Vì sao Libya rơi vào trạng thái hỗn loạn?

Các nhóm phiến quân, các thế lực chính trị mặc sức tung hoành, không có được tiếng nói chung là nguyên nhân hàng đầu gây ra bất ổn tại Libya hiện tại
Các nhóm phiến quân, các thế lực chính trị mặc sức tung hoành, không có được tiếng nói chung là nguyên nhân hàng đầu gây ra bất ổn tại Libya hiện tại
TPO - Libya đang chìm trong hỗn loạn, kể từ sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành chiến dịch quân sự nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từ năm 2011.
Quốc gia dầu mỏ này đã trở thành "điểm trung chuyển" người tị nạn châu Phi đến các nước châu Âu, trước đây từng là đất nước có mức sống cao nhất châu Phi, với dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí. Thế nhưng, sự ổn định nhiều năm qua của Libya đã bị phá vỡ. Giờ đây, thủ đô Tripoli chỉ còn cảnh đổ nát, sau những cuộc giao tranh ác liệt giữa các phe phái chính trị đối nghịch.
Những phe phái chính trị nào nắm quyền lực?
Chính sự Libya hiện tại nằm trong tay các nhóm vũ trang, hình thành nên hai "trung tâm quyền lực" lớn tại hai bờ đông và tây của đất nước, với hai bản hiến pháp cùng tồn tại. Chính quyền Tripoli, hiện được cộng đồng quốc tế công nhận đông đảo, còn được gọi là Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA). Thủ tướng Fayez Sarraj là người đứng đầu GNA.
Trong vòng ba năm qua, ông đã nhận được sự ủng hộ của các binh sĩ và chính trị gia, song quyền lực thực sự của ông đối với toàn bộ Libya vẫn còn rất hạn chế. Ở bờ đông, chính quyền Tobruk, bao gồm quốc hội được bầu vào năm 2014 vẫn còn gây nhiều tranh cãi, hiện là lực lượng nắm quyền lực.
Vì sao Libya rơi vào trạng thái hỗn loạn? ảnh 1 Bản đồ các lực lương chính trị tại Libya. Vùng màu hồng là chính phủ GNA ở miền tây. Vùng màu xanh là chính phủ Tobruk ở miền đông. Đáng chú ý, vùng màu vàng có sự hiện diện của IS
Trong khi chính quyền Tripoli vẫn nắm quyền lực, các nghị sĩ trúng cử năm 2014 đã di chuyển đến Tobruk, cách Tripoli 1000 km, cùng với chính phủ tiền nhiệm. Năm 2015, một vài nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận của Liên Hợp Quốc về một chính phủ Libya thống nhất, thế nhưng quốc hội đã từ chối thừa nhận thỏa thuận này.
Chính quyền miền đông mong muốn tướng Khalifa Haftar, người lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya (LNA) sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong chính quyền. Một số ý kiến cho rằng, tướng Haftar là "Sisi của Libya" nhằm ví ông với Tổng thống của nước Ai Cập láng giềng.
Tất cả các phiến quân đều từng là đồng minh?
Đáng chú ý, tình trạng vũ khí lọt ra từ các kho của chính quyền Gaddafi và từ các đồng minh không thể kiểm soát được, đã biến Libya thành một cái chợ vũ khí, tạo điều kiện thuận lợi cho các phiến quân nâng cao năng lực của mình.
Trước đây, các nhóm vũ trang hợp tác với nhau vì có chung kẻ thù là cố lãnh đạo Gaddafi. Thế nhưng, giữa họ tồn tại các luồng tư tưởng khác nhau, như Hồi giáo hiện đại, ly khai, bảo hoàng, tự do. Đó là chưa kể, giữa họ còn có sự khác biệt về vùng miền, dân tộc. Sau hơn bốn thập kỷ nằm dưới quyền cai trị của Gaddafi, các nhóm phiến quân vẫn còn rất mơ hồ về các giá trị dân chủ.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận trong cuộc phỏng vấn năm 2016, rằng "sau lầm lớn nhất" trong nhiệm kỳ của ông là đã không thể chuẩn bị cho giai đoạn sau khi Gaddafi bị lật đổ. Ông cũng đổ lỗi cho Thủ tướng Anh khi đó là David Cameron vì sự "hỗn loạn" này, bởi những gì Mỹ làm là không đủ để hỗ trợ quốc gia Bắc Phi.
Tướng Haftar là ai?
Tướng Haftar từng là cộng sự, tham gia giúp nhà lãnh đạo Gaddafi lên nắm quyền tại Libya từ năm 1969, trước khi bị cho "ra rìa" vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông đã trở lại trong bối cảnh các phe phái Libya tiến hành lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, đồng thời tham gia chiến đấu chống lại người mà ông từng phục tùng. Sau khi chính quyền Gaddafi sụp đổ, lực lượng của ông dần trở thành một thế lực quân sự đáng gờm tại miền đông Libya.
