Chuyên gia tâm lý: Xâm hại tình dục bao gồm cả sờ soạng

Chuyên gia cho rằng, phụ huynh cần hiểu hơn về xâm hại tình dục
Chuyên gia cho rằng, phụ huynh cần hiểu hơn về xâm hại tình dục
TPO - Chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, từ nhiều vụ việc trẻ em bị lạm dụng trong trường học cho thấy, phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về khái niệm xâm hại và dạy con nguyên tắc phòng tránh.

Nhiều phụ huynh không hiểu khái niệm

Ngày 6/3, huyện Việt Yên tổ chức họp báo công bố thông tin, giáo viên Trường tiểu học Tiên Sơn (Bắc Giang) có các hành vi như: véo tai, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh lớp 5A. Tuy nhiên, không đủ chứng cứ để kết luận, thầy giáo dâm ô học sinh. 

Trước đó, trả lời Tiền Phong, anh Đ.H, phụ huynh học sinh lớp 5A cho biết, con đi học về xin nghỉ học thêm vì bị thầy giáo gọi ra và lưng hai lần còn bạn nữ khác bị thầy sờ vào những vùng nhạy cảm. Phụ huynh này cũng bày tỏ sự bức xúc, bất bình khi ở lớp học lại xảy ra những chuyện tày trời như vậy. Anh cho biết, ở nhà vợ chồng anh vẫn dạy con về giới tính, nguyên tắc để bảo vệ mình vì thế khi sự việc xảy ra, con về báo ngay với bố. 

Về chi tiết có hay không giáo viên sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh, trong buổi họp báo, lãnh đạo Công an huyện Việt Yên cũng thông tin, có gia đình kiên quyết không cho lực lượng tiếp xúc với con mình để lấy lời khai. 

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục – ĐH QG Hà Nội) cho rằng, lâu nay nhiều người nghĩ xâm hại tình dục là khi có xâm nhập vào bộ phận tình dục. Chúng ta cần mở ra một khái niệm đúng hơn, hành vi xâm hại sẽ bao gồm cả sờ soạng cả phía bên ngoài cơ thể hay như: động chạm, nhìn, ôm hôm, kể chuyện tục tĩu…

TS Nam khẳng định, những hành vi này đều vi phạm pháp luật và để lại tổn thương rất lớn cho tâm lý nạn nhân. Ông cũng nói thêm, cha mẹ cần dạy con tự bảo vệ bảnthân từ sớm. Bởi trong quá trình làm việc, ông gặp nhiềukhó khăn khi phụ huynh chưa nhận thức đúng về  về xâm hại tình dục trẻ em. “Điều này xuất phát từ cách ứng xử từ dân gian xưa, người lớn thường có thói quen động chạm vào vùng nhạy cảm của trẻ để thể hiện sự thân thiện”, ông Nam nói.

Khi gặp tình huống, trẻ không biết xử lý ra sao, rất bối rối. Trong khi đó, người có hành vi xâm hại thường đi kèm theo sự đe dọa. Cảm giác bị xâm phạm nhưng không dám nói sẽ gây tiêu cực cho trẻ. Trẻ thay đổi về cảm xúc, trở nên nhạy cảm, cáu gắt, cảnh giác với người xung quanh. Vì vậy, cha mẹ cần hỗ trợ con rõ ràng về mặt thông tin. Cần giải thích cho trẻ hiểu, trong tất cả các tình huống đó, trẻ không có lỗi và được bảo vệ.

Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật sư Bảo An cho rằng, hiện nay, pháp luật hình sự cũng như các quy định về xử phạt vi phạm hành chính chưa quy định thế nào là dâm ô. 

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ việc thì dâm ô được hiểu là hành vi sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác. 

Dâm ô là một trong những hành vi thuộc nhóm hành vi quấy rối tình dục mà nạn nhân thông thường là các trẻ em gái. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người có hành vi xâm hại.

Trong vụ việc giáo viên say rượu rồi véo mũi, sờ đùi, vỗ mông học sinh lớp 5 Trường tiểu học Tiên Sơn, ông Vinh cho rằng, nếu những nội dung điều tra của công an là đúng thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô nhưng phải bị xử phạt hành chính về hành vi “quấy rối tình dục” quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, hành vi này là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với một giáo viên, ông Minh không còn tư cách để tiếp tục làm nghề giáo. 

Ông Vinh chia sẻ thêm, khi xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi dâm ô học sinh đều gặp rất nhiều khó khăn bởi có ít chứng cứ, lời khai của các cháu bé đôi khi thiếu thống nhất do các nguyên nhân như: sợ hãi, hoảng loạn, trí nhớ của bé chưa đầy đủ về các sự việc diễn ra. Thậm chí, nhiều bé hạn chế khả năng mô tả vì chưa nhận thức được tính chất của vấn đề.

MỚI - NÓNG