Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn trên Biển Đông

Tàu chiến Mỹ đi gần tàu thăm dò dầu khí West Capella do Malaysia thuê, hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: Korea Herald
Tàu chiến Mỹ đi gần tàu thăm dò dầu khí West Capella do Malaysia thuê, hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: Korea Herald
TP - Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Mỹ có những bước đi thể hiện sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn trên Biển Đông, còn Trung Quốc sẽ tiếp tục né nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ để đạt được những mục tiêu của mình. 

Đó là nhận định mà bà Bonnie Glaser, một chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc, đưa ra trong cuộc trao đổi trực tuyến với các phóng viên Việt Nam ngày 27/5.

Theo bà Glaser, ý định của Trung Quốc ở khu vực là giảm ảnh hưởng và sức ép của Mỹ; làm suy yếu hoặc loại bỏ các liên minh của Mỹ; ép các nước láng giềng chấp nhận hoặc ưu tiên các lợi ích của Trung Quốc; thống nhất Đài Loan; giải quyết tất cả tranh chấp lãnh thổ theo các điều khoản của Trung Quốc...

Bà Glaser, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC, cho rằng, triển vọng đạt được những mục tiêu nêu trên của Trung Quốc sẽ bị suy yếu nghiêm trọng nếu nước này có chiến tranh với Mỹ. Vì thế, Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám, dùng đội tàu vỏ trắng và dân quân biển để thực hiện các hoạt động dưới ngưỡng chiến tranh để không kích động Mỹ đáp trả.

“Tôi cho rằng, tình hình Đài Loan dễ leo thang hơn ở Biển Đông. Nhưng tôi không nghĩ một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sắp xảy ra”, bà Glaser nói. Bà cho rằng, Trung Quốc có rất nhiều công cụ để gây sức ép và trừng phạt việc Đài Loan theo đuổi độc lập.

Khó đoán hơn

Về câu hỏi Mỹ sẵn sàng đi xa đến đâu, có sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trên Biển Đông, bà Glaser cho rằng, không có tiêu chuẩn nào cho hành động của Mỹ và không có khả năng nào bị loại trừ. Bà đánh giá chính quyền Mỹ hiện nay sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn chính quyền trước.

Một ví dụ là việc Mỹ gần đây điều tàu đổ bộ tấn công USS America hiện diện gần tàu khoan dầu khí West Capella của Malaysia nhằm gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Mỹ không muốn thấy những hành vi hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc và Mỹ có lợi ích ở khu vực đó. Bà Glaser nhấn mạnh sự thay đổi này so với năm 2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không có tàu nào của hải quân Mỹ hiện diện gần đó. “Thay đổi này cho thấy cam kết mới của Mỹ về sự sẵn sàng gửi tín hiệu đến Trung Quốc và chấp nhận rủi ro”, bà Glaser nói.

Chuyên gia này cho rằng, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với bất kỳ nước liên quan nào trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ sẽ phải cân nhắc chuyện can dự. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực hoặc ngăn cản tự do hàng hải, Mỹ phải tính cách đáp trả để gửi tín hiệu rằng họ coi những hành động như vậy là không thể chấp nhận được.

Đánh giá về các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trên Biển Đông, bà Glaser nói rằng, FONOP là cần thiết nhưng không đủ. Mỹ cần làm điều đó để bảo đảm Trung Quốc không thực thi các yêu sách chủ quyền thái quá. FONOP không thể ngăn Trung Quốc dùng lực lượng hải cảnh hay dân quân biển để bắt nạt các nước khác.

Bà Glaser nói Mỹ đang cố gắng trở nên khó đoán hơn, như thực hiện chiến dịch trở đi trở lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cách đây vài tuần, điều các máy bay ném bom đến Biển Đông, có những hoạt động rất đáng kể như triển khai đợt diễn tập 32 giờ. Bà Glaser đánh giá FONOP đang được tiến hành thường xuyên hơn, hiệu quả hơn và gửi đi những tín hiệu mà Mỹ
mong muốn.

Về câu hỏi cuộc bầu cử Mỹ năm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào lên tính toán của Trung Quốc với Biển Đông, bà Glaser cho rằng, bản thân cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng kết quả cuộc bầu cử sẽ có ảnh hưởng, tùy thuộc vào cách đánh giá của Trung Quốc. Nếu nhận định tân tổng thống Mỹ sẽ chú trọng hợp tác với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường hoạt động trên Biển Đông.

Trung Quốc  thường thử thách các tổng thống Mỹ mới lên nắm quyền theo một số cách, trong đó có cách gia tăng hành động ở Biển Đông. Ngay cả khi chính quyền Donald Trump tiếp tục cầm quyền, Trung Quốc vẫn có thể tận dụng các lợi thế có được khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ 2 để tiến tới các mục tiêu của họ trên Biển Đông, bà Glaser nói. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.