Chính sách đối ngoại đầy xung đột của Tổng thống Mỹ Trump

Ông Trump và ông Kim đã có hai cuộc gặp lịch sử nhưng vẫn chưa giải quyết được bế tắc nào.
Ông Trump và ông Kim đã có hai cuộc gặp lịch sử nhưng vẫn chưa giải quyết được bế tắc nào.
TPO - Theo bài phân tích của Nic Robertson trên CNN, các chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn xa mới đưa ông trở thành “bậc thầy về thương thuyết” như ông đã tuyên bố.

Ông Trump thường tự nhận mình là một vị tổng thống luôn thực hiện những lời hứa của mình. Thế nhưng trên trường quốc tế, người đứng đầu nước Mỹ đang phải đấu tranh hết sức khó khăn để có thể đạt được những lợi ích có ý nghĩa.

Kể từ khi lên nắm quyền tại cường quốc số 1 thế giới này, ông Trump đã làm nóng lên bởi hàng loạt các cuộc xung đột.

Ông đã “quay ngoắt” lại hàng loạt vấn đề, thỏa thuận trước đây của các đời tổng thống Mỹ trước như rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) và nhiều thỏa thuận khác.

Theo các chuyên gia, việc rút khỏi các thỏa thuận này thì khá dễ dàng, nhưng liệu các chính sách ngoại giao của ông có đem lại hiệu quả dài hạn cho nước Mỹ khi mà ông vẫn đang loanh quanh ở điểm xuất phát.

Triều Tiên vẫn chưa từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình, Trung Quốc vẫn kiên quyết không nhượng bộ với các thỏa thuận thương mại mới của Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn chưa bị hạ bệ, quân đội Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban vẫn nhởn nhơ, Ả rập Xê út vẫn “vô can” trước cái chết của nhà báo đối lập Jamal Khashoggi, Trung Đông vẫn chưa tạo lập được một kế hoạch hòa bình...

Sự tự tin của ông Trump, có thể được cho là “sự bắt nạt”, được lặp lại với kịch bản: đầu tiên là dọa dẫm, sau đó xuống thang. Điều này hầu như không chứng minh được rằng, ông là một nhà thương thuyết bậc thầy như ông từng muốn.

Thực tế, đã chứng minh ngược lại. Những “kịch bản” này lặp đi lặp lại càng làm lộ ra rằng, ông là một nhà ngoại giao mới vào nghề và dễ bị các đối thủ dày dạn kinh nghiệm trên trường quốc tế qua mặt.

Gây sốc đồng minh

Dường như, khó khăn thực sự trong chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ được giải quyết bằng niềm tin. Thế nhưng các đồng minh của ông thường bị sốc trước những quyết định của ông Trump và họ thường phải chọn lựa giải pháp “chiến đấu”.

Đối với các bạn bè truyền thống của Mỹ, ông Trump tỏ ra giữ lập trường toàn cầu trong thái độ khinh thường. Chính ông đã tự cô lập mình và trở nên xa lạ với các đồng minh của mình và khiến họ sốc. Đó là việc ông “chiến đấu” với NATO và các đối tác G7, quay lưng lại với các thỏa thuận thương mại như TPP, tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và có thể nói sốc nhất vẫn là việc ông rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Và dưới thời của Tổng thống Trump, mọi việc cũng không thể tồi tệ hơn mặc dù không phải lỗi của riêng ông. Ngay cả trước khi ông Trump trở thành tổng thống, nước Mỹ đã khiến cả thế giới hoang mang với nhiều mâu thuẫn như: luật tự do sở hữu súng đạn, sự giàu có đáng kinh ngạc và chênh lệch giàu và nhiều vấn đề cơ bản khác.

Việc doanh nhân ngành bất động sản và ngôi sao truyền hình không có chút kinh nghiệm chính trị nào như ông Trump đắc cử tổng thống chỉ làm tăng thêm các nghi ngờ rằng, đất nước này sẽ không được vận hành một cách tốt nhất. Cách làm của ông Trump loại bỏ bất kỳ ai không đồng tình với ông và phớt lờ những gì không liên quan tới cách nghĩ của ông.

Các đồng minh của Mỹ phải cố gắng đương đầu với những con diều hâu vây quanh Nhà Trắng, trong khi các kẻ thù của Mỹ đã nhanh chóng chớp lấy những cơ hội này.

Tổng thống Pháp mới đắc cử Emmanuel Macron là một trong những người như vậy. Ông Macron đã dâng tặng cho ông Trump tình cảm của châu Âu và một thế giới quan phù hợp, mặc dù cả hai đều nỗ lực để... chẳng mang lại một kết quả gì.

