Bộ Giáo dục không biên soạn sách giáo khoa: 16 triệu USD giao Chính phủ quản lý

Bộ Giáo dục không biên soạn sách giáo khoa: 16 triệu USD giao Chính phủ quản lý
TPO - Hiện nay 16 triệu USD vay với mục đích để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) biên soạn một bộ sách giáo khoa chưa dùng đến. Số tiền này giao cho Chính phủ quản lý để sử dụng cho hiệu quả theo đúng Luật Ngân sách.

Chiều nay, 16/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ đã báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Sau khi trình bày các kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ  báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trường hợp đã có ít nhất 1 bộ sách bảo đảm chất lượng được Bộ GD&ĐT phê duyệt thì Bộ không tổ chức biên soạn một bộ sách (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.

Kết luận về nội dung này tại phiên họp, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết trong quá trình triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội, bên cạnh những thuận lợi, tích cực thì vẫn còn một nhược điểm cần khắc phục là chậm so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt được 5 bộ SGK lớp 1 đạt yêu cầu để phục vụ năm học mới sắp tới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, những việc mà Bộ GD&ĐT cần làm trong thời gian tới khi thực hiện Nghị quyết 88 đó là tiếp tục phát huy hội đồng thẩm định quốc gia; chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới đào tạo đảm bảo các nội dung liên quan đến văn hóa, nhân cách con người Việt Nam.

Bộ GD&ĐT riếp tục quan tâm đến tập huấn giáo viên; tiếp tục lắng nghe ý kiến của cha mẹ học sinh ủng hộ chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK. Trong quá trình bộ sách được thẩm định đề cao vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong điều hành, kiểm tra, hướng dẫn các trường chọn SGK.

Bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của Bộ trưởng Bộ GD&&ĐT khi làm việc với lãnh đạo các địa phương trong việc lựa chọn SGK và giáo dục gắn với lịch sử văn hóa của mỗi địa phương.

Riêng với giáo dục miền núi, hải đảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng từ năm học tới, SGK theo chương trình mới in đẹp, có thể giữ gìn để tái sử dụng cho cho lớp sau; đối với giáo dục miền núi đây là một nhánh của chương trình mục tiêu quốc gia, nên đề nghị quan tâm, đặc biệt có chính sách hỗ trợ, trợ giá để con em đồng bào các dân tộc miền núi vẫn có SGK đẹp, chuẩn để học .

Với khoản tiền 16 triệu đô la hiện nay chưa dùng đến vẫn trong tài khoản của Ngân hàng thế giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị giao cho Chính phủ quản lý và sử dụng sao cho hiệu quả theo đúng luật ngân sách. Theo bà Tòng Thị Phóng, nếu không phải sử dụng đến cũng tốt.

Việc Bộ GD&ĐT xin rút không viết SGK, bà Tòng Thị Phóng cho rằng trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội không sửa đổi nghị quyết nhưng có thể linh hoạt thực hiện;  có thể ghi rõ các nhiệm vụ thực hiện từ nay trở đi.

MỚI - NÓNG