Vì sao lời cảnh báo sớm dịch corona của bác sĩ Li Wenliang bị coi là tin nhảm?

Bác sĩ Li Wenliang Ảnh: Hoàn cầu Thời báo
Bác sĩ Li Wenliang Ảnh: Hoàn cầu Thời báo
TP - Ủy ban Giám sát Quốc gia (cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Trung Quốc) ngày 7/2 thông báo đã cử nhóm công tác đặc biệt tới thành phố Vũ Hán để điều tra các vấn đề liên quan bác sĩ trẻ Li Wenliang (Lý Văn Lượng) – người qua đời hôm 6/2 vì nhiễm coronavirus mới, được coi là người đầu tiên cảnh báo về dịch coronavirus mới trước khi loại virus chết người và lây lan nhanh này được nhận diện, Nhân dân Nhật báo đưa tin.

Ngày 7/2, chính quyền Vũ Hán chia buồn với gia đình bác sĩ Li Wenliang (34 tuổi), đánh giá cao đóng góp của anh trong công tác chống dịch, Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đưa tin.

Lời cảnh báo sớm bị coi là tin đồn nhảm

Cùng ngày, Hoàn cầu Thời báo - phụ bản Nhân dân Nhật báo đăng bài ca ngợi vị bác sĩ này. Nhà dịch tễ học số 1 của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, ông Zeng Guang nói: “Họ thông thái, biết được sự việc trước khi dịch coronavirus mới bùng phát”. Họ ở đây chính là bác sĩ Li và 7 nhân viên y tế khác, 8 cư dân của thành phố Vũ Hán.

Khi Vũ Hán xuất hiện những bệnh nhân viêm phổi lạ, anh Li đã cảnh báo cho 7 cựu sinh viên y khoa qua ứng dụng WeChat rằng, một số bệnh viện trong thành phố xuất hiện người nhiễm coronavirus giống SARS, cần hết sức cảnh giác. Lúc đó chưa có chứng cứ khoa học về sự tồn tại của coronavirus mới nhưng nhận định của bác sĩ Li sau này được chứng minh là chính xác.

Làm việc tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, bác sĩ Li ban đầu cảnh báo các cựu sinh viên y khoa cùng lớp với mình về loại virus chết người hồi tháng 12/2019, thúc giục họ cẩn trọng. Ngày 30/12/2019, anh nhận được một bệnh án của một bệnh nhân gợi ý rằng dương tính với coronavirus giống như SARS.

Bác sĩ Li liền thông báo thông tin này trong nhóm chat, nói rằng có 7 ca nhiễm “SARS” (sau đó, sửa thành “virus lạ”). Ngày 3/1/2020, cảnh sát Vũ Hán khiển trách bác sĩ Li vì tội lan truyền “tin đồn trên mạng” và yêu cầu anh ký tên vào thư khiển trách. Bảy người bạn của anh cũng bị cảnh sát khiển trách vì tội “phao tin đồn nhảm” về sự bùng phát của coronavirus mới. Sau đó, bác sĩ Li trở lại làm việc. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm coronavirus, anh bắt đầu ho vào ngày 10/1, rồi sốt vào hôm sau. Cuối cùng, anh nhập viện ngày 12/1 rồi qua đời sáng 6/2.

Một số người Trung Quốc nói rằng, chính quyền địa phương nợ bác sĩ Li một lời xin lỗi chính thức. “Chúng ta đã mất một người hùng”, một người nói và giải thích rằng, nếu lời cảnh báo của anh được ghi nhận, tình hình dịch bệnh có thể đã không tồi tệ như hiện nay.

Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc công bố bài viết với tiêu đề “Quản lý tin đồn về dịch viêm phổi mới (do virus corona mới gây ra)”, có đề cập trường hợp xử lý tin đồn dịch bệnh ở Vũ Hán, thể hiện sự ủng hộ đối với bác sĩ Li.

Bài viết có đoạn:  “Chúng ta nên hiểu sự khoan dung vừa phải của pháp luật đối với cá nhân. Ví dụ, trong tám trường hợp do Cơ quan Công an Vũ Hán xử lý có “7 trường hợp SARS được xác nhận tại Chợ trái cây và hải sản Nam Trung Quốc”. Nếu hiểu một cách máy móc, chúng ta thực sự có thể kết luận rằng, theo quan điểm thực tế, SARS không xảy ra trong đợt dịch viêm phổi mới và đó là sự bịa đặt thông tin sai lệch và thông tin đã gây rối trật tự xã hội.

Theo quy định của pháp luật, việc hành vi bịa đặt và phổ biến thông tin sai lệch phải chịu hình thức kỷ luật, hoặc bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị phạt hình sự là chính đáng. Tuy nhiên, hóa ra mặc dù viêm phổi mới không phải là SARS, nhưng nội dung được công bố bởi người đăng thông tin không hoàn toàn bịa đặt. Nếu công chúng nghe “tin đồn” này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đi chợ động vật hoang dã dựa trên sự hoảng loạn về SARS, thì đây có thể là cách tốt hơn để chúng ta ngăn chặn và kiểm soát dịch viêm phổi mới ngày hôm nay”.

“Tôi sẽ làm việc ở tiền tuyến khi tôi hồi phục”

Bác sĩ Li quê ở tỉnh Liêu Ninh, theo học Đại học Vũ Hán, chuyên ngành y học lâm sàng từ năm 2004.

Sau ba năm làm việc ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, anh trở lại Vũ Hán và làm việc tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán.

Khi bác sĩ Li nhập viện vì nhiễm coronavirus mới, vợ anh đang mang thai và sức khỏe không tốt.

“Tôi sẽ làm việc ở tiền tuyến khi tôi hồi phục”, anh nói trên giường bệnh.

Tính đến cuối ngày 6/2, tổng cộng 1.540 bệnh nhân nhiễm coronavirus mới ở Trung Quốc đại lục hồi phục và được xuất viện, 636 người tử vong và 31.161 người nhiễm virus, Tân Hoa Xã sáng 7/2 dẫn thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc.

61 hành khách trên du thuyền nhiễm bệnh
Kyodo News đưa tin, tính đến ngày 7/2, tổng cộng 61 hành khách trên du thuyền Diamond Princess (đang bị cách ly ở Nhật Bản) có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus mới, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato thông báo. Trong khi đó, tất cả xét nghiệm của thủy thủ đoàn của một du thuyền khác tên là World Dream (đang bị cách ly ở Hong Kong) cho kết quả âm tính, sau khi ít nhất 8 hành khách nhiễm virus. Tổng cộng hơn 7.300 người trên hai con tàu này đang bị cách ly ở ngoài khơi. Nhật Bản hiện có 86 ca nhiễm, Singapore 33 ca, Thái Lan 25 ca, Hàn Quốc 24 ca, Hong Kong 24 ca…

Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm về dịch coronavirus 
Ngày 7/2, Chủ tịch Trung Quốc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về dịch bệnh coronavirus mới. Ông Tập nói rằng, Trung Quốc đã cập nhật cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước liên quan, trong đó có Mỹ về dịch bệnh, mời WHO và các chuyên gia tới tâm dịch Vũ Hán, Tân Hoa Xã đưa tin. Ông Trump nói rằng, Mỹ hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc chống dịch và sẵn sàng cử chuyên gia tới Trung Quốc và trợ giúp dưới nhiều hình thức.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.