Trong ba năm, ông đã chiến đấu với nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo, bao gồm các phiến quân liên hệ với al-Qaeda tại thành phố Benghazi. Tuy nhiên, ông cũng bị chỉ trích khi gán những người thách thức mình là "khủng bố". Sau khi giành được Benghazi, ông đã hướng đến vị trí cao nhất, thế nhưng thỏa thuận ngăn các nhóm quân sự lên nắm quyền do Liên Hợp Quốc ban hành đã ngăn cản ý định này.
Các nhà quan sát cho biết, tướng Haftar đã xuất hiện trong các buổi nói chuyện tại Pháp, Italia và UAE, nhằm giới thiệu ông rộng rãi hơn tới cộng đồng quốc tế. Vào tháng 1 vừa qua, lực lượng của ông đã mở cuộc tấn công vào hai mỏ dầu ở phía nam. Haftar được cho là đang kiểm soát phần lớn nguồn dầu mỏ của Libya.
Tướng Haftar có được cộng đồng quốc tế ủng hộ?
Từ lâu, ông đã được Ai Cập và UAE giúp đỡ, cũng như đã từng đến thăm Saudi Arabia trước khi chỉ huy chiến dịch tấn công Tripoli. Tướng Haftar cũng từng đến thăm Nga, và được chào đón nồng nhiệt. Nga đã từng dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ tướng Haftar trước lệnh trừng phạt nhằm vào ông này.
Vì sao Libya rơi vào trạng thái hỗn loạn? ảnh 2 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) từng đóng vai trò trung gian
giữa Thủ tướng Sarraj (trái) và Tướng Haftar
Pháp, quốc gia giữ vai trò trung gian, đã từ chối ngả về ủng hộ tướng Haftar, bất chấp những nghi ngờ về mối quan hệ với nhân vật này. Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên mời hai người đứng đầu hai chính phủ ở Libya tham gia đàm phán hòa bình tại đây. Pháp cũng từng mở cuộc không kích nhằm hỗ trợ lực lượng của tướng Haftar vào tháng 2 vừa qua. Họ nhằm vào lực lượng đối lập của Chadian tại miền nam.
Phần lớn các quốc gia phương Tây đều ủng hộ một chính phủ liên hiệp. Kể từ chiến dịch tấn công Tripoli, Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU đã kêu gọi các bên ngừng bắn để tiến hành đối thoại. Các nhà phân tích cho biết, tướng Haftar có thể tiến xa trên chính trường Libya, bởi Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một cuộc "hội nghị quốc gia" tại thành phố Ghadames, Libya, từ ngày 14-16/4 để thảo luận về tiến trình bầu cử. Thế nhưng, quyết định này đã bị tạm hoãn do tình hình giao tranh ác liệt.
Liệu IS có phải là thành phần trong sự bất ổn của Libya?
Sự rối ren sau khi Gaddafi sụp đổ đã dẫn đến tình trạng IS chiếm đóng một vài nơi ở quốc gia Bắc Phi, cụ thể là thành phố Sirte, quê nhà của ông Gaddafi. Thế nhưng, các nhóm phiến quân ở thành phố Misrata và vùng trung tâm, những người trung thành với chính phủ liên hiệp, đã liên tiếp tấn công các tay súng IS khỏi thành phố này vào tháng 8/2016, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây.
Lực lượng của IS, bao gồm các nhóm jihad cực đoan và các chiến binh nước ngoài, hiện không còn kiểm soát bất cứ thành phố hay vùng nào, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện tại các khu vực sa mạc. Mặc dù quy mô giảm xuống, song IS vẫn tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Tripoli, gây nên tình trạng an ninh bất ổn tại đây.
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng như thế nào?
Cuộc giao tranh kéo dài nhiều ngày qua đã cản trở việc cung cấp dầu mỏ và nhiên liệu đến châu Âu. Mức sống tại Libya đã trở nên đắt đỏ, mặc dù chính quyền đã nỗ lực hạn chế chợ đen, tác nhân gây ra giá cả tăng phi mã trong những năm qua. Tình hình lạm phát cũng tăng mạnh.
Người dân Libya lúc này không còn cảm thấy an toàn, luôn thường trực trạng thái cảnh giác. Đặc biệt là phụ nữ, nhóm đối tượng cảm thấy nguy cơ đe dọa lớn mỗi khi đi ra đường, với mối lo bị bắt cóc tống tiền. Không ai có thể đi khắp đất nước, khi chứng minh nhân dân có thể nhận diện ai đó đến từ đâu. Hiện tại, hơn 170.000 người Libya đang trong tình trạng không nhà cửa, theo thống kê của Liên Hợp Quốc.
Trong cuộc chiến đấu gần nhất, gần 3000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Tripoli, hệ thống điện bị phá hủy, cũng như các đợt không kích khiến sân bay khả dụng duy nhất của thủ đô Libya phải đóng cửa.
Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.