Bốn cách Trung Quốc dùng để đối phó chiến tranh thương mại với Mỹ

Việc áp thuế trả đũa mới nhất đánh dấu sự đảo ngược thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được trong cuộc gặp cuối tháng 6, khi hai nhà lãnh đạo đồng ý không áp thuế lên hàng hóa của nhau. Ảnh: Getty.
Việc áp thuế trả đũa mới nhất đánh dấu sự đảo ngược thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được trong cuộc gặp cuối tháng 6, khi hai nhà lãnh đạo đồng ý không áp thuế lên hàng hóa của nhau. Ảnh: Getty.
TPO - Khi căng thẳng thương mại gia tăng, các công ty Mỹ đối mặt môi trường ngày càng phức tạp ở Trung Quốc, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách thích nghi; tình trạng này có thể đem đến các cơ hội mới cho phía Trung Quốc.

Cuối tuần qua, Trung Quốc tuyên bố tăng thuế nhập khẩu với 75 tỷ USD hàng Mỹ từ 1/9 và 15/12, còn Mỹ thông báo tăng thuế đối với 550 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc. Điều này có nghĩa rằng, tính đến cuối năm nay, về cơ bản, tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ đều phải chịu thuế.

Bốn biện pháp

Thuế cao làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp Trung Quốc vốn đã chịu áp lực kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, dữ liệu và các phân tích khác cho thấy các công ty ở đại lục đang tìm cách để trụ vững, dù điều đó có nghĩa họ đôi lúc phải gánh chi phí thuế má.

“Tôi tin rằng, căng thẳng thương mại Trung-Mỹ là một tình huống dài hạn”, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc nói với hãng tin Mỹ CNBC. Trong khi phía Trung Quốc chờ đợi một thỏa thuận thương mại công bằng, bình đẳng, Trung Quốc đã chuẩn bị đối phó bất kỳ tác động tiêu cực nào của căng thẳng thương mại.

“Chúng tôi không sợ”, ông Ngụy, hiện là phó chủ tịch và phó giám đốc điều hành đơn vị tư vấn Trung tâm Trung Quốc về giao lưu kinh tế quốc tế có trụ sở ở Bắc Kinh, nói.

Ông Ngụy nêu ra bốn biện pháp Trung Quốc dùng để tiếp sức cho doanh nghiệp trong nước. Đó là:

-Tăng sự hỗ trợ của chính phủ.

-Mở kênh đối với các thị trường quốc tế khác thông qua các chương trình như khu thương mại tự do và sáng kiến Vành đai-Con đường.

-Phát triển môi trường hoạt động chất lượng cao cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

-Thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, phí.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sa vào xung đột thương mại leo thang hơn 1 năm. Ban đầu tập trung vào thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức cao, sau đó mở rộng sang việc các công ty Mỹ không được đối xử bình đẳng khi tiếp cận thị trường Trung Quốc khổng lồ, bị ép buộc chuyển giao công nghệ…

Chờ kết quả đàm phán

Việc áp thuế trả đũa mới nhất đánh dấu sự đảo ngược thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được trong cuộc gặp cuối tháng 6, khi hai nhà lãnh đạo đồng ý không áp thuế lên hàng hóa của nhau.

“Việc phá bỏ thỏa thuận này và việc Mỹ ít có động thái nới lỏng hạn chế đối với Huawei (công ty công nghệ Trung Quốc) có nghĩa rằng, ông Tập đã từ bỏ nỗ lực thiện chí với ông Trump”, Michael Hirson, người phụ trách mảng Trung Quốc và Đông Bắc Á của hãng tư vấn Eurasia Group, nhận định.

“Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ đưa ra quyết định dứt khoát về việc loại trừ khả năng chờ đến sau bầu cử Mỹ mới ký thỏa thuận với ông Trump. Tuy nhiên, họ ngày càng nghi ngờ về độ khả thi của ông Trump với tư cách là đối tác đàm phán và không còn sẵn lòng nhượng bộ đáng kể để xoa dịu ông”, Hirson nói.

Phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones giảm hơn 600 điểm. Nếu các nhà đầu tư quan tâm về tác động của căng thẳng thương mại gia tăng với các công ty Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể bắt đầu tìm kiếm thêm cơ hội làm ăn.

“Về ngắn hạn, thuế nhập khẩu của Mỹ tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc. Về lâu dài, nếu căng thẳng Trung-Mỹ tiếp tục, nó sẽ tác động cấu trúc của chuỗi công nghiệp toàn cầu. Dĩ nhiên, điều này cũng sẽ buộc các công ty trong nước thay đổi phương pháp sản xuất và thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp”, Wang Zhe, nhà kinh tế tại hãng truyền thông Caixin ở Bắc Kinh, nhận định.

Các nhà phân tích nói rằng, một hậu quả khác của căng thẳng thương mại là doanh nghiệp Trung Quốc có thể chiếm thêm thị phần. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển việc mua nông sản từ Mỹ sang các nước khác, đặc biệt là ở Mỹ Latin.

Cuối tuần qua, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng, doanh nghiệp Mỹ “được lệnh lập tức bắt đầu tìm kiếm nơi thay thế Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty của các bạn về nhà và sản xuất sản phẩm của các bạn tại Mỹ”. Hiện chưa rõ ông sẽ đảm bảo việc thực thi yêu cầu của mình như thế nào.

“Nếu lệnh đó khiến các công ty Mỹ rời bỏ thị trường Trung Quốc, nó sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc lấp khoảng trống. Hơn nữa, sẽ gây gián đoạn chưa từng có đối với quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”, Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, nhận định. Điều đó sẽ tạo ra sự không chắn chắn và tình trạng này không tốt cho cả doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, một số công ty Trung Quốc tự chịu chi phí thuế má, chấp nhận giảm lợi nhuận, chứ không tăng giá sản phẩm, để xuất khẩu sang Mỹ, nhưng phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ giải pháp tại các cuộc đàm phán thương mại. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.