Nước Pháp thời tự cách ly

Siêu thị Paris
Siêu thị Paris
TP - Khi cô vi đang hoành hành ở châu Á, châu Âu vẫn bình chân như vại, dửng dưng coi thường. Khi nước Ý trở thành ổ dịch, và lan ra châu Âu, nước Pháp - kề biên giới Ý buộc phải chuyển động đối phó nhanh.

Ngày 16/3, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố đây là cuộc chiến tranh chống covid, tất cả người dân có nghĩa vụ thi hành với ý thức công dân. Lệnh tự cách ly, và hạn chế ra đường (trừ trường hợp ưu tiên như công việc, và khẩn cấp) bắt đầu thực thi ngay 12 giờ trưa hôm đó.

Cảnh sát được phong tỏa khắp ngả đường. Báo chí, truyền hình nhắc liên tục thông báo để tránh vi phạm. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt từ 35 euros đến 130 euros. Chỉ trong một ngày phong tỏa, cách ly hơn 4.000 người bị phạt trên mọi nẻo đường nước Pháp.

Tại sao nước Pháp lại chậm đưa ra lệnh « giới nghiêm và tự cách ly » chậm hơn so với các nước châu Âu khi dịch đang bùng nổ ở châu Á, và Ý… Châu Âu vốn đề cao tự do, đặc biệt là nước Pháp. Nước Pháp nổi tiếng một xứ « chăm biểu tình » đấu tranh vì tự do. Đó là nước đầu tiên trong châu Âu xóa bỏ áp đặt tôn giáo vào trường học, và nhà nước tách khỏi ảnh hưởng nhà thờ từ 1848. Cách ly là mất tự do. Đưa ra luật cách ly, phong tỏa không hề đơn giản.

Chính quyền đa đảng luôn tôn trọng tự do, và thăm dò ý dân. Nước Pháp đang bị liêu xiêu bởi các đợt biểu tình áo vàng rầm rộ. Cấm tụ tập đông người là cấm biểu tình. Nếu đưa ra nghị định mà ngược lòng dân, người lãnh đạo như trên con tàu tròng trành, lơ mơ sẽ bị các đảng khác kích dân lật thuyền.

Nước Pháp thời tự cách ly ảnh 1

Trung tâm du lịch Champs Elysées Paris

Ngày 22/3, bầu cử hội đồng nhân dân ở Pháp vòng một vẫn diễn ra. Mọi người đứng xếp hàng theo đúng quy định cách xa nhau một mét. Một hộp găng tay và nước sát trùng để trên bàn. Lần đầu tiên người Pháp đi bầu cử đeo găng tay vì vệ sinh dịch tễ. Chỉ hơn 50% dân số tham gia bầu cử. Tuy nhiên vòng hai là phải hoãn. Chỉ có vài người thắng trên 50% số phiếu, và hai người nhiều phiếu phải tiếp tục tranh cử đợt hai. Đừng tưởng đứng đầu bảng là sẽ đắc cử đợt hai.

Nhiều thị trưởng chỉ đạt 45% số phiếu. Số phiếu không quá bán là một lời cảnh cáo thức tỉnh của dân đối với người được dân tin tưởng trao cho cái ghế. Nếu người đứng đầu không nhanh chóng đưa ra những chính sách mới, hứa hẹn mới kịp thời, dân sẽ dồn phiếu cho người đứng vị trí thứ hai dù có thể cách xa số phiếu ở vòng một.

Cái xứ tự do là vậy. Việc đưa ra một quyết định cấm tự do đi lại và tự cách ly là cả một vấn đề quan trọng. Con người ở đất nước này, họ sẵn sàng chết vì tự do, không dễ dàng gì họ chấp hành và thậm chí còn dễ loạn gây đảo chính.

Nhưng thật bất ngờ, đại đa số rất tự giác thi hành luật tự cách ly. Đường phố vắng tanh, dù phương tiện công cộng vẫn hoạt động để phục vụ cho những người cần đi làm như đội ngũ y tế, cảnh sát, và những nơi bắt buộc phục vụ nhu cầu của dân (nhà băng, cửa hàng nhu yếu phẩm)… Các cửa hàng ăn uống đóng hết.

Mọi hoạt động văn hóa thể thao đều tạm dừng. Trường học đóng cửa. Trước ngày phong tỏa, cách ly, dân đổ xô ra mua thực phẩm để cất ăn trong 2 tuần, và nhanh chóng lợi dụng về quê vừa thăm gia đình, vừa tránh ô nhiễm và khói bụi thành phố lớn. Nhưng thực ra mọi người ham mua ở mấy siêu thị giá rẻ, còn những nơi khác vẫn đầy đủ, đặc biệt cửa hàng thực phẩm tư nhân bán lẻ.

Paris chưa bao giờ yên tĩnh đến thế. Khu trung tâm Champs Elysées nổi tiếng du lịch bỗng vắng teo. Sân bay vắng lặng. Những chuyến bay trong châu Âu vẫn hoạt động để đưa các công dân về nước. Tuy nhiên bây giờ không ai đi du lịch vì mọi nơi đóng cửa, chỉ có công dân Pháp trở về, nên chẳng ai kiểm tra nhiệt độ, hay khử trùng ở biên giới, sân bay.

Tất cả trở về nhà với ý thức tự cách ly. Nếu cảm thấy dính covid thì gọi điện, sẽ có đội ngũ y tế hướng dẫn tầm xa. Nếu bị nặng mới vào nhà thương. Họ còn khuyên để tránh lây nhiễm cộng đồng khi chớm bệnh đừng đến hiệu thuốc hay bác sĩ. Tự cách ly tại gia.

Paris như thời chiến ở Hà Nội, vắng bóng người, và xe cộ. Nắng tưng bừng nhưng vô nghĩa. Covid thực sự là ngòi chiến tranh, có sức lan tỏa khắp quả địa cầu chỉ trong vòng 3 tháng.

Bỗng bị cách ly, mới hơn một ngày, thiên hạ cảm thấy như tù giam lỏng, gọi thăm nhau qua điện thoại. Một số người từng đi Trường Sa, đùa nhau bây giờ đừng chúc nhau như Ý, vì Ý là ổ dịch, mà hãy chúc nhau bình an như Trường Sa, nơi đó dịch chưa bén mảng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.