Kỳ án gỗ trắc, dấu hỏi lớn chênh lệch số lượng gỗ

Ðại diện Viện ST&TNSV công bố các mẫu ảnh về lô gỗ giám định và khẳng định có thể phân biệt bằng mắt thường gỗ trắc và gỗ giáng hương. Ảnh: Giang Thanh
Ðại diện Viện ST&TNSV công bố các mẫu ảnh về lô gỗ giám định và khẳng định có thể phân biệt bằng mắt thường gỗ trắc và gỗ giáng hương. Ảnh: Giang Thanh
TP - Ðại diện Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện ST&TNSV) cho biết, cơ quan này chỉ có chức năng giám định tên gỗ chứ không có chức năng kiểm tra quy cách, đo khối lượng... Trong Kết luận 151 và 783 của đơn vị, việc xác định lại khối lượng gỗ lần lượt do Cục Ðiều tra phòng chống buôn lậu và Kiểm lâm vùng 2 xác định.

Ngày 8/7, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị). Trong vụ án này, Viện ST&TNSV là cơ quan được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 Bộ Công an) trưng cầu giám định đối với lô gỗ trắc buôn lậu. Trong cả 2 biên bản kết luận của Viện ST&TNSV là Kết luận số 151 ngày 12/4/2012 (có hơn 453m3 gỗ trắc và giáng hương) và Kết luận số 783 ngày 26/12/2012 (có hơn 614 m3 gỗ trắc và giáng hương), đều đề cập việc có cả gỗ trắc và gỗ giáng hương trong lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng và nêu rõ thể tích, số lượng, quy cách... từng loại gỗ.

Tuy nhiên, tại tòa, đại diện của Viện ST&TNSV khẳng định rằng cơ quan này chỉ có chức năng giám định tên gỗ chứ không có chức năng nào khác. “Việc giám định về quy cách, khối lượng, số lượng... là do các đơn vị khác tiến hành và chịu trách nhiệm. Lần thứ nhất là do Cục Điều tra phòng chống buôn lậu xác định và lần thứ hai là do Viện có công văn nhờ Kiểm lâm vùng 2 hỗ trợ xác định”, đại diện Viện ST&TNSV cho biết.

Cũng theo đại diện của Viện, việc xác định gỗ trắc và gỗ giáng hương chỉ cần xác định bằng phương pháp giám định hình thái, chứ không cần phải xét nghiệm trong phòng thí nghiệm vì chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận biết 2 loại gỗ này thông qua so sánh màu sắc, vân gỗ, độ cứng, nhựa... Về 16 mẫu gỗ được lấy để giám định, đại diện Viện ST&TNSV cho biết thực hiện theo yêu cầu của Cục Điều tra chống buôn lậu. “Tuy nhiên, sau đó, Viện được yêu cầu giám định lần 2 nên xét thấy không cần thiết phải xét nghiệm những mẫu gỗ đó. Về việc những mẫu gỗ này hiện ở đâu thì cần có thời gian để tìm lại vì việc này xảy ra cũng lâu rồi”, vị này cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Thành, cán bộ Kiểm lâm vùng 2, đơn vị này chỉ tham gia giám định gỗ một lần theo văn bản yêu cầu hỗ trợ của Viện ST&TNSV (cho ra Kết luận 783 ngày 26/12/2012) và chịu trách nhiệm xác định về quy cách, số lượng, khối lượng... gỗ. Theo đó, Kiểm lâm vùng 2 tiến hành đo gỗ theo Thông tư 01 ngày 4/1/2012 của Bộ NN&PTNT, đó là cân sau đó quy ra thể tích.

Ông Thành khẳng định, theo quy định, việc đo bằng ste hay cân lên rồi quy ra thể tích thì cho kết quả giống nhau. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi tại sao lại có sự chênh lệch lớn về thể tích giữa 2 lần kiểm tra lô gỗ (lần thứ nhất đo bằng ste), thể hiện tại hai Kết luận 151 và 738 thì ông Thành trả lời “không biết vì không liên quan, không tham gia giám định, lần 1 chỉ có kiểm lâm Đà Nẵng tham gia”. Trong khi đó, ông Trần Minh Triết, cán bộ Kiểm lâm Đà Nẵng tham gia đo lần 1 giải thích rằng, lần 1 sử dụng phương pháp đo bằng ste dựa vào Quyết định số 59 của Bộ NN&PTNT ngày 10/10/2005, lúc này chưa cho phép cân quy đổi.

Có yêu cầu sửa biên bản kiểm tra lô gỗ?

Tại tòa, bị cáo Đỗ Danh Thắng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng) có mặt với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vì ông này không kháng cáo bản án sơ thẩm. Theo ông Thắng, sau khi kiểm tra thấy không có gì bất thường nên đã cho thông quan. Sau khi bốc được 14 container lên tàu thì có công văn của Tổng cục Hải quan yêu cầu dỡ hàng và niêm phong.

Sau đó, Tổng cục Hải quan giao Hải quan Đà Nẵng ra quyết định và kế hoạch kiểm tra. Ông Thắng là người trực tiếp thực hiện. “Tôi khẳng định trong quá trình kiểm tra lần 1, cơ quan giám định là Viện ST&TNSV không có mặt. Việc đại diện Viện này khai kiểm tra 22 container là sai, lần thứ 1 chỉ kiểm tra 20 container vì có 2 container bỏ ngoài cảng đã kiểm tra rồi, lần thứ 2 mới đủ 22 container”, ông Thắng cho biết.

Bị cáo Thắng cũng khai rằng, Cục Điều tra chống buôn lậu có chỉ đạo bị cáo sửa lại biên bản kiểm tra lần thứ 1. “Lúc đó tôi được triệu tập ra Cục họp, Cục có yêu cầu anh em khám xét sửa lại biên bản. Tuy nhiên, khi nghe nói vậy, tôi lập tức không đồng ý vì cho rằng như thế là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tôi không nghe và biết được Cục muốn sửa như thế nào. Dưới biên bản mà tòa đang giữ, tôi có ghi rõ là: không ký vì ký là vi phạm pháp luật”, bị cáo Thắng nói.

Bị cáo Thắng cho biết việc này có ông Đặng Ngọc Vinh (cán bộ Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng) và ông Lê Nam Phong (đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu tham dự phiên tòa) biết. Tuy nhiên, hai ông này đều phủ nhận và khẳng định ông Thắng có nhầm lẫn.

HÐXX xét xử cũng triệu tập đầy đủ các điều tra viên từng xét hỏi bị cáo Trương Huy Liệu để làm rõ lời khai của bị cáo tại tòa về việc bị gây áp lực trong quá trình lấy lời khai. Các điều tra viên đều phủ nhận và khẳng định thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

MỚI - NÓNG