Chính sách đối ngoại đầy xung đột của Tổng thống Mỹ Trump ảnh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tạo dựng được lòng tin với ông Trump

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cứ đi vòng quanh ông Trump, đồng ý với... không gì cả tại hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều, nhưng đã giành được lòng tin của ông Trump khiến ông Trump vẫn tự hào khi tuyên bố hồi tuần trước khi Triều Tiên lại phóng thử tên lửa rằng: "Ông Kim Jong-un rất hiểu tôi và không muốn phá bỏ lời hứa với tôi”.

Trong khi đó, hầu như không thuộc cấp nào dám nói với ông Trump về những sai lầm của ông. Ông Trump là người đã sa thải các quan chức cấp cao nhiều nhất trong số bất kỳ đời tổng thống nào trong lịch sử.

Về chính sách đối ngoại, cũng như nhiều vấn đề khác, ông Pompeo hầu như đã khuếch đại những tuyên bố của Trump nhưng chẳng theo qui chuẩn truyền thống nào cả. Chẳng hạn như giải thích cho quyết định của chính quyền về việc Mỹ phái một lực lượng tấn công tới Iran, ông Pompeo cho rằng, đó là do Iran có những hành động leo thang và hành động này nhằm buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào lợi ích Mỹ. 

Tuy nhiên, hành động leo thang này là gì thì ông Pompeo không nói rõ mà chỉ cho biết họ căn cứ vào thông tin tình báo từ các nguồn “ cụ thể và đáng tin cậy”. Thực tế, nguồn tin này không phải là từ Lầu Năm Góc, nguồn tin chính thông, mà từ Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton. Quyết định này được đưa ra một tháng saukhi chỉ định Lực lượng vệ binh cách mạng Iran là một tổ chức khủng bố.

Căng thẳng trong quan hệ châu Âu

Chính sách đối ngoại đầy xung đột của Tổng thống Mỹ Trump ảnh 3

Ông Trump tại cuộc gặp tân tổng thống Pháp Macron tại Washington.

Các đồng minh phương Tây vẫn chưa phản ứng trước sự gia tăng của quân đội Mỹ, nhưng quan hệ với châu Âu về chính sách của Mỹ đối với Iran đã căng thẳng kể từ khi  ông Trump đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia.

Các khoảng cách càng gia tăng vào cuối tuần qua sau khi Mỹ quyết định không gia hạn miễn trừ cho các quốc gia muốn giao dịch dầu mỏ với Iran, khiến các Bộ trưởng Ngoại giao EU, Anh, Pháp và Đức đã phải viết một lá thư chung cảnh báo Mỹ rằng: " Bất kỳ rạn nứt nào nổi lên trong quan hệ Mỹ-Âu sẽ là một món quà cho Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Cuộc khủng hoảng thực sự trong kỷ nguyên Trump

Một bài bình luận trên trang Foreign Affairs cũng nhận định, hai năm đầu cầm quyền của ông Trump đã được đánh dấu bằng một mức độ ổn định đáng ngạc nhiên. Tổng thống đã chứng tỏ điều mà nhiều nhà phê bình từ lâu đã cáo buộc ông là hiếu chiến, thiếu kiên nhẫn, vô trách nhiệm, nóng tính. Rất may, những sai lầm trong hai năm đầu cầm quyền của ông Trump vẫn chưa chuyển thành thảm họa rõ ràng.

Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ trong hai năm qua của  ông Trump vừa là triệu chứng, vừa là nguyên nhân. Ông Trump đã vạch ra một tầm nhìn chính sách đối ngoại sai lầm, không tin tưởng vào các đồng minh của mình, coi thường  các thể chế quốc tế và phớt lờ các trật tự tự do quốc tế mà Mỹ đã duy trì trong gần 8 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, bi kịch thực sự không phải là tổng thống đã đưa tầm nhìn thiếu sót này lên trước, mà là cách giải thích sai lầm về những gì đang nổi lên. Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ nên chấp nhận một vai trò khiêm tốn hơn trong các vấn đề thế giới.

Khi nhiệm kỳ cuối đang gần kết thúc và chuẩn bị cho một cuộc đua mới vào năm 2020, các chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump ngày càng không nhận được nhiều sự đồng tình của người dân Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng, rất may các chính sách của ông đã bị một số lực lượng kìm hãm để hạn chế những thiệt hại trong những năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông. Một số chuyên gia khác lại cho rằng, cuộc khủng hoảng của chính sách đối ngoại thời hậu chiến tranh Lạnh của Mỹ đã xảy ra trong một thời gian dài và nó sẽ kéo dài hơn cả Trump.

Theo Foreign Affairs, CNN
MỚI - NÓNG