Hà Nội) giành nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế, tiêu biểu: Giải Nhất bảng A cuộc thi “The 1st China-Asean Teenages Piano Competition” (Trung Quốc, 2015); Giải Nhất cuộc thi “Piano quốc tế Mozart” lần thứ 8 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) bảng 13-18 tuổi dù Quang mới 12 tuổi (năm 2018).

 Năm 2019 Võ Minh Quang giành giải Nhất bảng A, bộ môn Độc tấu Piano dành cho Nhóm các thí sinh từ 10 đến 13 tuổi - Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu – 2019 tại Việt Nam; Giành giải Nhất bảng 18-24 tuổi cuộc thi Chopin Competition lần thứ 5 tháng 7/2019 tại Thái Lan; giải Nhất bảng Concerto lứa tuổi 18-24 cuộc thi Putra International Piano Competition tại Malaysia.

 Võ Minh Quang cũng là học viên đầu tiên, nhỏ tuổi nhất của Việt Nam đồng thời đạt xuất sắc hai bằng Diploma Licentiate of Trinity College London (Trinity, Vương quốc Anh, tháng 7/2019) và LMuSa - Licentiate of Australian Music Examinations Board (AMEB, Australia, tháng 8/2019)

 Năm 2019, Võ Minh Quang giảnh Giải thưởng “Ngôi sao hy vọng” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tháng 9/2018 và tháng 3/2019).

 Võ Văn Đồng

 Võ Văn Đồng (Kỹ sư luyện kim công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng) có nhiều sáng kiến, sáng tạo được tập thể, đơn vị công tác công nhận: Sáng kiến giải pháp thay thế nhiên liệu làm chất đốt trong thiêu kết (được công nhận ở Công ty và đang trình lên Tổng Công ty) làm lợi cho Công ty hơn 30 tỷ đồng; Thu hồi khi than dư lò cao để sản xuất vôi nung nâng cao hiệu quả sản xuất tại khu liên hiệp gang thép Cao Bằng; Hợp lý hóa lắp đặt gờ giảm tốc tại các vị trí trên đường nội bộ Khu Liên hiệp Gang Thép; Hợp lý hóa áp dụng 5S trong công ty…

 Với những thành tích đạt được, Võ Văn Đồng được nhận Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi của T.Ư Đoàn; Bằng khen của Bộ Lao động Thương binh Xã hội dành cho đối tượng lao động trẻ có thành tích xuất sắc.

 TS. Trần Phương Thảo

 TS. Trần Phương Thảo (Giảng viên bộ môn Hóa dược, trường Đại học Dược Hà Nội) đã tham gia nghiên cứu phát triển thuốc mới để điều trị căn bệnh Alzheimer - bệnh suy giảm trí nhớ ở người.

 Năm 2015, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh, TS.Trần Phương Thảo đã từ chối nhiều cơ hội làm việc ở Hàn Quốc để trở về Việt Nam công tác tại trường đại học Dược. Tại đây, TS. Thảo lại tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu. Sau gần 6 năm, cùng các cộng sự của mình, TS. Thảo đã tìm thấy một số dẫn chất mới có khả năng gây ức chế enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây ra bệnh Alzheimer.

 Hiện, các chất tiềm năng trong nghiên cứu của TS. Thảo đã bước qua giai đoạn thử nghiệm ban đầu, tiếp tục thử sâu hơn trên động vật. Với sự phối hợp tích cực của các đồng nghiệp ở Hàn Quốc, TS. Thảo hy vọng trong tương lai gần sẽ có hoạt chất thử nghiệm trên người để sớm ra đời loại thuốc đặc hiệu điều trị bệnh Alzheimer.

 GS tập sự Đinh Ngọc Thạnh

 GS tập sự Đinh Ngọc Thạnh (Khoa công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Soongsil, Hàn Quốc) là thành viên/thành viên chính 03 đề tài cấp Quốc gia và 02 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu, có công trình đăng trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2019.

 GS tập sự Đinh Ngọc Thạnh tham gia dự án giáo dục nghề (ngôn ngữ và công nghệ) miễn phí cho các thanh niên chưa có việc làm tại tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng; Triển khai phòng Lab đa phương tiện tại Trường Đại học Thái Bình Dương, Nha Trang và Đại học Yersin, Đà Lạt do chính phủ Hàn Quốc tài trợ năm 2014.

 Ngoài hoạt động nghiên cứu, GS tập sự Đinh Ngọc Thạnh còn tham gia các chương trình: Vì Hòa Bình trên đảo Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc; Gia đình đa văn hóa, gắn kết gia đình đa văn hóa tại Seoul do thành phố Seoul và công ty MIRAE ASSET tổ chức 2018.

 Thiếu tá Trần Văn Phương

 Trên cương vị Phó Thuyền trưởng, Tàu ngầm 186 – Đà Nẵng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân, thiếu tá Trần Văn Phương đã đề xuất nhiều nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tàu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; thường xuyên sâu sát với quân nhân trong tàu để nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, kịp thời định hướng, giáo dục và giúp đỡ các quân nhân, làm cho cán bộ, thủy thủ thấy được niềm vinh dự tự hào khi là thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Nhân dân Việt Nam, từ đó động viên cán bộ, thủy thủ yên tâm phấn đấu rèn luyện, học tập và phục vụ lâu dài trong lực lượng tàu ngầm.

 Thiếu tá Trần Văn Phương đã tích lũy hơn 4000 giờ lặn với hơn 50 chuyến đi biển hoàn thành tốt nhiệm vụ, chinh phục những độ sâu giới hạn của tàu ngầm Kilo; Tham gia dịch và biên soạn hàng trăm trang tài liệu tiếng Nga về huấn luyện chuyên ngành tàu ngầm; đặc biệt trong số đó có 2 cuốn tài liệu “Giáo trình huấn luyện chiến đấu tàu ngầm Kilo 636; Điều lệ hoạt động chiến đấu tàu ngầm Kilo 636” là những tài liệu cấp thiết phục vụ hiệu quả công tác huấn luyện của thủy thủ tàu ngầm. Đồng thời nghiên cứu sáng tạo ra các nội dung có ứng dụng hiệu quả trong khai thác, hoạt động của tàu ngầm

 Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng

 Trên cương vị là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4, Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng chỉ huy đơn vị thực hiện nghiêm kế hoạch huấn luyện SSCĐ, hàng năm đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cháy nổ.

 Năm 2016 Thượng uỹ Dũng và đơn vị tiên phong tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn tặng Giấy khen; năm 2018 tham gia chữa cháy rừng ở xã Hòa Sơn, Thượng Sơn, huyện Đô Lương, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cùng với bà con nhân dân chữa cháy được trên 5 ha rừng phòng hộ.

 Năm 2019, Thượng uý Nguyễn Sỹ Dũng và đơn vị tham gia chữa cháy rừng tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và xã Sơn Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được chính quyền địa phương đánh giá cao và thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu, Sư đoàn biểu dương.

 Năm 2019 tham gia làm công tác dân vận tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An được Ủy ban nhân dân huyện Tân Kỳ tặng Giấy khen...

MỚI - NÓNG