Giữa chiến tranh thương mại, Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài gây nguy cơ cho an ninh. Động thái này được cho là để nhắm vào hãng công nghệ Trung Quốc Huawei.

Sắc lệnh do ông Trump ký cấm việc mua hay sử dụng thiết bị từ các công ty “gây rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người dân Mỹ”.

“Chính phủ sẽ làm điều cần thiết để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ và bảo vệ người Mỹ khỏi kẻ thù bên ngoài”, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng khẳng định sắc lệnh không nêu tên của quốc gia hay công ty nào. Nhưng biện pháp được đưa ra ngay thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng, cộng thêm lo ngại về nguy cơ thiết bị của Huawei có thể bị lợi dụng để do thám.

Giới chức Mỹ đang nỗ lực vận động các quốc gia đồng minh không cho Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G, cảnh báo rằng việc đó có thể khiến Mỹ hạn chế chia sẻ thông tin với họ.

Các cơ quan chính phủ Mỹ đã bị cấm mua thiết bị của Huawei, hãng đang đi đầu trong công nghệ 5G.

Chính phủ Mỹ vô cùng giận dữ trước bước đi này.

“Đôi khi Mỹ lợi dụng quyền lực của mình để cố tình làm mất uy tín hoặc đàn áp bằng bất kỳ phương tiện nào đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, một điều không đáng tôn trọng và không công bằng”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.

“Chúng tôi thúc giục Mỹ dừng đàn áp vô lý các doanh nghiệp Trung Quốc với cái cớ an ninh quốc gia và tạo ra môi trường công bằng, không phân biệt đối xử”, ông Cảnh nói thêm.

Trước đó, ông David Wang, giám đốc điều hành hội đồng quản trị Huawei, hạ thấp tác động của thông tin Mỹ sắp tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

“Công việc kinh doanh tại Mỹ của chúng tôi không lớn lắm. Chúng ta là công ty có hoạt động trên toàn cầu, nên nếu có thay đổi nào đó ở một quốc gia nào đó, tac động lên hoạt động toàn cầu của chúng tôi là rất nhỏ”, ông Wang nói.

Việc Mỹ coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia phù hợp là một phần trong lo ngại của Mỹ rằng các công ty Trung Quốc được nhà nước bảo hộ một cách không công bằng, khiến thương mại cũng trở nên không công bằng.

Trên phạm vi rộng hơn, Mỹ và một số nước đồng minh ở châu Âu lo rằng sự mở rộng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt thông qua chương trình hạ tầng toàn cầu mang tên Vành đai Con đường, là một phần của nỗ lực nhằm đạt tầm thống trị địa chính trị.

Giữa những lo ngại đó, Huawei bị coi như con ngựa thành Troj, có thể đóng góp công nghệ viễn thông phát triển rất nhanh của họ vào mạng lưới do thám của chính phủ Trung Quốc để theo dõi xã hội và các doanh nghiệp Mỹ.

“Các hãng viễn thông Trung Quốc như Huawei đang là một cánh tay thu thập thông tin tình báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton, thuộc đảng Cộng hòa Mỹ, nói sau khi ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

“Chính quyền rất đúng khi hạn chế sử dụng các sản phẩm của họ”, ông Cotton nói thêm.

Cho đến nay, chiến dịch vận động của Mỹ để các nước khác quay lưng với Huawei mang lại kết quả lẫn lộn.

Ngay cả chính phủ Anh, một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ, vẫn đang tranh luận có làm như Mỹ hay cho phép Huawei tham gia phát triển mạng 5G.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG