Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bàn số phận người Kurd

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bàn số phận người Kurd
TP - Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ bàn việc loại lực lượng dân quân người Kurd khỏi 2 thị trấn biên giới Manbij và Kobani của Syria trong cuộc gặp ở Sochi, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua thông báo.

Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng chiến dịch tấn công vào đông bắc Syria sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan đồng ý với Mỹ rằng sẽ đình chiến trong 5 ngày để cho phép lực YPG của người Kurd rút khỏi “vùng an toàn” mà Ankara muốn lập ra gần biên giới của họ.

Thỏa thuận đình chiến cũng nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng gây ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột quyết định rút hết 1.000 lính Mỹ khỏi đông bắc Syria. Quyết định này bị cả các chính trị gia ở Washington và những nơi khác chỉ trích là phản bội đồng minh người Kurd sau nhiều năm họ sát cánh bên Mỹ để tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Nhưng bước đi của ông Trump cũng dẫn đến tình thế mới là tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này sẽ phụ thuộc vào Nga và Iran, trong khi cả hai nước này đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đang muốn lấp vào chỗ trống do Mỹ để lại.

Ông Assad đã đưa quân đến vùng đất từng nằm dưới sự bảo vệ của Mỹ. Còn ông Erdogan, người luôn ủng hộ phiến quân lật đổ ông Assad, lại vừa nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có vấn đề gì với việc quân chính phủ Syria tiến gần biên giới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Kanal 7 hôm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu nói rằng, cuộc gặp khẩn cấp giữa ông Erdogan với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra vào tuần này. “Cùng với người Nga, chúng tôi sẽ thảo luận về việc loại bỏ những kẻ khủng bố YPG khỏi biên giới, cụ thể là các thị trấn Manbij và Kobani”, ông Cavusoglu nói. “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận với họ để phối hợp với nhau trong tương lai, giống như cách chúng tôi làm trước đây”,  ông nói.

Ankara coi YPG, thành phần chính trong tổ chức Các lực lượng dân chủ người Syria (SDF) của người Kurd, là nhóm khủng bố vì họ có quan hệ với lực lượng nổi dậy người Kurd ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng này, SDF và Damascus đạt được thỏa thuận nhằm đối phó chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào đông bắc Syria, dẫn đến việc quân chính phủ Syria tiến vào Manbij và Kobani, 2 thị trấn có tầm quan trọng chiến lược vì nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Dù ông Erdogan và ông Putin vẫn duy trì hợp tác gần gũi về quốc phòng và năng lượng, Mátxcơva nói rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria là “không thể chấp nhận được” và cần phải hạn chế.

Thứ 7 vừa qua, ông Erdogan nói rằng ông cũng sẽ thảo luận với ông Putin về chuyện chính phủ Syria đưa quân đến vùng đông bắc. Ông Erdogan cho rằng hai bên cần tìm giải pháp cho vấn đề này, nhưng cũng cảnh báo “chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch của mình” nếu hai bên không tìm ra giải pháp. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các quan chức Nga cuối tuần qua đã bàn với ông Assad về sự cần thiết phải xuống thang tình hình ở Syria, Reuters đưa tin.

Còn vai nào cho Mỹ?

Trong khi ông Trump ca ngợi thỏa thuận mà chính quyền của ông đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở đông bắc Syria là “ngày vĩ đại của sự văn minh”, người Thổ nhanh chóng dội nước lạnh vào sự hưng phấn của Nhà Trắng khi không công nhận đó là một thỏa thuận ngừng bắn.

Chỉ vài giờ sau đó, tiếng pháo lại vang lên ở vùng đông bắc Syria khi SDF cáo buộc Ankara và lực lượng đại diện vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tâm trạng ở cả Washington và Trung Đông là đây không phải thỏa thuận thực sự. Nó hết hạn vào ngày 22/10, cùng ngày ông Putin và ông Erdogan gặp nhau ở Sochi để bàn về tương lai Syria. Rõ ràng là thế giới sẽ sớm thấy một thỏa thuận thực sự cho tương lai của khu vực bất ổn này sẽ là thế nào.

Tương lai của khu vực này chắc chắn sẽ phụ thuộc vào ông Putin. Tổng thống Nga đang được coi là người làm chủ mớ hỗn độn quân sự và chính trị đang diễn ra ở đó. Khác với nỗ lực hùng biện của chính quyền Trump rằng sẽ cố gắng ngăn chặn tình trạng đổ máu, ông Putin ít nhất cũng giống một người làm theo kế hoạch, CNN bình luận.

Nga dường như đã rất nhanh chóng bàn với người Kurd và đồng minh Assad để sớm tìm ra thỏa thuận nhằm đưa quân chính phủ Syria đến vùng đất mà Damascus không có sự hiện diện suốt nhiều năm để khống chế cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.