Triều Tiên có thể dùng vụ đột nhập Đại sứ quán để ép Mỹ

Tổ chức Joseon Tự do nói rằng họ chia sẻ các thông tin đánh cắp từ Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha với FBI. (Ảnh: Yonhap)
Tổ chức Joseon Tự do nói rằng họ chia sẻ các thông tin đánh cắp từ Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha với FBI. (Ảnh: Yonhap)
TPO - Cách Triều Tiên lên án vụ đột nhập bí ẩn Đại sứ quán của họ tại Tây Ban Nha cho thấy Bình Nhưỡng có thể dùng vụ này để gây sức ép với Mỹ, tùy thuộc vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa, các chuyên gia đánh giá.

Trong phản ứng đầu tiên đối với vụ đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha xảy ra ngày 22/2, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên án đây là “vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng” và thúc giục giới chức Tây Ban Nha điều tra tường tận vụ việc và “đưa những kẻ khủng bố và những kẻ giật dây ra trước công lý”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA viết trong bản tin bằng tiếng Anh.

Phản ứng này được đưa ra sau khi Joseon Tự do – nhóm hoạt động chống Triều Tiên -  nhận trách nhiệm thực hiện vụ đột nhập và nói đã chia sẻ một số thông tin thu thập được với Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) “theo yêu cầu của họ”.

“Chúng tôi đang theo dõi tất cả các tin đồn rằng FBI của Mỹ và một nhóm nhỏ chống Triều Tiên tham gia vào vụ khủng hộ, và những thứ tương tự”, KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Mỹ bác bỏ dính dáng đến vụ việc. Nhưng NBC cuối tuần qua đưa tin FBI đã nhận được thông tin đánh cắp sau vụ đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên, và rằng việc tiếp nhận thông tin tình báo về một đại sứ quán nước ngoại tại một nước thuộc NATO đẩy FBI vào “tình huống khó khăn”.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời các chuyên gia ở Seoul nhận định rằng Triều Tiên có thể dùng vụ việc này làm công cụ mặc cả chuyện đàm phán hạt nhân với Mỹ, tùy thuộc vào tiến triển đàm phán.

“Việc Triều Tiên đưa ra tuyên bố sau 1 tháng im lặng cho thấy họ suy nghĩ rất kỹ lưỡng về vụ này. Họ dường như đang theo dõi sát sao phản ứng của cộng đồng quốc tế, cũng như cách đưa tin những thông tin bị đánh cắp đó”, Yonhap dẫn lời GS Yang Moo-jin, công tác tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul.

“Giờ đây khi đã chính thức xác định đó là hành động tấn công khủng bố, họ có thể dùng nó làm một nhân tố để gây sức ép với Mỹ, tùy thuộc vào diễn biến tình hình”, ông Yang nói.

GS Lim Eul-chul, công tác tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại ĐH Kyungnam, cũng cho rằng Triều Tiên có thể dùng vụ này để lên án Washington mỗi khi đàm phán đổ bể.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phản ứng kiềm chế của Triều Tiên cho thấy nước này vẫn muốn duy trì không khí thuận lợi cho đối thoại và sử dụng vụ việc này.

“Triều Tiên phản ứng với giọng điệu kìm chế. Họ sẽ không làm thế nếu đang đối đầu với Mỹ. Điều đó cho thấy đối thoại vẫn đang diễn ra”, GS Lim nói.

Theo theo Yonhap
MỚI - NÓNG