Dân làng Indonesia nhốn nháo, xúc động đón cô gái trong vụ án Kim Jong Nam

Siti Aisyah được cảnh sát hộ tống về nhà. (Ảnh: AP)
Siti Aisyah được cảnh sát hộ tống về nhà. (Ảnh: AP)
TPO - Rất đông dân làng và các phóng viên tập trung chờ đón cô gái người Indonesia trở về sau 2 năm ngồi tù vì bị cáo buộc giết hại người đàn ông ở sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017. 

Loa phát thanh từ các đền thờ vang lên khi cảnh sát hộ tống cô Siti Aisyah len qua đám đông hiếu kỳ để về căn nhà của cô ở làng Rancasumur, trên đảo Java, nơi cô lớn lên. Một cảnh sát cho biết Aisyah đã mệt lả đi.

Sáng hôm 12/3, Aisyah đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, 1 ngày sau khi rời khỏi Malaysia, đoàn tụ với bố mẹ và dự 2 cuộc họp báo.

Ở làng Rancasumur, người dân nơi đây nói rằng họ đã khóc vì mui mừng khi nghe tin Aisyah được thả. Những đứa trẻ háo hức chạy quanh làng và hô vang: “Kim Jong Nam” – tên của người Triều Tiên được cho là đã bị sát hại ở sân bay Kuala Lumpur – trong khi người dân làng cảm ơn Thượng đế vì đã giúp Aisyah được tự do.

“Chúng tôi chắc chắn rằng con bé sớm muộn cũng được trả tự do vì nó vô tội”, dì của Aisyah, cô Siti Sudarmi nói.

Giới chức Malaysia, nơi Aisyah bị giam trong 2 năm và đối diện với án tử hình, quyết định thả cô gái này sau nhiều nỗ lực vận động của chính phủ Indonesia.

Cô vướng vào vụ án kỳ lạ như tiểu thuyết. Các công tố viên buộc tội Aisyah và cô gái Việt Nam Đoàn Thị Hương là những kẻ sát nhân đã được huấn luyện để áp chất độc thần kinh VX vào mặt ông Kim Jong Nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur năm 2017, khiến người này thiệt mạng.

Hai cô gái trong độ tuổi 20 và đều có xuất thân khiêm tốn nói rằng họ chỉ nghĩ khi đó đang thực hiện một trò đùa vô hại để chiếu trên truyền hình.

Đội luật sư của Aisyah nói rằng sau khi được tuyển dụng, cô đã tham gia các trò đùa trong nhiều trung tâm thương mại, khách sạn và sân bay. Aisyah được trả khoảng 100-200 USD cho mỗi trò như thế.

Chưa rõ Malaysia có rút buộc tội đối với Đoàn Thị Hương hay không. Không lâu sau vụ án ngày 13/2/2017, Malaysia cho phép các nghi phạm Triều Tiên rời khỏi nước này để đối lấy sự an toàn của các công dân Malaysia ở Triều Tiên.

Những người hàng xóm của Aisyah nói rằng cô gái này là nạn nhân bị lừa vì các cô gái trẻ trong làng đều nhẹ dạ khi chuyển đến các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài. Malaysia, một đất nước đang tiến đến ngưỡng thu nhập của các nước phát triển, là thỏi nam châm hút hàng triệu người Indonesia đến để làm giúp việc, công nhân xây dựng hoặc làm nông nghiệp.

Aisyah cùng chồng đến Malaysia lần đầu vào năm 2011, theo thông tin từ cuộc phỏng vấn của hãng tin AP với bố chồng cô, ông Tjia Liong Kiong, người đang chăm sóc con trai của vợ chồng cô. 1 năm sau, Aisyah về quê để ly dị. Sau đó, cô sống với bố mẹ và làm việc ở Batam, một đảo của Indonesia nằm gần Singapore, rồi cô đến thăm bạn trai ở Malaysia.

So với tiêu chuẩn của Indonesia, Rancasumur là một khu dân cư khá giả, có những ngôi nhà khang trang và người dân sống bằng nghề buôn bán hoặc làm việc ở các nhà máy gần đó.

Sri Rahayu, người sống gần nhà Aisyah, nói rằng cô đã khóc vì xúc động khi nghe tin em họ cô được tự do. “Ai cũng khóc. Tôi hy vọng chuyện này có thể giúp cô ấy thoát khỏi đàm tiếu của những người không thực sự hiểu chuyện gì đã xảy ra”, cô gái 19 tuổi nói.

Rahayu, một công nhân may, nói rằng điều đầu tiên mà cô sẽ nói khi gặp lại Aisyah là bảo cô ấy chớ ra nước ngoài nữa. “Tôi rất muốn khuyên cô ấy đừng ra nước ngoài nữa. Tốt hơn cô ấy nên ở nhà rồi tìm việc quanh đây mà làm”, Rahayu nói.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.