Bối rối trong phương cách xử lý hàng loạt vụ sàm sỡ, dâm ô phụ nữ và trẻ em

TP - Hàng loạt vụ việc sàm sỡ, dâm ô đối với phụ nữ và trẻ em gái đã diễn ra gần đây, tuy nhiên các cơ quan chức năng lại bối rối trong phương cách xử lý.

 Ls Vương Sơn Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Ls tỉnh Tây Ninh) cho rằng những vụ quấy rối tình dục hay dâm ô với trẻ em xảy ra luôn gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội; phụ nữ và những phụ huynh có con gái không tránh khỏi những bất an, lo lắng. Xảy ra sự việc trước hết là ý thức, đạo đức của người thực hiện hành vi ấy bị lệch lạc so với chuẩn mực xã hội. Ông Hà khẳng định rằng hành lang pháp lý để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước sự quấy rối tình dục hoặc dâm ô của đối tượng vi phạm chưa thật sự rõ ràng, nghiêm khắc.

Bối rối trong phương cách xử lý hàng loạt vụ sàm sỡ, dâm ô phụ nữ và trẻ em ảnh 1 Các luật sư  Vương Sơn Hà và Lê Trung Phát vừa có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong. Ảnh: Tân Châu

Ông Hà cũng cho rằng pháp luật có nêu quấy rối tình dục (Bộ luật lao động 2012) và dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Bộ luật hình sự 2015), tuy nhiên, hành vi nào là quấy rối tình dục, hành vi nào là dâm ô thì không quy định cụ thể; do vậy, khi áp dụng pháp luật để xử lý thì tôi cho rằng cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa thống nhất.

“Cần thiết sớm phải bổ sung cụ thể về hành quấy rối tình dục và dâm ô vào luật, đồng thời tăng mức phạt, hình phạt đối với người thực hiện hành vi vi phạm mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung” - Phó Chủ nhiệm Đoàn Ls tỉnh Tây Ninh, LS Vương Sơn Hà kiến nghị.

Ls Lê Trung Phát (Đoàn Ls TPHCM) “phát hiện” ra là hiện nay, dù Thông tư liên tịch (TTLT) 01/1998 hướng dẫn liên quan đến hành vi dâm ô trẻ em (nay là dâm ô người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS 2015) đã hết hiệu lực từ năm 2008, thế nhưng tinh thần áp dụng pháp luật đối với tội phạm trên vẫn còn đang áp dụng. Vì TTLT 01 cũng chỉ mang tính hướng dẫn bằng việc làm rõ hành vi liên quan đến dâm ô mang tính liệt kê như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em.

Như vậy dấu 3 chấm trong hướng dẫn vẫn có thể được áp dụng đối với hành vi cưỡng hôn trẻ em. Từ đó cần xem hành vi cưỡng hôn trẻ em là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo điều 146. “Pháp luật không phải chưa kịp thời điều chỉnh, mà vấn đề nó nằm ở nhận thức áp dụng của cơ quan có thẩm quyền” - Ls Lê Trung Phát nói.

Một Ls thuộc Đoàn Ls TPHCM thì phân tích rằng, các quy định trong Luật Hình sự về tội phạm tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô rất mơ hồ và thiếu cụ thể nhưng chưa có văn bản hướng dẫn và các thẩm phán ở Việt Nam lại không có chức năng diễn giải pháp luật. Vị Ls này dẫn chứng việc xử phạt quấy rối tình dục không nghiêm khắc và không tương xứng, biện pháp xử lý hành vi không cấu thành các tội hình sự liên quan đến tình dục hiện nay chỉ sử dụng quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt tối đa là 300 ngàn đồng và không có quy định về bồi thường thiệt hại của hành vi quấy rối tình dục.

MỚI - NÓNG