Thảm kịch 39 người chết: Đường đến Anh đầy bất trắc của người Việt

Thành phố Calais (Pháp) là nơi nhiều người Việt chờ cơ hội để vào Anh Ảnh: France3
Thành phố Calais (Pháp) là nơi nhiều người Việt chờ cơ hội để vào Anh Ảnh: France3
TP - Dù cảnh sát Anh chưa hoàn thành việc nhận dạng 39 thi thể trong xe tải đông lạnh ở phía đông bắc thủ đô London, một số gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang vô cùng lo lắng con em họ có thể là nạn nhân. Để đến được Anh, nhiều người Việt đã chọn con đường đi vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Để đưa ra bức tranh cụ thể về con đường bất hợp pháp mà nhiều người Việt chọn để tìm kiếm cơ hội việc làm ở Anh, dự án hỗ trợ các nạn nhân của tệ nạn buôn người do Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) và tổ chức hỗ trợ người tị nạn của Pháp France terre d’adile ở Paris đã thực hiện một nghiên cứu tỉ mỉ, dựa trên phỏng vấn nhiều người Việt di cư sang Anh và những người liên quan. Theo nghiên cứu này, có nhiều mạng lưới đưa người di cư trái phép và nhiều tuyến đường để đưa người Việt sang Anh. Một số người đi qua Trung Quốc và Nga, còn một số khác bắt chuyến bay thẳng đến Paris nếu được Cộng hòa Séc hay Hungary cấp visa Schengen tại Hà Nội, nhưng số này rất ít. 

Con đường đi phổ biến nhất mà họ lựa chọn là bay từ Hà Nội sang Mátxcơva rồi tới Belarus bằng phà. Họ đi bộ băng qua rừng để đến biên giới Ba Lan. Ở đó, một chiếc phà đợi họ để tiếp tục hành trình đến Vác-xa-va, nơi họ có một chặng nghỉ trước khi đi qua Đức và Bỉ để đến Paris (Pháp). Paris là một nơi dừng chân mà người di cư phải chờ trong khu trại gần đường bộ ở Angres. Từ đây, họ trốn vào các xe tải để đến Calais (vùng phía bắc nước Pháp) rồi đến Anh. 
Hành trình cực kỳ khó khăn, nhất là chuyến đi bộ từ Nga sang Ba Lan vì họ phải chịu đựng cái lạnh và đói. Trong nhiều trường hợp, thông tin mà người di cư cung cấp về hành trình vượt biên trái phép (không chính xác lắm) vì họ không hiểu về địa lý và cũng bởi họ phải trốn trong thùng xe tải nên không biết được đưa qua những đâu. 

Chi phí “VIP”

Chặng đi từ Calais đến Anh cực kỳ khó khăn và tốn kém vì cảnh sát gia tăng kiểm tra và đông người di cư tập trung lại để vào Anh. Theo nghiên cứu, có 2 cách để vượt qua chặng này: Cách “bình thường” hay “chi phí thấp”, tốn từ 3.000 đến 4.000 euro (77-100 triệu đồng); cách “VIP” tốn 10.000-14.000 euro (256-358 triệu đồng). Chi phí có thể dao động rất nhiều tuỳ thuộc từng giai đoạn. Mức giá này được tìm hiểu trong thời gian từ tháng 7 đến 11/2016 và đã được kiểm tra chéo với thông tin từ cảnh sát.

Nếu người di cư chọn đường “bình thường”, vai trò của những kẻ buôn người chỉ dừng lại ở việc “hướng dẫn, tư vấn” cho người di cư, cho họ vào khu lều chờ ở Angres để họ có thể trốn vào những chiếc xe tải (mà lái xe không biết), bảo đảm cho họ về chỗ ở và đồ ăn cho đến khi họ qua được. Người di cư biết rằng họ không phải đối mặt với rủi ro nào từ những đối tượng buôn người nếu họ chịu nghe lời và trả đủ tiền. Những ai cố vượt qua chặng đường còn lại mà không trả tiền sẽ bị trả thù. Đó là trường hợp một người Việt bị một phụ nữ phát hiện ở Angres trong tình trạng đang hoảng sợ và được đưa đến cảnh sát ngày 20/6/2014. 

Anh này kể mình đã cố lên một chiếc xe tải mà không dùng đến “dịch vụ” của những kẻ buôn người. Anh bị bọn họ bắt, đánh đập và đe dọa suốt 5 ngày. Sau đó, anh trốn được qua cửa sổ. Mười ngày sau đó, khoảng 30 người Việt Nam bị bắt ở trại Angres. Mười hai người bị thẩm vấn. Đến khi điều tra kết thúc, 4 người bị truy tố vì tham gia mạng lưới đưa người trái phép vào Anh.

