Mỹ chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp bất ngờ ở khu phi quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc Ảnh: Bloomberg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp bất ngờ ở khu phi quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc Ảnh: Bloomberg
TP - Sau cuộc gặp đầy ngẫu hứng và mang đậm tính truyền hình của lãnh đạo Mỹ - Triều tại khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc, báo chí nhà nước Triều Tiên hôm qua tràn ngập các bài viết và hình ảnh cuộc gặp. 

Trang nhất báo Rodon Sinmun thuộc đảng Lao động Triều Tiên kín mít ảnh ghi lại khoảnh khắc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân sang đất Triều Tiên. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA viết rằng cuộc gặp này đánh dấu “bước thay đổi lớn”.

Trong cuộc gặp kéo dài cả giờ ở DMZ hôm 30/6, hai nhà lãnh đạo đồng ý nối lại đàm phán và nói rằng các quan chức cấp làm việc của hai nước sẽ sớm khởi động đối thoại về chi tiết thỏa thuận từ bỏ vũ khí.

KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng “quan hệ cá nhân tốt đẹp” với ông Trump khiến cuộc gặp diễn ra dù chỉ nhận được thông tin trước một ngày, và rằng “quan hệ đó sẽ tiếp tục mang lại những kết quả tốt đẹp mà những người khác không thể dự đoán được, sẽ trở thành sức mạnh bí ẩn để vượt qua vô vàn khó khăn trở ngại trong tương lai”.

Liều lượng đưa tin của truyền thông Triều Tiên lần này nhiều hơn hẳn so với cuộc gặp thượng đỉnh lần trước, khi ông Trump rời đi và phàn nàn rằng ông Kim đã đòi hỏi quá nhiều về chuyện nới lỏng trừng phạt và chấp nhận quá ít trong dỡ bỏ vũ khí để xứng đáng với phần thưởng đó.

KCNA đăng hơn 30 bức ảnh ghi lại cuộc gặp của ông Trump và ông Kim Jong Un kèm theo những bình luận như hai nhà lãnh đạo “đã nói lên tiếng nói của sự hiểu biết và cảm thông hoàn toàn” với nhau.

“Truyền thông Triều Tiên trong những tuần gần đây tô đậm thông điệp ông Kim với vị thế sánh ngang lãnh đạo các cường quốc”, Bloomberg dẫn đánh giá của ông Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích làm việc ở Seoul. “Các bức ảnh dường như được sắp xếp để nhấn mạnh sự thân thiết giữa  hai ông Trump - Kim và quan hệ Mỹ - Triều”, ông Lee nhận xét.

Gần đây, nhà lãnh đạo của quốc gia khép kín nhất thế giới bận rộn với hàng loạt hoạt động ngoại giao, gây chú ý với những cuộc gặp lãnh đạo Trung Quốc và Nga để tìm kiếm ủng hộ nới lỏng trừng phạt.

Không chỉ ưu tiên quân sự như cha mình, ông Kim đang theo đuổi con đường phát triển song song quân sự và kinh tế. Nhưng giới phân tích cho rằng chính sách này có rủi ro sẽ khiến quân đội và dân chúng thất vọng nếu ông Kim không thể thực thi những cam kết của mình.

Dù chưa đạt được mấy tiến triển trong đàm phán, cách ông Trump gặp ông Kim nhiều lần có thể giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên củng cố hình ảnh trong nước. Giới phân tích cho rằng ông Trump có thể đang gửi đi tín hiệu Mỹ ngầm chấp nhận địa vị thực tế của Triều Tiên như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ý tưởng mới

Báo Mỹ New York Times hôm qua có bài viết nói rằng cuộc gặp vừa qua ở DMZ có vẻ đầy ngẫu hứng, nhưng trong chính quyền Trump trước đó vài tuần đã có một ý tưởng để tạo nền móng khởi động lại tiến trình đàm phán Mỹ - Triều.

Đó là ý tưởng Mỹ sẽ chấp nhận cách đóng băng hạt nhân, nghĩa là giữ nguyên hiện trạng, và ngấm ngầm chấp nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân.Trước đây, nhiều quan chức trong chính quyền Trump khẳng định họ không bao giờ ủng hộ điều này. Nhưng khi phương pháp đòi hỏi tối đa với Triều Tiên chẳng đi đến đâu, chính quyền Mỹ có thể đang cân nhắc cách tiếp cận mới.

Dù cách giữ nguyên hiện trạng có thể ngăn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lớn hơn, nhưng sẽ không giúp loại bỏ bất kỳ vũ khí nào trong khoảng 20-60 đầu đạn mà Bình Nhưỡng đang có, ít nhất trong tương lai gần. Nó cũng không giúp hạn chế năng lực tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng theo New York Times, với một tổng thống đang trong chiến dịch tái tranh cử, và ông nhiều lần phàn nàn rằng ông chẳng được truyền thông ghi nhận chút nào chuyện xuống thang căng thẳng với Triều Tiên, đóng băng các cơ sở hạt nhân ngầm và dừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, một giải pháp như trên có thể được ông Trump tuyên bố là chiến thắng. Nó sẽ giúp ông nói rằng ông đang đạt được tiến triển, dù chậm, một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thế giới.

Các nhà đàm phán Mỹ sẽ tìm cách bắt đầu từ đề xuất mà ông Kim đưa ra ở Hà Nội về việc từ bỏ tổ hợp sản xuất nhiên liệu hạt nhân chính của Triều Tiên ở Yongbyon để đối lấy việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt khó chịu nhất mà nước này đang phải chịu.

Mỹ sẽ thuyết phục ông Kim đồng ý mở rộng định nghĩa địa điểm Yongbyon ra khỏi ranh giới địa lý của nó. Nếu thành công, dù còn rất nhiều trở ngại, sẽ dẫn đến việc đóng băng hạt nhân và Triều Tiên không sản xuất thêm vật liệu hạt nhân mới.

Tuy nhiên, Phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên, ông Stephen E. Biegun, hôm qua nói rằng, ý tưởng này “chỉ đơn thuần là đồn đoán” và nhóm của ông “vẫn chưa chuẩn bị bất kỳ đề xuất mới nào”.

Trên thực tế, cách tiếp cận này từng được thử dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W.Bush, nhưng đều thất bại, dù bối cảnh khi đó có khác đôi chút hiện nay.

MỚI - NÓNG