Tiêu hủy giấy tờ, khai man thông tin

Người di cư biết rằng, các xe tải chỉ bị kiểm tra ngẫu nhiên. Một số người liều lĩnh lên cả xe đông lạnh vì để giảm nguy cơ bị máy quét và chó phát hiện. Đến phút chót, họ tự bọc giấy bạc quanh người để tránh máy quét. Họ biết họ phải mất một giờ rưỡi để đi từ Angres đến bến cảng, rồi mất thêm một giờ rưỡi nữa để đến được Anh.

Họ sẽ phải xé bạt của xe tải sau khi xe tải đến công ty của họ. Họ được dặn phải tiêu huỷ hết giấy tờ tùy thân và khai man thông tin nếu bị bắt. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng không được khai tên của những kẻ buôn người, nếu không sẽ bị trả thù. Nếu bị bắt, họ có cơ hội được đi tiếp, hoặc tệ nhất là bị giữ trong trại tập trung trong tối đa 25 ngày. Đó là điều mà những kẻ buôn người nói với Chinh, người mà nhóm nghiên cứu gặp vào ngày 25/8/2016.

Nếu họ bị lái xe tải phát hiện hoặc bị cảnh sát bắt rồi thả, họ sẽ gọi điện cho những kẻ buôn người để được hướng dẫn cách đi đến Angres. Họ sẽ được đón bằng taxi hoặc tự bắt tàu hoặc xe buýt. 

Fan, một phiên dịch tình nguyện, kể lại một chuyện từng gặp: “Cháu của tôi, một sĩ quan cảnh sát ở thành phố Rouen (Pháp), một hôm gọi cho tôi để nhờ đến phiên dịch vì cậu ấy vừa bắt 12 người Việt Nam trên đường cao tốc, 3 người trong số họ chưa đến tuổi trưởng thành”. Họ sử dụng máy quét để kiểm tra cấu trúc xương. Một thiếu niên được đưa đến một gia đình nhưng sau đó cậu này ra đi sau khi liên lạc qua mạng với những kẻ buôn người. Từ Rouen, người di cư tìm đến khu vực có một ngôi nhà bỏ hoang, ngủ lại đó rồi bắt xe buýt đến Paris, rồi đi tàu từ Paris đến Angres vì chặng đường từ Rouen đến Angres quá phức tạp. Bọn buôn người khuyên họ đi tàu. 

Nhiều người di cư cố đi theo cách “bình thường” nhiều lần không được đã phải bỏ thêm 9.000 bảng Anh (270 triệu đồng) để đi theo cách “VIP”, thông qua nhóm buôn người mà họ đã sử dụng hoặc thuê nhóm khác. Có những người phải mất đến 12.000 bảng Anh (360 triệu đồng) cho cả hai cách “thông thường” và “VIP” chỉ để đi từ thành phố Calais (Pháp) đến Anh.

Những người di cư “VIP” ngủ tại một khách sạn ở Calais hoặc Dunkirk, sau đó được lái xe nào đó cho lên ngồi trong cabin. Phiên toà xét xử những đối tượng buôn người Việt tại Dunkirk vào ngày 8/7/2016 cho thấy những đối tượng này sắp xếp các chuyến vượt biên vào Anh từ Furnes (Bỉ), với sự tham gia của cánh lái xe tải. Đi bằng cách này mất từ 8.000 đến 12.000 bảng Anh (240-360 triệu đồng). Nhưng những người di cư không phải trả tiền, mà đổi lại họ sẽ làm việc trong các “nhà máy” cần sa bất hợp pháp.

Thảm kịch 39 người chết: Đường đến Anh đầy bất trắc của người Việt ảnh 1 Người nhập cư trên một thùng xe tải ở Anh Ảnh: Publicity Agent
Làm nail, trồng cần sa

Những năm gần đây, do con đường đến Anh ngày càng khó khăn và chi phí cao hơn, nhiều người di cư khi đến Đức đã chọn cách ở lại nước này.

Theo nghiên cứu, người Việt ở Anh tập trung ở London, Birmingham và Manchester. Họ mở cửa hàng thực phẩm, nhà hàng và đại lý du lịch. Từ năm 2002, họ bắt đầu mở tiệm làm đẹp móng tay, móng chân (nail) như người Việt ở Mỹ.

Hiện nay, hơn 60% tiệm nail ở Anh là của người Việt Nam. Các nhà hàng và tiệm làm móng thường thuê sinh viên sang Anh học tập, nhưng cũng sử dụng người nhập cư trái phép, vì thế hệ người Việt thứ hai ở Anh đã tìm được việc làm tốt hơn. 

Từ những năm 1990, đa số người di cư sang Anh đến từ miền bắc và miền trung Việt Nam. Họ còn là nguồn lao động cho những mạng lưới bất hợp pháp liên quan việc trồng cần sa. 

MỚI - NÓNG